Phóng sinh: Mục đích cao thượng nhưng đang bị biến tướng

Tạp chí Biển Việt Nam - Hành động phóng sinh nhằm hướng đến ý nghĩa cao thượng, thể hiện lòng từ bi, tôn trọng sự sống và khao khát giải thoát mọi hình thức sống. Tuy nhiên, vì mục đích lợi nhuận, nhiều con buôn không ngần ngại thực hiện hành vi bán đi, bẫy lại, dần khiến nó trở thành một hình thức kinh doanh, mất hoàn toàn giá trị cốt lõi ban đầu.

Việc phóng sinh trong các dịp Tết, rằm hoặc lễ hội nhằm thể hiện tinh thần từ bi và tôn trọng đối với sự sống. Đây vốn là nghĩa cử cao đẹp, giúp kết nối con người với thiên nhiên, thể hiện lòng tôn kính và biết ơn sâu sắc đối với những điều tốt lành cuộc sống mang lại. Ngoài ra, phóng sinh còn đánh thức tâm hồn thánh thiện bên trong mỗi con người, thúc đẩy tinh thần bác ái, hướng thiện trong xã hội. Đồng thời, bày tỏ mong ước về những điều lành, an lạc cho bản thân, gia đình và xã hội.

Chim bị bắt nhốt bán phóng sinh

Thế nhưng, hành động tưởng chừng giàu ý nghĩa nhân văn ấy đang ngày càng có dấu hiệu biến tướng và xa rời mục đích cao thượng ban đầu. Việc thả chim phóng sinh, mặc dù là hành động thiện lành nhưng lại dẫn đến nhiều hệ quả không mong muốn. Thực tế đã cho thấy, vào các ngày Tết, rằm tháng giêng, tháng bảy hay lễ gia tiên, cầu nguyện những điều tốt lành cho thân bằng, quyến thuộc,… khi nhu cầu tham gia phóng sinh của phật tử, người hướng thiện tăng cao, chim trời cá nước bỗng trở thành “tù nhân” bất đắc dĩ trong các lồng, chậu của con buôn. Như vậy, hành động này đã tạo điều kiện cho việc săn bắt và đánh bắt, thậm chí cầm tù động vật, từ đó góp phần vào việc gây thêm sát nghiệp.

Ngoài ra, phóng sinh không đúng cách còn tác động tiêu cực đến môi trường sống trong vùng. Việc thả quá nhiều chim, cá không thuộc khu vực phân bổ, sinh trưởng tại các vùng trời, vùng nước, ao hồ, sông suối,… cũng có thể gây áp lực đến hệ sinh thái, giảm khả năng thích nghi và sống sót của loài. Đáng nói rằng, vì lợi ích kinh tế lâu dài, nhiều con buôn thậm chí còn hành hạ nhiều loài vật phóng sinh, bao gồm làm gãy cánh những con chim, cắt vây nhiều loài cá hoặc bỏ đói khiến chúng mệt mỏi, không có khả năng tự sinh tồn hoặc vùng vẫy ngoài tự nhiên. Khi đó những kẻ gian thương chỉ việc trực chờ tại nơi phóng sinh, giăng bẫy, kéo lưới bắt trọn.

Mua bán động vật để phóng sinh chẳng khác nào tiếp tay cho kẻ sát sinh, làm giảm ý nghĩa tâm linh cao quý. Để đảm bảo duy trì và phát huy mục đích cao thượng của hành động này, chúng ta nên cân nhắc giữa hoạt động tâm linh, tín ngưỡng với bảo vệ môi trường và tính đạo đức, nhân văn. Không nhất thiết phải mua các loại vật để phóng sinh.

Trong triết học cũng như trong câu chuyện Phật giáo, diễn giải ở Thế Tôn thuyết pháp, đều xem chuyện phóng sinh như một hành động cứu mạng, như một hành vi nhân đạo, đối với một con vật bị bẫy bắt, bị giam nhốt, bị mua bán qua lại và bị hành hạ đau đớn hoặc sắp bị giết. Khi đó, ta đứng ra xin lại, hay bỏ tiền để mua hay chuộc rồi đem về chữa trị (nếu nó bị thương), cho nó ăn (nếu nó bị đói), rồi cuối cùng phải thả nó trong trạng thái khỏe mạnh, có khả năng tự tìm thức ăn, trở lại môi trường sống của nó hay trả nó về bầy đàn của chúng. Đó chính là hành động phóng sinh đúng nghĩa, mang tính nhân văn và phù hợp với khoa học tự nhiên.

Chim non chết trên tổ vì không có thức ăn

Chống lại hành vi sát sinh, mua bán, cầm tù động vật cũng là một cách hữu hiệu thể hiện tinh thần phóng sinh và ý thức bảo vệ môi trường, hướng đến sự bình yên nơi tâm hồn. Bằng cách từ bỏ việc gây tổn hại đến sự sống và tôn trọng mọi hình thức sống, chúng ta thể hiện lòng từ bi và khát vọng tạo nên một môi trường tốt hơn cho mọi loài trong tự nhiên.

Tuấn Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu