(Quảng Nam): Thúc đẩy thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản 2017 tại Việt Nam

Tạp chí Biển Việt Nam - (TCBVN). Vừa qua, 21/8/2023: Luật Thủy sản năm 2017 là cơ sở pháp lý cho thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Điều 10 của Luật Thủy sản đã làm rõ vai trò quan trọng của tổ chức cộng đồng, trao quyền đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đây là động lực thúc đẩy cộng đồng ngư dân tham gia vào quản lý nguồn lợi và chia sẻ các bài học từ thực tế góp phần hoàn thiện chính sách quản lý nguồn lợi thủy sản.
Phương thức đồng quản lý được ghi nhận tại Luật Thủy sản 2017 qua thực tế cho thấy tiềm năng thúc đẩy sự hợp tác giữa cộng đồng ngư dân, chính phủ và tổ chức liên quan, tạo tương tác và chia sẻ trách nhiệm, quyền hạn trong việc quản lý nguồn lợi thủy sản một cách bền vững hơn.

Các đại biểu tham gia hội thảo 

Đây cũng là chủ đề chính trong Hội thảo tổng kết dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Luật Thủy sản 2017 với các sáng kiến từ Trung ương đến địa phương” do Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) phối hợp cùng Chi cục Thủy sản Quảng Nam và UBND xã Tam Tiến tổ chức trong thời gian 20- 21/8/2023. Hội thảo có sự tham gia của 75 đại biểu từ Cục Kiểm ngư, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam, Chi cục Thủy sản các tỉnh: Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Định, Cà Mau, phòng Kinh tế thành phố Quy Nhơn, Phòng kinh tế huyện Vạn Ninh phòng Nông nghiệp huyện Núi Thành, BQL Cù Lao Chàm, và đại diện các tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các tỉnh dự án, và các tổ chức xã hội về lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và chuyên gia.

Bà Thân Thị Hiền trình bày báo cáo dự án

Sau 3 năm triển khai, Dự án đã hỗ trợ 02 tổ chức cộng đồng xã Tam Tiến (Quảng Nam) và xã Vạn Hưng (Khánh Hòa) được công nhận và giao quyền thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản 2017 và kiện toàn thực hành đồng quản lý tại 04 tổ chức cộng đồng xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, phường Ghềnh Ráng (Bình Định) và Tiểu khu Bãi Hương (tỉnh Quảng Nam) với các hoạt động phong phú như tăng cường năng lực quản lý, giám sát nguồn lợi, truyền thông và phát triển sinh kế bền vững.
Các nỗ lực đồng quản lý đã góp phần bảo vệ 180ha diện tích rạn san hô tại các tỉnh tham gia dự án. Kết quả giám sát rạn san hô năm 2023 cho thấy: độ phủ san hô tại các điểm Bãi Dứa (Nhơn Lý), Hòn Khô Nhỏ (Nhơn Hải), Hòn Nhàn (Ghềnh Ráng), tỉnh Bình Định, Bãi Hương, tỉnh Quảng Nam đạt đến mực độ khá và tốt, từ 30% đến 60%, có nơi lên đến gần 80%. Các rạn san hô ở điểm Rạn Trào (Khánh Hòa) và Tam Tiến (Quảng Nam) đều có dấu hiệu phục hồi sau các nỗ lực bảo vệ. Đa dạng loài đạt ở mức trung bình về số lượng lẫn chủng loại, một số lượng lớn cá giò và cá thìa non đều được ghi nhận tại các điểm thưc hiện đồng quản lý.
Thông qua thực hiện đồng quản lý, dự án đã hỗ trợ tăng cường năng lực cho hơn 500 người là cán bộ địa phương, thành viên tổ chức cộng đồng và đại diện các nhóm dân sinh sống tại địa phương thông qua các buổi tập huấn tuyên truyền về các quy định và hướng dẫn thực hiện đồng quản lý theo Luật Thủy sản 2017, các kỹ năng truyền thông và phát triển sinh kế gắn với bảo vệ nguồn lợi và phát triển bền vững. Các sáng kiến do thanh niên khởi xướng và thực hiện tại cộng đồng thông qua chương trình Đại sứ Hải đăng đã tích cực truyền thông các hoạt động bảo vệ môi trường và nguồn lợi biển, thí điểm sinh kế bền vững tăng cơ hội thu nhập và giảm khai thác quá mức. Trong ngày 20/8, các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã tham quan thực địa và chia sẻ kinh nghiệm tại mô hình du lịch cộng đồng tại xã Tam Tiến do thành viên trong tổ chức cộng đồng vận hành. Đồng thời, các đại biểu cũng được lắng nghe những chia sẻ của thanh niên về các sáng kiến cộng đồng đã thực hiện tại Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nam và Cà Mau về bảo tồn biển.

Ông Đỗ Chí Sĩ – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau

Các bài học thực tế đã góp phần cải thiện và xây dựng các chính sách liên quan về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cấp quốc gia bao gồm Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030; Đề án mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2030 với sự tham gia của các bên liên quan. Hướng dẫn quốc gia thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành theo quyết định số 2781/QĐ-BNN-KN ngày 11/7/2023.

Chuyên gia Đào Việt Long phát biểu tại hội nghị

Đồng quản lý là một tiến trình diễn ra liên tục, trong quá trình thực hiện có thể phát sinh các vấn đề cần giải quyết, cần sự hợp tác của chính quyền và các bên trong đó vai trò và năng lực của cộng đồng là cốt lõi. Các đại biểu tham gia Hội thảo đã đã thảo luận cách thức xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan, cơ chế tài chính bền vững cho các hoạt động của tổ chức cộng đồng, cơ chế ghi chép và báo cáo thường kỳ của tổ chức cộng đồng với các cơ quan chức năng. Các đề xuất được nêu trong phiên thảo luận của Hội thảo góp phần tăng cường thực hiện đồng quản lý tại Việt Nam nâng cao hiệu quả và tính bền vững, và nhân rộng các thực hành tốt đồng quản lý tại các địa phương, hoàn thiện chính sách.
Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Luật Thủy sản 2017” với các sáng kiến từ trung ương đến địa phương do Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) thực hiện, được Ocean 5 tài trợ thông qua Tổ chức các nhà tư vấn từ thiện Quỹ Rockerfellor (RPA). Mục tiêu của dự án hỗ trợ thực hiện và mở rộng quy mô thực hành đồng quản lý và huy động sự tham gia các bên liên quan và cộng đồng trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực duyên hải miền Trung của Việt Nam góp phần cải thiện và phát triển nghề cá bền vững.
Trần Vân - Minh Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu