Sức hút từ Khu kinh tế Hòn La

Tạp chí Biển Việt Nam - Những tiềm năng, lợi thế hiếm có và bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều thay đổi về nhu cầu cảng trung chuyển container đã tạo ra cơ hội đột phá cho Khu kinh tế Hòn La.

Khu kinh tế Hòn La (KKT) được thành lập theo Quyết định số 1808/QĐ-TTg ngày 15/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm 6 xã ven biển: Quảng Đông, Quảng Phú, Quảng Tùng, Cảnh Dương, Quảng Hưng và Quảng Xuân (H.Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình); với diện tích khoảng 10.000 ha, trong đó phần đất liền khoảng 8.900 ha, phần đảo và biển khoảng 1.100 ha.

Lợi thế cảng nước sâu

Theo quy hoạch chung được phê duyệt, Ban quản lý KKT tỉnh Quảng Bình đã tổ chức lập các quy hoạch phân khu và khu chức năng trong KKT làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng như: khu công nghiệp, khu phi thuế quan, khu thuế quan, khu đô thị, khu du lịch… với diện tích khoảng 2.032 ha. Hiện đang rà soát lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Hòn La đến năm 2040 theo hướng bổ sung diện tích đất công nghiệp, thương mại dịch vụ và điều chỉnh, bổ sung một số khu chức năng phù hợp với thực tiễn phát triển KKT Hòn La.

Toàn cảnh Cảng Hòn La

Có thể nói, KKT Hòn La sở hữu những lợi thế hiếm có cho việc đầu tư dự án. KKT nằm liền kề với KKT Vũng Áng (Hà Tĩnh), là một trong 5 KKT ven biển được Chính phủ lựa chọn để tập trung đầu tư. Đây sẽ là trung tâm công nghiệp luyện thép, công nghiệp phụ trợ, nhiệt điện và cảng biển nước sâu của khu vực miền Trung và cả nước. Là 1 trong 3 đầu mối giao thương biển quốc tế của Việt Nam. KKT Hòn La cách KKT Vũng Áng chỉ hơn 10 km, sẽ đóng vai trò phụ trợ cho KKT Vũng Áng; làm đầu mối kết nối KKT Vũng Áng với Lào thông qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo.

Tiếp đó là sự kết nối với KKT cửa khẩu quốc tế Cha Lo (H.Minh Hóa, Quảng Bình) – cung đường ngắn nhất, đầu mối trung chuyển quốc tế giữa Việt Nam với Lào, Myanmar, Thái Lan theo trục kinh tế từ Cửa khẩu quốc tế Cha Lo qua QL 12 tới điểm cuối là KKT Hòn La ra biển, để đến với các nước trong khu vực và trên thế giới; hình thành hành lang kinh tế đông – tây. Từ khu vực Hòn La đi cửa khẩu Cha Lo khoảng 150 km, đi các tỉnh đông bắc Thái Lan khoảng 300 km; là con đường ngắn nhất của Lào và các tỉnh đông bắc Thái Lan ra biển.

Đây còn là khu vực có điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý kinh tế lý tưởng để xây dựng cảng nước sâu và phát triển các dịch vụ logistics, trung chuyển hàng hóa quốc tế. Sân bay Đồng Hới cũng chỉ cách 80 km về phía nam. KKT Hòn La còn bao gồm những quần thể du lịch tâm linh nổi tiếng như khu lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đền thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh…

Công nghiệp phát triển mạnh

Báo cáo của Ban quản lý KKT cho hay, thời gian qua, được sự hỗ trợ vốn từ ngân sách T.Ư và huy động từ các nguồn lực khác, hạ tầng kỹ thuật – xã hội trong KKT Hòn La đã được quan tâm đầu tư như: Khu công nghiệp (KCN) cảng biển Hòn La, KCN Hòn La 2, xây dựng hệ thống các đường trục ngang, đường trục dọc trong KKT, nhà máy xử lý nước thải… Đến nay, tổng số vốn thực hiện đạt khoảng 1.350 tỉ đồng.

Nhà máy tinh chế titan của Công ty CP chế biến khoáng sản titan Hoàng Long tại KKT Hòn La

Trong KCN, KKT đã thu hút được 167 dự án với tổng mức đăng ký đầu tư hơn 106.000 tỉ đồng. Riêng tại KKT Hòn La đã thu hút 58 dự án với tổng mức đăng ký đầu tư hơn 98.000 tỉ đồng, trong đó có 1 dự án FDI với tổng mức đầu tư 11 triệu USD. Một số dự án trọng điểm khi đưa vào hoạt động sẽ là động lực phát triển cho cả vùng như: Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 (tổng vốn đầu tư 42.000 tỉ đồng), dự án nhiệt điện Quảng Trạch 2 (tổng vốn đầu tư 48.000 tỉ đồng).

Trong những năm qua, tình hình sản xuất kinh doanh trong KKT Hòn La đã có những chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2016 – 2020, sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng cao. Cụ thể, tổng giá trị sản xuất công nghiệp là 14.576 tỉ đồng, đạt 241% so với giai đoạn trước; kim ngạch xuất khẩu đạt 6.400 tỉ đồng, tăng trưởng 183% so giai đoạn trước. Nộp ngân sách nhà nước 332 tỉ đồng, đạt 123% so với giai đoạn trước. Các sản phẩm xuất khẩu chính là dăm giấy, đồ gỗ mỹ nghệ, ống bê tông ly tâm…

Ngày 5/9 vừa qua, Ban quản lý KKT tỉnh Quảng Bình đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư dự án Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La cho Công ty CP Cảng Hòn La với tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỉ đồng; công suất thiết kế gồm 4 bến cập tàu.

Thủ tục hải quan được Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hòn La thực hiện nhanh chóng

Tiếp tục chú trọng thu hút đầu tư

Nhằm phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, lợi thế trong tương lai; nhất là giai đoạn 2021 – 2025, thì Ban quản lý KKT Quảng Bình đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển KKT Hòn La, KKT Cha Lo gắn với hành lang kinh tế QL 12 đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành kế hoạch, dự kiến sẽ đầu tư các dự án tại KKT Hòn La với tổng số vốn khoảng 1.360 tỉ đồng.

Thực tế cho thấy, tiến trình phát triển KKT này cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại. Đó là công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư đến từ những lý do như: xây dựng trái phép, chuyển nhượng đất trái quy định; là công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường hay thời tiết nhiều lúc không thuận lợi. Nhất là thiếu hụt nguồn vốn xây dựng hạ tầng…

Có nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư tại KKT Hòn La

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, đại diện lãnh đạo Ban quản lý KKT tỉnh Quảng Bình, khẳng định: “Ban luôn chú trọng giới thiệu, quảng bá cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào KKT; tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng và thực hiện thủ tục về đất. Có cơ chế, chính sách động viên, thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp, thương nhân, hộ gia đình đầu tư sản xuất kinh doanh, dịch vụ tại KKT cũng như dọc hành lang QL 12 nối KKT Hòn La”.

“Đồng thời xem xét đề xuất quy hoạch bổ sung các khu chức năng khác, trong đó chú trọng tạo quỹ đất để phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch. Và luôn quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong KKT, KCN trong việc xác nhận người lao động thuê nhà trọ để người lao động được hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ”.

Việc đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình xem xét chủ trương đầu tư các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật – xã hội tại các xã trong KKT cũng là ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới.

Ngọc Vinh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu