- Đền Hồi Cù vừa được xây dựng lại với diện tích 120m² được xây theo kết cấu nhà 3 gian 2 mái, bên trong có bàn thờ Bản Thổ Thành Hoàng được đặt ở giữa, hai bên là hai lộc bình và bàn sắp lễ… Toàn bộ đền được nằm trong khuôn viên rộng 8000m² của Nhà văn Hoá làng, với sự đóng góp công sức và tiền của của một người con giàu lòng yêu quê hương, có trách nhiệm gìn giữ giá trị văn hoá, lịch sử của cha ông để lại.
Hoàng Sơn là một xã thuần nông, nằm cách huyện Nông Cống 10 km về phía Đông Bắc cách Thành Phố Thanh Hóa 16 km về Phía Nam. Phía Đông giáp xã Hoàng Giang; phía Tây giáp xã Tân Phúc; Trung Chính; Phía Nam giáp xã Trung Ý; phía Bắc giáp xã Đông Nam (huyện Đông Sơn) qua sông Hoàng. Diện tích tự nhiên toàn xã là 697 ha. Dân số 4.265 người. Toàn xã có 05 Làng.
Đền làng Hồi Cù:
Hồi Cù là một làng thuần nông thuộc xã Hoàng Sơn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá. Trải qua bao thăng trầm, biến động của lịch sử, hiện nay thôn vẫn gìn giữ được nhiều giá trị văn hoá, lịch sử của cha ông để lại. Cái tên Hồi Cù xuất phát từ thú chơi cù, thi cù của người dân trong làng được lưu giữ từ thế kỷ 19.
Theo cụ Lữ Văn Minh (80 tuổi) là bậc cao niên trong làng kể lại, làng Hồi Cù có một đình làng cổ được xây dựng từ năm 1897, rộng 5 gian làm bằng gỗ lim, mái được lợp bằng ngói mũi hài, toàn bộ nền được lát bằng gạch bát, đình cổ có hoa văn tứ linh, hoành phi, bên trong có chánh tổng thờ Thành Hoàng, có một kiệu to. Cụ Minh cũng là người trông coi đình đời thứ 3 trong gia đình.
Ông Bùi Ngọc Hựu, nguyên bí thư, chủ tịch UBND xã Hoàng Sơn cho biết, đình làng Hồi Cù là một trong 43 làng của tỉnh Thanh Hoá thờ Thành Hoàng làng có tên là Bản Thổ Tôn Thần. Trước năm 1985 đình làng là nơi để nhân dân trong làng thờ cúng Thần Hoàng làng, nhưng đến năm 1985 theo chủ trương của nhà nước có chương trình tháo dỡ đình đền làm trường học nên đình làng Hồi Cù được tháo dỡ để lấy gỗ làm trường học. Sau khi bị tháo dỡ thì tại khu đất của đình cũ có xây một nhà thờ nhỏ để nhân dân trong làng tiếp tục thờ cúng.
Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, chiến tranh và thay đổi của địa phương nên hiện nay đình làng đã bị tàn phá, và mai một, chỉ còn lại một số di vật bằng đá như: cột cờ bằng đá được làm từ năm Đinh Dậu 1897, tảng đá có ghi dòng chữ Hồi Cù Mai 1938, rất nhiều các tảng đá nhỏ trong khu vực đình cũ…
Năm 2001, làng Hồi Cù vinh dự là làng đầu tiên của xã Hoàng Sơn được công nhận là làng văn hoá.
Hiện nay, làng Hồi Cù có 360 hộ (1250 nhân khẩu) với 45 Đảng viên, diện tích 850ha, dân số trong độ tuổi lao động chiếm 50%. Những năm qua, được sự giúp đỡ của cấp trên và sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã, nhân dân trong làng Hồi Cù đã triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt, với sự phát triển của Cụm Công nghiệp Làng nghề đã tác động tích cực đến quá trình phát triển của làng. Bằng các chủ trương, chính sách phù hợp đối với từng giai đoạn phát triển của làng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, tính đến nay trên địa bàn làng có doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh chế biến vật liệu xây dựng,vận tải, công ty may, góp phần tăng thu nhập ổn định cho người lao động.
Để tỏ lòng biết ơn và tưởng nhớ tới tổ tiên, quê hương nơi sinh ra và lớn lên, anh Nguyễn Dư Mạnh là người con của làng, hiện anh đang là giám đốc công ty TNHH vật liệu xây dựng Giang Sơn đã đóng góp nguồn kinh phí hơn 1 tỉ đồng, cùng với sự đóng góp 1 tỉ đồng của toàn bộ nhân dân trong làng anh Mạnh đã đề xuất dự án khôi phục đền làng Hồi Cù, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và gìn giữ những giá trị văn hoá, truyền thống, di tích lịch sử của quê hương.
Theo đó, anh đã nghiên cứu, tham khảo về kiến trúc xây dựng đền phù hợp với văn hoá, tín ngưỡng của quê hương. Anh đã xây dựng một ngôi đền với diện tích 120m², được xây theo kết cấu nhà 3 gian 2 trái, bên trong có bàn thờ Bản Thổ Thành Hoàng được đặt ở giữa, hai bên là hai lộc bình và bàn sắp lễ. Trước đền có 2 đồng trụ, thềm đền là bậc 7 cấp làm bằng đá nguyên khối, các bờ nóc trang trí hình rồng trên nóc, đầu rồng đá hai cột được các thợ đá Ninh Bình chế tác. Toàn bộ đền được nằm trong khuôn viên rộng 8000m² của Nhà văn Hoá làng. Trong khuôn viên của đền làng có rất nhiều cây cổ thụ được nhân dân trong làng trồng và chăm sóc nhiều năm.
Để có những bước tiến vượt bậc đó không thể không nhắc đến vai trò của UBND, MTTQVN xã Hoàng Sơn, Hội Người cao tuổi xã và anh Nguyễn Dư Mạnh. Anh Mạnh đã cùng các hội viên góp phần xây dựng làng quê đền Hồi Cù vừa khang trang, vừa giữ được những giá trị văn hóa truyền thống.
Theo ông Lê Đình Quyết, Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Sơn đánh giá, từ những việc cụ thể như những viên gạch nhỏ đã xây nên nền móng văn minh nông thôn làng Hồi Cù hôm nay, chẳng những trở thành vùng nông thôn mới nâng cao tiêu biểu của xã Hoàng Sơn mà trở thành câu chuyện lan tỏa toàn huyện.
Dưới mái đền khang trang của làng văn hóa – đền Hồi Cù được xây dựng là niềm vui, mong muốn của các bậc cao niên làng Hồi Cù và đều cảm thấy hân hoan khi bao công sức bấy lâu gây dựng quê hương được lớp trẻ trân trọng tiếp nối và gìn giữ. Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Sơn ghi nhận những kết quả để truyền lại đời sau nét đẹp đời sống mới đó là công sức của các hội viên trong làng, trong đó có đóng góp lớn của anh Nguyễn Dư Mạnh.
Với việc xây dựng và tôn tạo lại, gìn giữ những di vật còn lại của đền, nhân dân trong làng rất phấn khởi và tự hào. Ông Lê Văn Diễn, trưởng thôn Hồi Cù đại diện cho nguyện vọng của toàn thể nhân dân trong làng mong muốn được lãnh đạo các cấp, sở, ban, ngành quan tâm giúp đỡ và tạo điều kiện sớm công nhận đền làng Hồi Cù là di tích lịch sử để nhân dân bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá, tín ngưỡng của địa phương.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM