Thanh Hóa: Chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo (IUU) đạt kết quả tích cực ở nhiều địa phương

Tạp chí Biển Việt Nam - Thực hiện Quyết định số 1077/QĐ-TTg ngày 14/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), trong 7 tháng đầu năm 2024, nhiều địa phương ở (Thanh Hóa) đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Huyện Hậu Lộc là huyện ven biển với 12,4 km bờ biển, có nhiều tiềm năng về khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản. Toàn huyện có 560 tàu, trong đó 83 tàu cá có chiều dài dưới 6m phương tiện khai thác đã được đánh số phục vụ thống kê quản lý theo quy định và 98 tàu cá cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m, 173 tàu có chiều dài từ 12m đến dưới 15m, 206 có chiều dài từ 15m trở lên, các phương tiện khai thác hải sản trên 03 vùng tuyến biển: vùng khơi, vùng lộng và vùng ven bờ.
Cảng cá Hòa Lộc
Tính đến ngày 25/7/2024 có 39 lượt tàu cá mất kết nối GSHT trên 10 ngày trên biển; Trong đó có 06 lượt tàu cá có Lmax ≥24m; 33 lượt tàu cá (15m ≤ Lmax < 24m); 100% tàu cá vi phạm mất kết nối GSHT trên biển, khi về bến đều được Đồn Biên phòng Đa Lộc và UBND các xã mời làm việc, kiểm tra thiết bị, xác định nguyên nhân mất kết nối và đề xuất biện pháp xử lý. Đồng thời tuyên truyền vận động các tàu cá thực hiện các biện pháp hạn chế mức tối đa về vi phạm mất kết nối; kiểm tra kỹ thiết bị trước lúc ra khơi.
Bên cạnh đó, hướng dẫn ngư dân thực hiện đầy đủ, đúng các quy định về đảm bảo an toàn kỹ thuật tàu cá. Quản lý chặt chẽ hoạt động các cơ sở đóng mới, cải hoán, sữa chữa tàu cá (11 cơ sở). Quản lý chặt chẽ các bến cá tự nhiên, bãi ngang trên địa bàn huyện, theo dõi các tàu cá thường xuyên cập bến và thống kê sản lượng khai thác, số lượng khoảng hơn 200 tàu cá, sản lượng khai thác được thống kê hàng tháng ước đạt trên 700 tấn.
Theo báo cáo của UBND huyện Hậu Lộc, đến hết tháng 7/2024, đã xử lý 05 tàu cá vi phạm, số tiền xử phạt 63.000.000 đồng, các tàu vi phạm các lỗi như: không có bằng thuyền trưởng, không treo quốc kỳ, không duy trì thiết bị GSHT trên biển.
Tại huyện Hoằng Hóa: Tổng phương tiện khai thác hải sản có 935 phương tiện, trong đó, có 124 tàu cá từ 15m trở lên khai thác vùng khơi; 22 tàu có chiều dài từ 12 đến dưới 15m khai thác vùng lộng; 15 tàu từ 6m đến dưới 12m và 770 phương tiện bè mảng khai thác vùng ven bờ; có 04 tàu cá “3 không” đã được đóng mới, cải hoán, mua bán đang hoạt động không đủ thành phần hồ sơ sẽ được đăng ký theo quy định.
Cấp phép khai thác cho 100% tàu cá (15 tàu cá) có chiều dài từ 6m đến dưới 12m do huyện quản lý đủ điều kiện khai thác vùng ven bờ. Đánh số quản lý cấp xã cho 770/770 bè mảng. Số lượng tàu cá có chiều dài 15m trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình (GSHT) là 124 phương tiện, trong đó, số phương tiện đã lắp GSHT là 124/124 chiếc, đạt 100%.
Trong 7 tháng  đầu năm 2024, UBND huyện đã chỉ đạo phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Chi cục Thủy sản, Trung tâm Đăng kiểm, Đồn Biên phòng Hoằng Trường, UBND các xã Hoằng Trường, Hoằng Phụ, Hoằng Châu tổ chức các buổi làm việc với từng chủ tàu thiếu hồ sơ, thủ tục; Xác minh, hệ thống giám sát tàu cá Chi cục Thủy sản thông báo số lượt tàu cá mất tín hiệu 10 ngày trở lên, xử lý 05 lượt tàu từ 24m trở lên mất kết nối trên biển trên 6 giờ. Lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền đối với 03 tàu cá/03 chủ phương tiện tàu cá đã vi phạm các lỗi tháo thiết bị giám sát hành trình mà không có sự giám sát của đơn vị lắp đặt thiết bị, không duy trì hoạt động giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, viết số đăng ký tàu cá không đúng quy định với số tiền phạt 31.500.000đ nộp kho bạc Nhà nước. Đồn Biên phòng Hoằng Trường cũng đã làm việc, xác minh và báo cáo, tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản các trường hợp tàu cá vi phạm các mức phạt vượt thẩm quyền của Đồn Trưởng, xử phạt 04 tàu cá/04 chủ phương tiện, tổng số tiền phạt nộp kho bạc nhà nước là 100 triệu đồng.
Thành Phố Sầm Sơn: Để đạt được kết quả trong việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo (IUU) tại các huyện, thị xã, thành phố ven biển, thành phố Sầm Sơn đã quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch của UBND tỉnh về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Ngư dân TP Sầm Sơn đang chuẩn bị cho chuyến ra khơi
Theo báo cáo của UBND thành phố Sầm Sơn cho biết: Hiện trên địa bàn thành phố Sầm Sơn có 1.595 phương tiện khai thác thủy, trong đó, vùng bờ (Lmax<12m) là 1.383 phương tiện, gồm: Lmax < 6m: 1.345 phương tiện; Lmax từ 6m:<12m: 38 phương tiện; Vùng lộng (Lmax từ 12m÷<15m): 57 phương tiện; Vùng khơi (Lmax >15m): 155 phương tiện.
Số tàu cá lắp thiết bị giám sát hành trình là 155/155 tàu, đạt 100%; Số tàu có Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP còn hiệu lực là 134/155 tàu cá, đạt 86,5%; Số tàu còn hạn giấy phép khai thác (GPKT) là 210/250 tàu, đạt 84%; Số tàu còn hạn đăng kiểm 173/212 tàu, đạt 81,6%. 100% phương tiện có chiều dài dưới 6m (1.345 phương tiện) được đánh số để theo dõi, quản lý. 38/38 tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m do thành phố quản lý đã được cấp giấy phép khai thác thủy sản.
Các tàu cá thiếu thủ tục, giấy tờ, tàu cá 3 không, tàu mất kết nối giám sát hành trình thành phố đã mời làm việc, hướng dẫn thực hiện và 100% chủ tàu cá ký cam kết không tham gia khai thác thủy sản khi không đáp ứng các quy định.
Tổ chức ký cam kết không tham gia khai thác với 100% chủ tàu cá “3 không”, “2 không” trên địa bàn thành phố. Đồng thời yêu cầu các xã, phường, Đồn Biên phòng Sầm Sơn thường xuyên kiểm tra, giám sát tuyệt đối không để phát sinh mới tàu cá “3 không”, “2 không” (không đăng ký, không cấp phép) trên địa bàn quản lý.
Tính đến hết tháng 7 năm 2024, UBND thành phố đã phối hợp với Tổ kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại Cảng Lạch Hới, Đồn Biên phòng Sầm Sơn rà soát, xác minh và làm việc với các chủ tàu cá (người nhà chủ tàu) có tàu cá vi phạm khai thác IUU, tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU; xử phạt vi phạm hành chính 7 tàu cá vi phạm quy định về khai thác thủy sản với tổng số tiền xử phạt là 72 triệu đồng.
Chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) trên địa bàn huyện Quảng Xương.
Hiện trên địa bàn huyện Quảng Xương  có 866 phương tiện, trong đó, có 507 chiếc có chiều dài dưới 6m (bè luồng lắp máy), 03 tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m, 109 tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m, 246 tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m và có 01 tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên. Sản lượng khai thác 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt: 10.455 tấn, trong đó, sản lượng khai thác biển đạt 10.009 tấn.
Công tác quản lý tàu cá và thực hiện lắp đặt thiết bị GSHT cho các tàu cá thuộc diện bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là 247 chiếc (đã lắp được 247/247 đạt 100% ). Tàu cá không duy trì thiết bị GSHT trên 6 tháng là 15 tàu.
Số tàu cá đã có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm còn hạn là 209/247 tàu đạt tỷ lệ 84,6%  còn 38 tàu trong đó 27 tàu vừa hết hạn và 11 tàu chưa cấp.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn huyện có 15 tàu cá mất kết nối giám sát hành trình trên 6 tháng. UBND huyện đã phối hợp với Chi cục thủy sản, lực lượng biên phòng xác minh nguyên nhân, cơ bản các tàu mất kết nối là do không duy trì nộp phí thuê bao, máy hỏng…đoàn đã lập biên bản làm việc xác minh đến từng tàu về nguyên nhân mất kết nối và yêu cầu gia đình thông báo đến chủ tàu chấp hành đúng quy định.
Tính đến ngày 30/7/2024, huyện Quảng Xương đã xử phạt 09 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác thủy sản với tổng số tiền 71 triệu đồng. Các lỗi vi phạm như: Vi phạm tháo thiết bị GSHT, không duy trì hoạt động thiết bị GSHT, không viết số đăng ký tàu cá theo quy định, viết số đăng ký tàu cá không đúng quy định, Thuyền trưởng không có văn bằng chứng chỉ theo quy định…
Một lãnh đạo huyện Quảng Xương cho biết, hiện nay, UBND huyện và xã đang tích cực phối hợp với Chi cục thuỷ sản Thanh hoá hướng dẫn các chủ tàu, người nhà chủ tàu lập hồ sơ làm mới và gia hạn các loại giấy tờ còn thiếu hoặc hết hạn để đảm bảo điều kiện khi tham gia  hoạt động khai thác trên biển; đồng thời củng cố hồ sơ các tàu cá vi phạm về việc không duy trì thiết bị giám sát hành trình tàu cá.
Tại thị xã Nghi Sơn: Hiện tổng số tàu cá khai thác hải sản trên địa bàn thị xã Nghi Sơn có 1.836 tàu; trong đó có 580 tàu có chiều dài dưới 6m, 590 tàu có chiều dài từ 6m đến dưới 12m, 315 tàu từ 12m đến dưới 15m, 351 tàu có chiều dài trên 15m, 45 tàu cá có chiều dài trên 24 m và 13 tàu cá 3 không.
Số tàu đã cấp Giấy phép khai thác: 1.118/1.256 , đạt: 89% (138 tàu từ 12 m trở lên hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi). Tổng số tàu mất kết nối trên 10 ngày là 92 tàu (đã xử lý 19 tàu). Thiết bị giám sát hành trình (VMS): Lắp đặt được 666/666 tàu, đạt 100%. Số tàu cá còn hạn đăng kiểm là 491/666 tàu, đạt tỉ lệ 73,7%. Cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm: 326/351 tàu, đạt tỉ lệ 93%.
Cảng cá Hải Bình, thị xã Nghi Sơn
Trong tháng 7 năm 2024, Chi cục Thủy sản; UBND thị xã đã chỉ đạo các xã, phường, phối hợp với các lực lượng liên quan đến các hộ gia đình có tàu mất kết nối để tuyên truyền, xử lý theo quy định: tàu cá mất kết nối thiết bị GSHT trên 6 tháng, tàu cá mất kết nối trên biển trên 10 ngày; yêu cầu duy trì hoạt động thiết bị GSHT theo quy định; xác minh nguồn gốc tàu cá “3 không, 2 không” đề nghị lực lượng chức năng giám sát, đảm bảo tàu cá không tham gia khai thác; chỉ đạo thực hiện thủ tục xóa đăng ký các tàu cá giải bản, không còn khả năng hoạt động; hướng dẫn các chủ tàu cá mua bán nhưng chưa làm thủ tục sang tên, chuyển nhượng theo quy định.
Theo đó, việc thực hiện Quyết định số 1077/QĐ-TTg ngày 14/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), UBND huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Sầm Sơn, Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn đã chỉ đạo UBND các xã, phường ven biển có tàu cá phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thủy sản, Phòng Nông nghiệp và PTNT, đồn Biên phòng thường xuyên kiểm tra rà soát danh sách biến động các tàu cá tại địa phương, đồng thời tuyên truyền, vận động các chủ tàu cá chấp hành các quy định của Luật Thủy sản, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn xây dựng tin, bài viết tuyên truyền trên Đài phát thanh huyện và xã; phát tờ rơi, sổ tay tuyên truyền, phổ biến pháp luật, triển khai các chính sách hỗ trợ thiết bị giám sát hành trình, chính sách hỗ trợ kinh phí duy tu sửa chữa định kỳ tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; phổ biến, vận động, hướng dẫn ngư dân, chủ tàu cá thực hiện các quy định của Luật Thủy sản, đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, thủ tục giấy tờ khi đi khai thác, quán triệt và yêu cầu các chủ tàu cá cam kết duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình khi đi khai thác và thực hiện nghiêm các quy định về chống khai thác IUU.
Đến nay hầu hết các xã, phường đã tuân thủ, thực hiện tốt việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp không khai báo IUU và đạt nhiều kết quả quan trọng, một bộ phận ngư dân đã thấy rõ trách nhiệm của việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp không khai báo IUU. Các bến cá tự nhiên, bãi ngang được chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ, thống kê sản lượng khai thác, báo cáo kết quả kịp thời về chủ tịch UBND huyện và Sở NN&PTNT. Ý thức, trách nhiệm của Cán bộ, nhân dân, đặc biệt là các chủ tàu cá được nâng cao và hiểu rõ tầm quan trọng của việc chống khai thác IUU.
Tuy nhiên, các địa phương đã thực hiện và đạt được kết quả tích cực trong việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp không khai báo IUU, nhưng vẫn còn không ít những tồn tại, hạn chế như: Các chủ tàu chưa ghi hoặc ghi chưa đầy đủ nhật ký khai thác thủy sản, thông báo trước 01 giờ cập, rời cảng với các Ban quản lý cảng cá theo quy định; một số tàu cá trên 15m không vào cảng cá chỉ định bốc dỡ sản phẩm, hàng hóa theo quy định và chưa duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động trên biển.
Một số thiết bị giám sát hành trình có chất lượng chưa đảm bảo, hoạt động chập chờn thiếu ổn định sau thời gian dài sử dụng. Nhiều chủ tàu chưa duy trì thiết bị GSHT khi vào bờ thường hay ngắt thiết bị GSHT. Nhận thức và ý thức của một số chủ tàu cá, thuyền trưởng còn hạn chế, chưa chấp hành nghiêm Luật Thủy sản, các quy định về chống khai thác IUU…
Theo đó, lãnh đạo thành phố, huyện, thị xã giao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã, phường ven biển phải chịu trách nhiệm chính về việc để xảy ra sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ  được giao về chống khai thác IUU.
Ngọc Thêm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu