Thanh Hóa: Giải pháp nào để tàu thuyền ra vào thuận lợi tại các khu vực cửa Lạch, Âu tránh trú bão, cảng cá


Năm 2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã Quyết định công bố mở 03 cảng cá thuộc cảng cá loại II, trong đó Cảng cá Lạch Bạng tại phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa có chiều rộng luồng vào cảng 28m, chiều dài cầu cảng 400m. Độ sâu vùng nước đậu tàu -4,5m, loại tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên có thể cập cảng, năng lực bốc dỡ hàng hóa 80.000 tấn/năm.
Cảng cá Hòa Lộc tại xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa có độ sâu luồng vào cảng -2,5m, chiều rộng luồng vào cảng 50m, chiều dài cầu cảng 270m. Độ sâu vùng nước đậu tàu là -4m, cỡ, loại tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên có thể cập cảng, năng lực bốc dỡ hàng hóa: 15.000 tấn/năm.
Cảng cá Lạch Hới. phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa có độ sâu luồng vào cảng -4m, chiều rộng luồng vào cảng 50m, chiều dài cầu cảng là 263m. Độ sâu vùng nước đậu tàu -4,5m, loại tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên có thể cập cảng ăng lực bốc dỡ hàng hóa: 15.000 tấn/năm.
Các dịch vụ nghề cá của 03 cảng cá này là cung cấp đá lạnh, nước ngọt, cửa hàng, kho lương thực, thực phẩm, chế biến thủy sản, ngư cụ, nhiên liệu, kho đông lạnh. Nhiều năm qua 03 cảng cá này là nơi ra vào, neo đậu an toàn, thuận lợi cho tàu thuyền và cũng là nơi giao thương của các phương tiện đánh bắt thủy hải sản từ các tỉnh đến. Tuy nhiên, do nhiều năm nay các luồng lạch, khu vực trước cầu cảng cá bị bồi đắp không được nạo vét nên đã dẫn đến khó khăn cho việc ra vào của tàu thuyền.
Ông Lê Văn Thăng, Gíám đốc Ban quản lý cảng cá Thanh Hóa cho biết: Ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ Chính trị được giao, lãnh đạo Ban quản lý cảng cá Thanh Hóa đã thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, kỷ cương trong đơn vị, thực hiện nghiêm túc những quy định của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, quy chế dân chủ ở cơ sở, nội quy, quy chế của đơn vị đề ra.
Tích cực tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của đảng và pháp luật của nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật, luật Thủy sản 2017 về công tác quản lý cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão, về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định định kỳ hàng ngày, hàng tuần trên hệ thống loa truyền thanh tại cảng.
Phối hợp với Đồn Biên phòng, Chi cục Biển đảo và Thủy sản; Công an PCCC, Công an địa phương, UBND xã, huyện, thành phố và các đơn vị liên quan trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão để đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, phòng chống lụt bão; phát hiện các hành vi vi phạm trong khu vực cảng, khu neo đậu để phối hợp xử lý theo quy định.
Bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ tại khu vực cảng để tổ chức quản lý điều độ, hướng dẫn tàu thuyền vào cảng bốc dỡ sản phẩm, các loại xe chở hàng hải sản và tiếp nhiên liệu và nhu yếu phẩm cho tàu, tránh ùn tắc, gây mất an ninh trật tự; đảm bảo vệ sinh môi trường, sau khi tàu bốc dỡ hoặc giao nhận hàng hóa, bố trí lực lượng hướng dẫn tàu thuyền rời khỏi khu vực cầu cảng tạo không gian cho tàu khác cập cảng để bốc dỡ sản phẩm, tiếp nhận dịch vụ hậu cần; thực hiện nghiêm việc giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, thu Nhật ký khai thác thủy sản, kiểm tra chất lượng Nhật ký khai thác đảm bảo theo quy định; thực hiện thống kê sản lượng hàng hóa qua cảng.

Theo đó, từ đầu năm đến ngày 05/6/2025, số lượng tàu cập cảng, rời cảng là 3.951 lượt (tăng 98,1% so với cùng kỳ năm 2024). Trong đó, tàu cập cảng: 1.903 lượt, tàu rời cảng: 2.048 lượt. Tổng hàng hoá qua cảng đạt 36.585 tấn. Trong đó hàng thuỷ sản là 8.219,6 tấn ( tăng 129,2 so với cùng kỳ năm 2024), còn lại là hàng hoá khác bao gồm đá lạnh và dầu diêzen, nước sạch.
Đã hỗ trợ Doanh nghiệp xuất khẩu Thủy sản cấp 20 giấy xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác qua cảng (SC) với sản lượng gần 90 tấn mực để xuất khẩu đi nước ngoài.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những Khó khăn, hạn chế như: Cơ sở hạ tầng các cảng cá đã được xây dựng từ lâu so với hiện tại thiết kế đã lạc hậu không đủ năng lực phục vụ cho tàu cá công suất lớn.
Các cảng cá chưa được đầu tư đồng bộ các hạng mục: cầu cảng, mái che, nhà phân loại, các công trình dịch vụ hậu cần nghề cá tại khu tránh trú bão đã bị xuống cấp rất nghiêm trọng không được duy tu bảo dưỡng thường xuyên do đó chưa phát huy hết năng lực phục vụ.
Đặc biệt tại các khu vực cửa Lạch, cửa Âu, lòng Âu tránh trú bão, khu vực trước cầu cảng không được nạo vét thường xuyên, nên bị bồi lắng rất nghiêm trọng dẫn đến luồng lạch bị thu hẹp, cảng và Âu bị cạn, việc ra vào cảng để bốc dỡ hàng hóa cũng như vào âu tránh trú bão của các phương tiện khai thác rất khó khăn, nhiều tầu khai thác xa bờ của ngư dân vào cảng bốc dỡ hàng hóa và tránh trú bão phải chờ nhiều giờ, đợi thủy triều lên mới có thể vào cảng và Âu để bốc dỡ hàng hóa cũng như neo đậu tránh trú bão.
Trước những khó khăn, hạn chế, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền đầu tư, nâng cấp mở rộng cảng. Nạo vét luồng lạch vào cảng, nạo vét cảng đảm bảo mức nước ban đầu để thuận lợi tàu ra vào không phụ thuộc thuỷ triều, tăng năng lực bốc xếp tại cảng góp phần phát triển kinh tế – xã hội.