Thanh Hóa: Hướng tới nghề nuôi ngao phát triển hiệu quả và bền vững

Hiện nay, ngao được đánh giá là nguồn lợi lớn trong phát triển kinh tế biển tại Thanh Hóa với diện tích nuôi ngao tiềm năng của tỉnh có thể phát triển lên tới 1.500 ha. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, với việc phát triển diện tích nuôi ồ ạt, không tuân thủ quy trình nuôi, người nuôi ngao tại Thanh Hóa liên tiếp bị thất bát do ngao bị chết. Không những thế, ngao Thanh Hóa chủ yếu chỉ được tiêu thụ trong nước, giá trị không cao.

Năm 2022, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã triển khai dự án hỗ trợ nhân rộng, ứng dụng các sáng kiến và thực hành tốt để nâng cao năng suất và mở rộng nuôi trồng thủy sản bền vững ở Châu Á, dự án được triển khai tại Thanh Hóa. Mục tiêu của dự án là Nâng cao năng lực của cộng đồng nuôi ngao và các bên tham gia vào phát triển chuỗi giá trị ngao nuôi ở Thanh Hóa. Mặt khác, dự án cũng nhằm nâng cao năng lực quản lý của Hội nuôi ngao Hậu Lộc, hỗ trợ cải thiện chuỗi giá trị và đồng quản lý, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo đòn bẩy cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị ngao nuôi; hỗ trợ nâng cấp và thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi hơn các đổi mới và thực hành tốt.
Đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ dự án gồm những người nuôi ngao, người sản xuất giống, người chế biến và buôn bán ngao; các cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý địa phương tham gia trực tiếp vào các hoạt động của Dự án tại Thanh Hóa.
Ông Mai Văn Tài, Chủ nhiệm dự án hỗ trợ nhân rộng, ứng dụng các sáng kiến và thực hành tốt để nâng cao năng suất và mở rộng nuôi trồng thủy sản bền vững ở Châu Á cho biết: Thông qua dự án nhằm hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản xuất ngao giúp nâng cao năng lực cho chính quyền và bà con nông dân từ đó thúc đẩy nghề nuôi ngao phát triển hiệu quả và bền vững.
Nhiều năm nay, nhờ các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện, đặc biệt khi Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 triển khai dự án giúp cho người nuôi ngao ở xã Hải Lộc huyện Hậu Lộc yên tâm chủ động đầu tư sản xuất. Theo số liệu đến tháng 7 năm 2023, xã Hải Lộc có hơn 200 hộ nuôi ngao thương phẩm và sản xuất ngao giống với diện tích khoảng 171 ha, tổng sản lượng ngao thương phẩm thu được mỗi năm hơn 2.900 tấn, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Nhờ nuôi ngao mà nhiều hộ dân trong xã đã thoát nghèo, hàng chục gia đình trở nên khá giả với nguồn lãi thu về mỗi năm hàng trăm triệu đồng, thậm chí có một số hộ thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.
Không chỉ vậy, nghề này còn tạo việc làm cho hơn 20% lao động tại địa phương….Ngoài Hải Lộc, các xã ven biển khác của huyện như Đa Lộc, Minh Lộc cũng phát triển nghề nuôi ngao. Hiện nay, toàn huyện có tới hơn 400 hộ nuôi ngao thương phẩm, với mức thu nhập bình quân từ 175 đến 250 triệu đồng/hộ/năm.
Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Hậu Lộc cho biết: Để hướng đến nghề nuôi ngao phát triển hiệu quả và bền vững, hiện tại huyện Hậu Lộc đang triển khai thực hiện các giải pháp về quy hoạch vùng ương ngao giống tập trung, cơ sở hạ tầng đầu mối phù hợp điều kiện ương nuôi ngao giống. Khuyến khích các cơ sở sản xuất giống, ương nuôi thương phẩm hợp tác, liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị. Tăng cường quản lý Nhà nước từ UBND huyện đến các xã về điều kiện sản xuất giống, ương nuôi giống và nuôi ngao thương phẩm. Tuyên truyền sâu rộng về công tác quản lý giống, quản lý vùng nuôi, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, lưu thông ngao giống và các vật tư phục vụ nuôi ngao.
Chi cục Thủy sản Thanh Hóa đã thường xuyên quan trắc môi trường để cảnh báo kịp thời cho người nuôi. Hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ sinh học cho sản xuất ngao giống và nuôi thương phẩm. Tăng cường công tác khuyến nông, tập huấn, khuyến cáo thông tin kịp thời về tình hình nuôi, kỹ thuật nuôi mới cho người dân. Cán bộ kỹ thuật thường xuyên được tiếp cận, đào tạo ngắn hạn về sản xuất giống và nuôi thương phẩm tại các trung tâm, vùng nuôi tiên tiến, hiện đại trong và ngoài nước, giám sát đảm bảo an toàn thực phẩmmôi trường nuôi, sản phẩm ngao nuôi và truy xuất nguồn gốc. Theo ông Lê Minh Lương, Phó chi cục trưởng chi cục Thủy sản vấn đề quan trắc quản lý môi trường đối với vùng nuôi ngao là rất cấp thiết do đó việc duy trì thường xuyên liên tục kết hợp với tuyên truyền hướng dẫn người dân kịp thời sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp nâng cao chất lượng mô trường nuôi.

Hiện tại vùng nuôi ngao tại huyện Hậu Lộc đã liên kết với Công ty CP Xuất khẩu thủy sản Thanh Hóa để tiêu thụ hàng ngàn tấn ngao thương phẩm. Toàn bộ ngao nguyên liệu được đưa về Công ty chế biến trên hệ thống máy móc, thiết bị nhập từ Hà Lan, công suất thiết kế 300 tấn ngao mỗi ngày, phục vụ xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… Điều này đã cho thấy, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm ngao là phương thức sản xuất có tính bền vững. Người nông dân tham gia liên kết xây dựng được kế hoạch sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giá bán sản phẩm đều cao hơn so với không liên kết. Doanh nghiệp chế biến có vùng nguyên liệu ổn định, bền vững và thuận lợi trong việc triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, tăng tính cạnh tranh và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong nước, xuất khẩu, góp phần gia tăng giá trị thu nhập.
Dư địa và những tiềm năng, lợi thế để nuôi, chế biến, xuất khẩu ngao của tỉnh vẫn còn rất lớn, vì thế những khó khăn, vướng mắc đang được ngành chức năng, các địa phương, doanh nghiệp và người nuôi ngao phối hợp để tháo gỡ, giải quyết nhằm tiếp tục thúc đẩy nghề nuôi ngao phát triển an toàn, bền vững, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, tạo thêm nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.