Thanh Hóa: Phát triển thủy sản nhanh và bền vững, gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển.

Tạp chí Biển Việt Nam - Thanh Hóa có bờ biển dài 102km, với 5 cửa lạch lớn và những bãi bồi rộng hàng ngàn ha, thuận lợi để chăn nuôi thủy hải sản, trồng cây chắn sóng và phát triển kinh tế biển.
Ngày 05/6/2023, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Quyết định số 1913/QĐ-UBND về Đề án Phát triển thủy sản nhanh và bền vững, gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với mục tiêu đưa ngành thủy sản của tỉnh phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại, bền vững, gắn với chế biến và xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, lưỡng dụng, vừa phục vụ phát triển kinh tế, vừa sẵn sàng phục vụ mục tiêu quốc phòng.
Hơn một năm qua, nhằm thực hiện thành công đề án trên, các cấp, ngành và đơn vị trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực, hoạt động tích cực, đạt được những kết quả nhất định trong lĩnh vực của mình, cũng như trong phối kết hợp giữa các ngành các cấp. Trong đó Sở NN&PTNT Thanh Hóa là một trong những đơn vị được nhận xét đã đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận.
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề trên, PV Tạp chí Biển đã có buổi trao đổi với đồng chí Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc nội dung cuộc trao đổi.
PV: Thưa đồng chí, Quyết định số 1913/QĐ-UBND ngày 05/6/2023 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án Phát triển thủy sản nhanh và bền vững, gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã có những hoạt động như thế nào để góp phần thực hiện đề án trên?
Đồng chí Cao Văn Cường: Ngay sau khi UBND tỉnh phê duyệt đề án trên, Sở NN&PTNT đã bám sát các nội dung và giải pháp đề ra tại đề án, chủ động chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các địa phương tổ chức triển khai thực hiện đề án, thực hiện lồng ghép với các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện đề án, quy hoạch, chiến lược phát triển ngành thủy sản của trung ương và địa phương đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ tại đề án. Kết quả cụ thể như sau:
– Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Phương án củng cố, phát triển Tổ đoàn kết sản xuất trên biển tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023-2030 với mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu 100% tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên tham gia các tổ, đội khai thác trên biển nhằm củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ đoàn kết sản xuất trên biển gắn với sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại, bền vững gắn với lực lượng dân quân biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

PV Tạp chí Biển trao đổi với lãnh đạo Sở NN&PTNT Thanh Hóa

-Tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2576/QĐ-UBND ngày 18/7/2023 về việc phê duyệt Đề án Thành lập lực lượng Kiểm ngư tỉnh Thanh Hóa.
– Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 284/KH-UBND ngày 20/11/2023 triển khai thực hiện Đề án Chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái và Kế hoạch số 95/KH-UBND ngày 10/4/2024 về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
– Tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 46/QĐ-UBND ngày 03/01/2024 về việc phê duyệt dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ Điều tra, đánh giá nguồn lợi và môi trường sống của loài thủy sản vùng lộng, vùng biển ven bờ tỉnh Thanh Hóa, làm cơ sở để sắp xếp cơ cấu, nghề khai thác tàu thuyền theo hướng phát triển đội tàu khai thác vùng khơi hiệu quả, bền vững.

Hiện nay, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã triển khai, khuyến khích các hộ nuôi trồng thủy sản phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng chuyển đổi cơ cấu, tổ chức sản xuất nuôi thâm canh, ứng dụng công nghệ cao đối với tôm thẻ chân trắng, ngao; nuôi cá biển bằng lồng HDPE, góp phần đưa năng suất, sản lượng, giá trị sản xuất không ngừng tăng cao; hình thành các vùng nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh, áp dụng quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP); thúc đẩy xây dựng các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp chế biến với tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản để tạo nguồn nguyên liệu theo nhu cầu chế biến, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm các chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

PV: Sau một năm phê duyệt, ngành thuỷ sản tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả như thế nào trong việc thực hiện đề án trên?
Đồng chí Cao Văn Cường:Đến nay, ngành thủy sản tỉnh đã đạt được những kết quả sau:
– Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm ngành thủy sản bình quân hàng năm giai đoạn 2021 – 2023 đạt 5,2%/năm trở lên (mục tiêu giai đoạn 2021-2025 đạt 5%/năm trở lên).
– Giá trị sản xuất thuỷ sản năm 2023 ước đạt 7.150 tỷ đồng, đạt 86% so với mục tiêu; giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 117,703 triệu USD, bằng 87,7 % so với CK, đạt 94,16% so với mục tiêu.
– Tổng sản lượng thủy sản năm 2023 ước đạt 215.659 tấn, bằng 103,7% so với CK, đạt 108,6% so với mục tiêu, trong đó: sản lượng khai thác thủy sản 142.143 tấn, đạt 103,7% so với CK, đạt 106% so với mục tiêu, sản lượng nuôi trồng thủy sản 73.516 tấn, đạt 103,8% so với CK, đạt 114,8% so với mục tiêu.
– Tổng số tàu thuyền khai thác đến 22/5/2024 là 6.059 chiếc, trong đó: loại Lmax <12m là 4.246 chiếc, Lmax từ 12-<15m là 718 chiếc, Lmax từ 15 m trở lên là 1.095 chiếc; số tàu cá vùng khơi đạt 89% so với mục tiêu; sản lượng khai thác thủy sản vùng khơi năm 2023 ước đạt 87.000 tấn, đạt 98,8% so với mục tiêu.

Đội tàu đánh bắt thủy hải sản của huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa

– Diện tích nuôi trồng thủy sản vùng nước mặn, lợ là 5.100 ha; đạt 100% so với mục tiêu; trong đó, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 700 ha, nuôi ngao là 1.000 ha, ao đầm là 3.400 ha. Thể tích nuôi lồng bè là 80.000 m3 (có 10.000m3 nuôi cá biển bằng lồng HDPE), đạt 114,2% so với mục tiêu).

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 08 cảng cá, trong đó: có 03 cảng cá: Hòa Lộc, Lạch Hới, Lạch Bạng thuộc Sở giao Ban quản lý cảng cá Thanh Hóa quản lý, khai thác và sử dụng; 04 cảng cá do UBND cấp huyện quản lý, gồm: Cảng cá Hoằng Phụ, cảng cá Hoằng Trường, cảng cá Quảng Nham, cảng cá Hải Châu và Cảng cá Hòn Mê phục vụ quốc phòng; có 4 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, gồm: Khu neo đậu tránh trú bão Lạch Hới, thành phố Sầm Sơn; khu neo đậu tránh trú bão Lạch Bạng, thị xã Nghi Sơn; khu neo đậu tránh trú bão Lạch Trường, huyện Hậu Lộc và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá cửa sông Lý huyện Quảng Xương.
Hiện tại, các dự án đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá đã được UBND tỉnh Thanh Hóa đưa vào đầu tư công giai đoạn 2022 – 2026 gồm:
-Dự án nâng cấp, mở rộng cảng cá Lạch Hới và dự án Nâng cấp, mở rộng cảng cá Lạch Bạng là 02 tiểu dự án thuộc Dự án Phát triển thủy sản bền vững, do Bộ Nông nghiệp và PTNT làm cơ quan chủ quản, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện nay Sở NN& PTNT đang phối hợp với UBND thành phố Sầm Sơn, UBND thị xã Nghi Sơn lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 để triển khai các bước tiếp theo.
-Dự án nâng cấp mở rộng cảng cá Hòa Lộc kết hợp khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Lạch Trường, huyện Hậu Lộc, nâng cấp mở rộng cảng cá Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa thuộc dự án “Phát triển thủy sản bền vững, vốn vay WB” do UBND tỉnh làm chủ quản đầu tư. Hiện nay, Sở NN& PTNT đang phối hợp với các sở, ban ngành và các đơn vị liên quan triển khai, tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 để triển khai các bước tiếp theo.
-Dự án nạo vét, thanh thải dải đá ngầm luồng tàu, khu vực cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền nghề cá Lạch Bạng, thị xã Nghi Sơn: Dự án được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 và Nghị quyết số 380/NQ-HĐND ngày 24/3/2023 của HĐND tỉnh. Hiện nay, UBND tỉnh đã giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và PTNT triển khai thực hiện.
Thời gian qua, Thanh Hóa đã triển khai thực hiện nhiều dự án trồng rừng ngập mặn, duy tu đê biển, dự án trồng, phục hồi rừng ven biển, dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp, cùng nhiều mô hình trồng mới, trồng phục hồi rừng ngập mặn ven biển gắn với hỗ trợ đầu tư, bảo vệ và phát triển rừng ven biển, hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân và hỗ trợ làm đường cho các xã tham gia dự án đã góp phần phát triển kinh tế, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và ý thức của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng ven biển.
Đồng thời, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thủy sản nhằm nâng cao nhận thức, phát huy vai trò chủ thể của ngư dân trong phát triển thủy sản và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ngành cũng ban hành các kế hoạch về việc thực hiện phương án củng cố, phát triển Tổ đoàn kết trên biển, tăng cường năng lực hoạt động cho lực lượng Kiểm ngư nhằm tăng cường công tác quản lý nghề cá, bảo đảm an ninh, an toàn và chủ quyền biển đảo của Tổ quốc…

Người dân thu mua cá ngay tại bến khi thuyền về  (Ảnh Lưu Trong Thắng)

PV: Là đơn vị chuyên môn tham mưu cho UBND tỉnh, Sở NN&PTNT sẽ có những giải pháp hiệu quả như thế nào để đẩy mạnh phát triển ngành thuỷ sản trong thời gian tới, trong đó ưu tiên hỗ trợ phát triển thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển?
Đồng chí Cao Văn Cường: Nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, trong thời gian tới, Sở NN& PTNT tập trung triển khai các giải pháp cụ thể sau:
-Phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chấp hành pháp luật thủy sản, các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, phát huy vai trò chủ thể của ngư dân, doanh nghiệp trong phát triển thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
– Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh đã ban hành khuyến khích, tạo động lực cho phát triển sản xuất thủy sản. như: Chính sách hỗ trợ phí thuê bao thiết bị GSHT, đóng mới hầm bảo quản
-Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan xây dựng các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển thuỷ sản trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên hỗ trợ phát triển khai thác thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
– Sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực thủy sản bảo đảm tinh gọn, giảm đầu mối, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
– Nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng chấp pháp trên biển, đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển.
– Tổ chức lại sản xuất trong khai thác thủy sản, sắp xếp cơ cấu nghề khai thác, lao động phù hợp; nâng cấp đội tàu, phát triển khai thác vùng khơi hiệu quả, bền vững. Thực hiện Phương án củng cố, phát triển Tổ đoàn kết sản xuất trên biển tỉnh Thanh Hóa, trong đó chú trọng đến thực hiện nâng cấp đội tàu khai thác vùng khơi gắn với xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển. Tăng cường sự hiện diện của ngư dân trên các vùng biển góp phần bảo vệ an ninh trật tự trên biển, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
– Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu, tổ chức sản xuất nuôi thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực (tôm, ngao) và các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao.
– Thực hiện quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường. Tổ chức phòng bệnh, khống chế và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản an toàn.
– Đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, cơ sở dịch vụ nghề cá, đóng mới sửa chữa tàu cá; thực hiện nạo vét định kỳ luồng lạch, đảm bảo thuận lợi cho tàu cá ra, vào cảng đáp ứng nhu cầu bốc, dỡ hàng hóa và neo đậu tránh trú bão; góp phần vào thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng an ninh trên biển đảo.
– Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển thủy sản; nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các công nghệ khai thác, nuôi trồng tiên tiến, thân thiện với môi trường
PV: Xin trân trọng cám ơn đồng chí.
Bài, ảnh: Thanh Huệ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu