- Dọc tuyến sông Bạng thuộc địa bàn thị xã Nghi Sơn(Thanh Hóa)có hàng nghìn lồng bè nuôi thủy sản trái phép đã làm ách tắc dòng chảy, ảnh hưởng đến việc tàu thuyền khi ra vào trên tuyến sông này và đang ngày càng ô nhiễm có nguy cơ trở thành dòng sông chết bởi những lồng bè nuôi thủy sản dày đặc.
Theo ghi nhận của phóng viên, dọc tuyến sông Bạng, đoạn chảy qua địa phận phường Xuân Lâm, Hải Bình, Hải Thanh, Bình Minh, thị xã Nghi Sơn có nhiều lồng bè nuôi thủy sản nối đuôi nhau khiến cho tàu thuyền không ít gặp khó khăn khi lưu thông qua tuyến sông này. Không những vậy mà còn làm ách tắc dòng chảy và nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Hậu quả của việc này không chỉ khiến môi trường sống, hệ sinh thái mặt nước xung quanh bị ảnh hưởng nặng nề mà ngay cả chính những người dân nuôi thủy sản trong khu vực này cũng gánh chịu tổn thất. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên tình trạng trên vẫn kéo dài mà chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục khiến tình trạng ô nhiễm, ách tắc dòng chảy, gây khó khăn cho tàu thuyền qua lại đang ngày một trầm trọng hơn, đến mức báo động.
Là một trong những hình thức nuôi thủy sản đang phổ biến của người dân vùng biển thị xã Nghi Sơn, nghề nuôi thủy sản trong lồng bè trên sông Bạng, nơi có luồng lạch chảy ra biển đã có từ nhiều năm nay. Theo đó, người dân dựa vào nguồn nước tự nhiên vô cùng phong phú nơi đây để chăn nuôi những loài thủy hải sản. Hiện nay, khi mà nguồn lợi tự nhiên từ hầu hết các loại thủy hải sản như tôm cá, cua ốc, hàu… trong tự nhiên đang có nguy cơ cạn kiệt thì việc nuôi những loài thủy sản này đang ngày càng phát triển và nở rộ.
Nhờ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thị xã thời gian qua đã có những bước phát triển vượt bậc về diện tích và sản lượng nuôi trồng với quy mô lớn. Theo báo cáo của phòng kinh tế, thị xã Nghi Sơn cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024 tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thị xã đạt 19.458 tấn = 101%CK = 48,64%KH. Trong đó, sản lượng khai thác thủy sản đạt 17.870 tấn = 103,1%CK= 48,3 %KH; Sản lượng nuôi trồng đạt 1.588 tấn=112,8%CK=53% KH. Sản lượng thu mua 69.500 tấn = 101%CK= 55,6%KH. Chế biến nước mắm đạt 8,2 triệu lít = 102,5%CK=825%KH. Ngoài ra, cũng cần có một so sánh khác là tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản năm 2023 của thị xã Nghi Sơn ước đạt 42.890 tấn, tăng 7,2% KH, tăng 6,1% so với CK Thu mua thủy sản đạt 125.100 tấn tăng 0,8%KH, tăng 27,9% so với CK.
Do diện tích mặt nước tự nhiên ở khu vực này vô cùng rộng lớn. Có thể nhận thấy ngay rằng, việc chăn nuôi thủy sản lồng bè đã đem lại rất nhiều lợi ích, mặt tích cực cho người dân. Tuy nhiên, mặt trái của nó là sự ô nhiễm môi trường do mất cân bằng sinh thái, do tác động quá lớn của con người vào dòng chảy tự nhiên cũng như lượng hóa chất, thuốc chữa bệnh, thức ăn chăn nuôi khổng lồ thải ra đã có những tác động tiêu cực tới hệ sinh thái, tới những loài động thực vật khác sinh sống ở trên sông.
Theo một người dân sinh sống trên địa bàn thị xã Nghi Sơn thì hiện nay, ở tuyến sông Bạng đoạn đi qua các phường nêu trên có hàng nghìn những lồng bè nuôi cá của ngư dân được dựng lên, nó nằm rải rác ven bờ có chỗ nối đuôi nhau nằm dọc tuyến sông, lạch nơi tàu thuyền ra vào. Tại đó, mỗi ngày những lồng bè nuôi thủy sản này được cung cấp thức ăn chăn nuôi cùng nhiều loại thuốc chưa bệnh, thuốc ngừa bệnh khiến mặt nước dòng sông bị ô nhiễm nặng nề, đó là chưa kể đến một số hộ dân đang sinh sống trên lồng bè để chăn nuôi ấy cũng gây ra nhiều hệ lụy xấu về ô nhiễm môi trường. Hậu quả của việc này là nguồn nước ở sông Bạng hiện nay ảnh hưởng ô nhiễm, đấy là còn chưa kể đến nhiều người mưu sinh bằng nghề khai thác thủy sản trên sông than thở rằng, việc dẫn đến nước sông Bạng bị ô nhiễm còn có lý do khả nghi từ một số đường ống xả thải từ các Công ty chế biến thủy sản nằm dọc tuyến sông này xả ra, chính vì vậy mà nguồn lợi tự nhiên đã gần như biến mất, đặc biệt là tại khu vực xung quanh những khu vực có nhiều lồng bè nuôi thủy sản.
Thực tế cho thấy, các hoạt động nuôi trồng thủy sản đã gây ô nhiễm môi trường, với các nguồn thải chính như, các nguồn thức ăn dư thừa thối rữa bị phân hủy, các loại hóa chất và thuốc kháng sinh, các loại khoáng chất Diatomit, Dolomit, lưu huỳnh đọng lại, các chất độc hại có trong đất phèn… Tất cả những loại hóa chất trên đã làm tăng mức độ ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước trên tuyến sông này đến mức báo động nếu không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận một thực tế là, hầu hết trên tuyến sông Bạng hiện nay đang bị ô nhiễm nặng nề. Nguyên nhân thì có nhiều và chủ yếu là do bản thân những người chăn nuôi thủy sản trên lồng bè ở dòng sông cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng trên bởi vô số những chất thải trong chăn nuôi mà họ thải ra. Nó không chỉ là ô nhiễm môi trường nước xung quanh khu vực nuôi thủy sản mà còn ảnh hưởng rất nhiều tới những vùng khác. Vì vậy, để cân bằng bài toán phát triển kinh tế và gìn giữ môi trường, duy trì sự bền vững tự nhiên của hệ sinh thái xung quanh đang là vấn đề nan giải, cần sự chung tay của nhiều cơ quan và cả chính những người dân.
Trước việc người dân tự ý đưa lồng bè nuôi thủy sản trái phép đang diễn ra trên sông Bạng, UBND thị xã Nghi Sơn đã ban hành Kế hoạch, Quyết định về xử lý việc nuôi thủy sản lồng bè trái phép trên địa bàn thị xã Nghi Sơn năm 2024.
Ngăn chặn, xử lý kịp thời và thực hiện giải bản toàn bộ ô lồng, bè nuôi trồng thủy sản tự phát không theo quy hoạch, đảm bảo an toàn an toàn giao thông đường thủy nội địa, âu tránh trú bão cho tàu cá, vận hành khai thác cảng biển, công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.
Theo đó, đối với phường Hải Thanh, Bình Minh: Giải bản toàn bộ 100% bè nuôi hàu, vẹm trong Âu trú bão thuộc cảng cá Lạch Bạng và trên địa bản quản lý xong trước ngày 10/8/2024.
Theo thống kê của phường, hiện tại có 118 ô, lồng nuôi cá, trong đó, Bình Minh 30 ô lồng; Hải Thanh 88 ô, lồng, yêu cầu di dời sang khu vực phía ngoài Khu neo đậu tàu thuyền Lạch Bạng (vụng phía Tây Nam phường Bình Minh), đồng thời tổ chức ký cam kết với các hộ nuôi cá thu hoạch cá nuôi trong tháng 10/2024 không bỏ thêm con giống và tổ chức tự giải bản trước ngày 20/11/2024.
Các xã, phường: Hải Bình, Xuân Lâm, Hải Châu, Nghi Sơn, Tổng số bè nuôi hàu, vẹm là: 1.145 bè/121 hộ (trong đó: Xuân Lâm 1.073 bè/100 hộ; Hải Bình 60 bè/17 hộ; Hải Châu 12 bè/4 hộ). Xây dựng kế hoạch giải bản toàn bộ bè nuôi hàu, vẹm trên địa bàn quản lý trước ngày 30/9/2024.
Phường Hải Bình, Xuân Lâm, Hải Châu: Hiện tại còn 1.030 ô, lồng nuôi cá (Xuân Lâm 364 ô, lồng; Hải Bình 516 ô, lồng; Hải Châu 150 ô, lồng). UBND các phường tổ chức ký cam kết với các hộ nuôi cá lồng thu hoạch cá thương phẩm, không thả thêm con giống và tự giải bản sau khi thu hoạch cá lồng xong trước ngày 31/12/2024.
Xã Nghi Sơn, hiện tại còn 552 ô, lồng/23 hộ nuôi cá tiếp tục xây dựng kế hoạch giảm dần ô, lồng nuôi cá phấn đấu đến 30/11/2024 còn lại khoảng 250 ô, lồng nuôi cá khu vực vụng Ngọc theo khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT.
Đối với các xã, phường khác: Tuyệt đối không để phát sinh hiện tượng nuôi lồng, bè tự phát không theo quy định và không theo quy hoạch. Nếu xã, phường nào để phát sinh thì Chủ tịch UBND xã, phường đó chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thị xã.
Trao đổi với PV ông Phạm Văn Nhiệm, Thường vụ Thị ủy, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn cho biết, hiện nay trên địa bàn thị xã, các hộ có lồng bè tự phát vi phạm như: Bình Minh, Hải Thanh, Xuân Lâm, Hải Bình, một số hộ dân đã cam kết tự di dời, tháo dỡ và thời gian hoàn thành trước ngày 30/11/2024.
Ông Nhiệm cho biết thêm, lãnh đạo thị xã Nghi Sơn đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành, UBND các xã, phường tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả theo Công văn số 2152-CV/TU ngày 05/4/2024 của Thị ủy Nghi Sơn về việc tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải bản các ô lồng nuôi cá, bè nuôi hàu tự phát trên địa bàn thị xã; Công văn số 1736/UBND-KT ngày 16/4/2024; Thông báo số 2260/TB-UBND ngày 28/6/2024 của UBND thị xã Nghi Sơn; Công văn số 2856/UBND-KT ngày 14/6/2024 về việc chỉ đạo xử lý dứt điểm tình trạng nuôi thủy sản lồng, bè trái phép tại khu vực Âu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão thuộc sông Bạng.
Tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt công tác tuyên truyền cho cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân, trọng tâm là các hộ nuôi cá lồng, nuôi hàu, vẹm tự phát, nuôi tôm trái phép nhận thức đầy đủ về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong việc nuôi trồng thủy sản; tuyên truyền, vận động các hộ nuôi cá lồng, nuôi hàu trái phép tự tháo dỡ các công trình vi phạm; không để phát sinh nuôi thủy sản tự phát, giảm dần tiến tới chấm dứt hoàn toàn nuôi trồng thủy sản tự phát. Rà soát, tổng hợp báo cáo cụ thể số hộ vi phạm, xây dựng phương án tháo dỡ; lập biên bản xử phạt hành chính và xây dựng phương án cưỡng chế đối với các tổ chức, cá nhân cố tình không chấp hành.
Để đảm môi trường, dòng chảy, khu vực tránh trú cho tàu thuyền trên sông Bạng và có hiệu quả trong việc giải bản các ô lồng nuôi cá, bè nuôi hàu tự phát trên địa bàn thị xã, Lãnh đạo thị xã yêu cầu UBND các xã, phường phối hợp với các phòng, ban, ngành, lực lượng Biên phòng tuyến biển tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt công tác tuyên truyền cho cán bộ và Nhân dân, trọng tâm là các hộ nuôi cá lồng, nuôi hàu, vẹm tự phát, nuôi tôm trái phép phải nhận thức đầy đủ về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác bảo vệ môi trường, quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng, an toàn giao thông đường thủy; chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong việc nuôi trồng thủy sản.
Tuyên truyền, vận động các hộ nuôi trồng thủy sản tự phát tự tháo dỡ các công trình vi phạm; phối hợp giám sát không để phát sinh nuôi thủy sản tự phát, giảm dần tiến tới chấm dứt hoàn toàn nuôi cá lồng, hàu, vẹm, nuôi tôm tự phát. Tiếp tục tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của địa phương và trực tiếp đến các hộ dân NTTS tự phát tại khu vực mặt nước, khu neo đậu tránh trú bão là trái phép và không đúng quy định; yêu cầu các hộ dân tự tháo dỡ, di dời lồng, bè nuôi tự phát ra khỏi khu vực mặt nước khu neo đậu tránh trú bão để cho tàu cá ra vào neo đậu tránh trú bão an toàn.
Thông báo cho các hộ nuôi trồng thủy sản tự phát và nhân dân biết kế hoạch, thời gian thực hiện giải bản lồng bè; kiểm tra giám sát, quản lý chặt chẽ nghiêm cấm không cho thả giống mới sau khi thu hoạch.
Tăng cường vai trò trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể phối hợp lực lượng Biên phòng, Công an trong công tác tuyên truyền, vận động các hộ nuôi thủy sản trái phép tự tháo dỡ các công trình vi phạm và tăng cường phối hợp giám sát các hộ thả giống bổ sung, không để phát sinh nuôi thủy sản tự phát, giảm dần tiến tới chấm dứt nuôi trồng thủy sản tự phát theo Kế hoạch.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM