- Phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch núi rừng, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) đã chú trọng dành nhiều nguồn lực từ các chương trình, đề án, khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế từ du lịch, góp phần nâng cao dời sống văn hóa, tinh thần, vật chất của người dân.
Hiện nay việc phát triển du lịch ở khu vực miền núi đang là cơ hội được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Xu hướng này đã hình thành và phát triển mạnh trong nhiều năm qua. Cùng với việc nghỉ ngơi và thư giãn, nhiều du khách mong muốn lựa chọn một không gian thiên nhiên yên bình để giải tỏa tâm trí. Trong khi những bãi biển vẫn là lựa chọn kinh điển, thì du lịch vùng miền núi đang là một lựa chọn hấp dẫn trong những năm gần đây.
Đặt chân đến những khu du lịch vùng cao, du khách được đắm chìm trong màn đêm lung linh ánh sao, thay vì những ánh đèn thành phố. Không chỉ vậy, đặc điểm khí hậu độc đáo của miền núi cũng có rất nhiều lợi ích và hấp dẫn. Khung cảnh rừng núi bạt ngàn, những dòng thác trong lành quấn quanh khu rừng, mặt hồ tĩnh lặng là các đặc điểm thiên nhiên đầy tự hào của các khu du lịch miền núi. Đoạn đường dốc, đỉnh cao, dòng thác, bờ sông, mặt hồ… tất cả đều là vẽ đẹp tự nhiên khiến du khách không thể không đến trãi nghiệm, khám phá.
Là một huyện miền núi, nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa. Cách Thành phố Thanh Hóa khoảng 60 km. Phía Bắc giáp huyện Lang Chánh, Ngọc Lặc. Phía Tây giáp huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An và huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào. Phía Đông giáp huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn. Phía Nam giáp huyện Như Xuân và Như Thanh. Thường Xuân có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch. Nhắc đến Thường Xuân, chúng ta liên tưởng ngay đến những dãy núi non hùng vĩ trùng điệp, những bản sương giăng, những đèo mây phủ, những ruộng bậc thang, Hồ Cửa Đạt, khu du lịch Bản Mạ, có khu di tích đền Cầm Bá Thước, bà chúa Thượng Ngàn.
Được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp hùng vĩ, cảnh quan và hệ sinh thái có sức hấp dẫn du lịch đặc biệt. Thường Xuân có nhiều dãy núi như Pù Gió xã Bát Mọt cao 1.442m so với mặt nước biển, có các sông như: Sông Khao, sông Chu, sông Đặt, sông Đằn chảy qua, có nhiều đồi bát úp. Các xã vùng cao chủ yếu là ruộng bậc thang. Vẻ đẹp không đâu có của núi rừng và văn hóa Thường Xuân luôn thôi thúc lữ khách lên đường rời xa những đô thị sôi động để đến với vùng đất trời rộng mở, hùng vĩ, bình yên và bí ẩn. Đặc biệt đó là ‘‘Về Thường Xuân thơm lừng hương quế’’, lời trong bài hát (Đường về Xứ Thanh) của ca sỹ Anh Thơ và những nụ cười rạng rỡ, sự mến khách của người Thường Xuân, tất cả hòa quyện lại làm nên một Thường Xuân vô cùng quyến rũ, gọi mời những ai yêu thích khám phá vẻ đẹp của núi rừng Thường Xuân.
Cùng với cảnh quan thiên nhiên núi rừng kỳ vĩ, văn hóa truyền thống của các dân tộc cũng là điểm nổi bật trong tài nguyên du lịch nơi đây. Thường Xuân là nơi sinh sống của các dân tộc như: Dân tộc Thái, Kinh, Mường.
Với một không gian văn hóa rộng lớn và phong phú. Một số dân tộc còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống của mình trong phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, nhạc cụ, các điệu dân ca trong các Lễ hội như: Lế hội Nàng Han, xã Vạn Xuân; Lễ hội Đình Làng Hồ xã Thọ Thanh; Lễ hội cơm mới và đua thuyền; Lễ dâng hương đền Cầm Bá Thước và bà chúa Thượng Ngàn hay trong ứng xử cộng đồng, phiên chợ ở Bát Mọt. Đối với ẩm thực Thường Xuân, mang những nét đặc trưng, khác biệt hẳn so với các vùng khác như gà rừng, cá sông, suối nướng, chạch làn, lợn mán, thịt trâu gác bếp… là tiềm năng du lịch hấp dẫn cho những du khách thích khám phá và trải nghiệm.
Theo báo cáo của phòng Văn hóa huyện Thường Xuân: Trong 6 tháng đầu năm 2024, lượt khách quốc tế đến Thường Xuân có tiến triển; (kế hoạch năm 2024 phấn đấu 6 tháng đầu năm có 124 lượt khách quốc tế đến Thường Xuân). Khách du lịch nội địa đến Thường Xuân là 205.884 lượt, tăng 44,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu du lịch trong 6 tháng đầu năm 2024 là 29.072.582.000 đồng, tăng so với kế hoạch đề ra năm 2024.
Nhằm tiếp tục giới thiệu các điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện; quảng bá, tuyên truyền các sản phẩm du lịch hấp dẫn, kết nối các doanh nghiệp du lịch lữ hành khai thác và phát triển các tuyến điểm, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tạo sự phong phú, đa dạng cho các chương trình du lịch phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước đến Thường Xuân, UBND huyện phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp, chuyên gia du lịch, UBND các xã có khu, điểm du lịch đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng trải nghiệm dịch vụ du lịch tại điểm đến du lịch cộng đồng Bản Mạ, Bản Vịn.
Phối hợp với công ty VNST & ART Việt Nam do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thuê xây dựng 05 tour trekking mạo hiểm mới tại Thường Xuân như: Đỉnh Pù Gió, đỉnh Pù Xèo, Thác Bảy tầng, Di tích Hội thề Lũng Nhai, thăm cây Di sản Pơ Mu, Sa Mu, ngắm Vọoc Xám, Vượn đen má trắng tại Bản Vịn…Khám phá và khai thác tuyến du lịch mới tại bản du lịch cộng đồng Liên Sơn và thác Trai gái (xã Xuân Lẹ); điểm du lịch Hang Mường – Thác Thiên Thuỷ tại thôn Hang Cáu (xã Vạn Xuân) gắn với du lịch tâm linh Lễ hội Nàng Han được tổ chức hằng năm vào ngày 05 tháng 01 âm lịch.
Hằng năm, UBND huyện giao Phòng Văn hoá và Thông tin, Trung tâm Văn hoá, Thông tin, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ hội đua thuyền truyền thống và Lễ hội Mừng cơm mới vào dịp cuối năm tại khu phố Thanh Xuân, Bản Mạ nhằm thu hút đông đảo du khách tới thăm quan khu du lịch cộng đồng Bản Mạ.
Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch huyện chỉ đạo các đơn vị, địa phương có khu, điểm du lịch khuyến khích, vận động các Homestay, các hộ gia đình phát triển nhiều sản phẩm ẩm thực đặc trưng vùng miền đáp ứng nhu cầu khách du lịch, đặc biệt là các món ăn và gia vị truyền thống như: canh uôi, măng đắng, thịt chua ống vầu, thịt trâu gác bếp…Các món ăn ngon, nhà hàng nổi tiếng của các địa phương nhằm giới thiệu, quảng bá trên các trang thông tin, điện tử chính thống của huyện nhằm cung cấp các dịch vụ ẩm thực nổi bật của địa phương tới du khách thập phương.
Trong thời gian tới, huyện Thường Xuân sẽ tiếp tục đẩy nhanh các quy hoạch liên quan đến công tác phát triển du lịch trên địa bàn như: Xây dựng quy hoạch 1/500 thôn Liên Sơn, xã Xuân Lẹ gắn với phát triển du lịch; xây dựng quy hoạch khu dân cư gắn với phát triển du lịch khu phố Tiến Sơn 1, Thị trấn Thường Xuân; quy hoạch 1/2000 điểm du lịch Thác Hón Yên – Khu BTTN Xuân Liên; quy hoạch các điểm chăn nuôi gia súc tập trung tách rời nhà dân, quy hoạch các bãi đỗ xe tại các thôn phát triển du lịch cộng đồng…
Quan tâm đầu tư các hạng mục thiết yếu phục vụ cho công tác phát triển du lịch của huyện như: đầu tư đường điện vào bến thuyền Cửa Đặt; xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật bến khách ngang sông Bản Mạ; lắp đặt hệ thống chiếu sáng tại Bản Mạ; Đầu tư hệ thống đường giao thông vào thôn Liên Sơn; Đầu tư đường đi bộ vào thác Trai Gái thôn Liên Sơn; đầu tư hạ tầng nước sạch, nước thải tại 04 thôn phát triển du lịch cộng đồng (Bản Mạ, Liên Sơn, Tiến Sơn, Bản Vịn). Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên theo Quyết định số 4848/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Để du lịch vùng miền núi huyện Thường Xuân phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có thì cần có các sản phẩm du lịch mang dấu ấn riêng, thương hiệu riêng, tạo điểm nhấn, điểm khác biệt đối với du khách dựa trên các tiềm năng thế mạnh nổi trội của rừng núi Thường Xuân.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM