Tiêu dùng xanh thúc đẩy phát triển bền vững
Theo NeislsenIQ VIệt Nam tại “Diễn đàn Thúc đẩy Tiến trình Phát triển Năng lượng Xanh, Sạch, và Bền vững tại Việt Nam”, tiêu dùng “xanh” là một trong những động lực đầy tích cực cho doanh nghiệp để thực hiện chuyển đổi năng lượng sạch, hướng tới phát triển bền vững, tạo ra xu hướng lớn tác động tới tương lai và mở ra nhiều cơ hội cho nền kinh tế.
Dựa trên khảo sát của NeilsenIQ Việt Nam, 70% người tiêu dùng thể hiện rõ quan điểm cho rằng “tính bền vững là một yếu tố ngày càng quan trọng” và 77% trong số được khảo sát tuyên bố từ chối sử dụng những sản phẩm đến từ doanh nghiệp cam kết chuyển đổi năng lượng, phát triển bền vững nhưng không thực hiện như tuyên bố.
Bên cạnh nhu cầu sử dụng rất lớn năng lượng xăng dầu ở Việt Nam thì người tiêu dùng cũng rất quan tâm tới các dạng năng lượng tái tạo. 21% người được khảo sát cho biết họ đã thử sử dụng và 60% sẵn sàng sử dụng sản phẩm từ nguồn năng lượng thân thiện với môi trường và bền vững này.
Chính những thể hiện mạnh mẽ và quyết liệt của người tiêu dùng cũng đang khiến các doanh nghiệp nhận thức rõ được vấn đề và bắt đầu bắt tay vào hành động chuyển đổi ở nhiều tiêu chí. Trong 18 xu hướng gây tác động tới hoạt động kinh doanh và đời sống ở mỗi quốc gia được chia thành bốn nhóm chính bao gồm: Đổi mới sản phẩm; Phát triển công nghệ; Chuyển đổi bán lẻ và Phát triển bền vững.
Ở một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ đã có tới 1000 doanh nghiệp tham gia xây dựng các tiêu chí phát triển bền vững tuy nhiên cũng theo chia sẻ từ bà Đặng Thuý Hà, Giám đốc khu vực miền bắc của NeilsenIQ Việt Nam, với chỉ số xanh – GreenIndex được chia thành 5 nhóm, với các cấp độ đánh giá từ 1 tới 10 thì bên cạnh các nước dẫn đầu như Pháp, Na-uy, Thuỵ Điển, trong khu vực chúng ta chỉ có Singapore là đạt mức tương đương, còn lại đa phần đều có mức chỉ số khá thấp.
Đại dịch Covid – 19 đã một phần nào đó tình cờ thổi bùng vai trò giữa những thói quen sử dụng sản phẩm hàng hoá của người tiêu dùng với các tác động gây biến đổi khí hậu. Người tiêu dùng nhận thức rõ các hiện tượng thiên tai đang gây ra nhiều thiệt hại lớn thế nào và những hành động của họ đang góp phần biến đổi thế giới theo chiều hướng tích cực hơn như thế nào.
Dù đứng trước xu thế toàn cầu, nhận thức người tiêu dùng và hành động của doanh nghiệp, cùng với sức ép sử dụng năng lượng tăng cao trong bối cảnh nguồn nhiên liệu hoá thạch đang cạn kiệt nhưng để có thể chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, giảm phát thải thành công, Việt Nam vẫn cần có sự hỗ trợ từ quốc tế và Chính phủ để giải quyết các vấn đề vốn, phát triển kỹ năng cần thiết, đồng thời đảm bảo đa mục tiêu: An ninh năng lượng; Phát triển xanh và bền vững: Đảm bảo nền kinh tế có đủ năng lực cạnh tranh và Hỗ trợ nhóm yếu thế có quyền và khả năng sử dụng đủ năng lượng – Theo TS. Võ Trí Thành – Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Thương hiệu và Cạnh tranh.
Đồng tình với điều này, Bà Đặng Thuý Hà cho rằng Chính phủ cần nhìn rõ những việc cần làm để đi trước một bước, trong đó yếu tố đảm bảo giữ động lực mạnh mẽ để thúc đẩy tiêu dùng bền vững là chi phí, đặc biệt với chi phí về năng lượng, giúp cho doanh nghiệp dễ dàng cân nhắc và đưa ra quyết định chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo.
Chính những thúc đẩy của Chính phủ là động lực mạnh mẽ đầu tiên cho sự phát triển khi hiện tại chúng ta đang ở giai đoạn phân tích hiện trạng và tìm kiếm giải pháp. Giai đoạn tiếp theo từ năm 2023 tới 2028 là thời điểm vàng cần đầu tư nguồn lực thời gian, con người và công nghệ. Và giai đoạn sau nữa từ 2030 trở đi cần bắt đầu phát triển bền vững một cách có hệ thống và bền vững.
Từ nay tới giai đoạn 2050, Việt Nam đặt mục tiêu hệ thống năng lượng/hệ thống điện sẽ được thực hiện chuyển đổi cơ bản về nguồn, tập trung vào nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và xu hướng sử dụng năng lượng hiệu quả thay cho các nguồn năng lượng hoá thạch. Đây được cho là giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng đồng thời ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Tập trung đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng theo tinh thần phát huy nội lực đồng thời tăng cường sự hợp tác-hỗ trợ từ các đối tác phát triển đã giảm dần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, năng lượng truyền thống, ưu tiên phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới và sạch.
Tuy nhiên, bối cảnh nhu cầu của nền công nghiệp và nền kinh tế đang phát triển tại Việt Nam còn gặp nhiều thách thức về năng lượng và với tốc độ tăng trưởng khoảng 10 đến 12% hàng năm. Để tăng cường an ninh năng lượng và tránh tình trạng thiếu điện cục bộ, chúng ta cần nắm rõ thực trạng năng lượng, đánh giá các cơ hội, thách thức để từ đó đưa ra các đề xuất nhằm đẩy mạnh hơn nữa tiến trình phát triển năng lượng xanh, sạch và hướng tới phát triển bền vững.