Tìm hiểu về các Vùng Hải quân Việt Nam

Tạp chí Biển Việt Nam - Được thành lập ngày 07/05/1955, Hải quân nhân dân Việt Nam (hay Quân chủng Hải quân) tiền thân của Cục Phòng thủ bờ biển, là lực lượng nòng cốt của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Hải quân nhân dân Việt Nam có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, duy trì sự ổn định trên các vùng biển, đảo; giữ vững chủ quyền, không để xảy ra xung đột, tạo điều kiện thuận lợi, yên tâm cho các lực lượng trên biển; phối hợp, hiệp đồng với các lượng bảo vệ tốt việc thăm dò, khai thác dầu khí và các hoạt động kinh tế biển; tích cực, chủ động thực hiện tốt vai trò làm nòng cốt trong các hoạt động phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển, nhất là trên các vùng biển xa; thực sự là chỗ dựa tin cậy, vững chắc cho các hoạt động kinh tế biển.

Thành lập Bộ tư lệnh vùng Hải quân Việt Nam

Trước yêu cầu xây dựng từng bước chính quy, hiện đại, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Ngày 26/10/1975, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 141/QĐ-QP tổ chức 5 vùng Duyên hải: Vùng 1, Vùng 2, Vùng 3, Vùng 4, Vùng 5 trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân, mỗi Vùng tương đương cấp sư đoàn, có nhiệm vụ phụ trách từng khu vực duyên hải được phân công. Đến năm 1978, giải thể Vùng 2 và đổi tên Vùng Duyên hải thành Vùng Hải quân.

Vùng Hải quân là tổ chức liên minh đoàn chiến dịch – chiến thuật của Hải quân phân chia theo lãnh thổ, bao gồm các binh chủng: Tàu mặt nước, Hải quân đánh bộ, tên lửa-Pháo bờ biển, không quân Hải quân, tàu ngầm, đặc công Hải quân, các đơn vị bảo đảm tác chiến khác như: Radar, thông tin, kỹ thuật, hậu cần, công binh, hóa học…

Vùng Hải quân dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân. Đứng đầu mỗi vùng Hải quân là một tư lệnh Vùng Hải quân với cấp bậc có thể lên tới chuẩn Đô Đốc, cùng lãnh đạo với tư lệnh vùng là một chính ủy Vùng.

Sơ đồ cơ cấu tổ chức Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam.

Ngày 19/3/2009, thành lập lại Vùng 2 Hải quân thuộc Quân chủng Hải quân. Đến ngày 14/1/2011, Bộ Quốc phòng ra quyết định nâng cấp Bộ chỉ huy Vùng Hải quân thành Bộ tư lệnh Vùng Hải quân. Từ đó, tên gọi của 5 Vùng Hải quân cũng được đổi thành: Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân.

+ Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân: Là Bộ Tư lệnh tác chiến Hải quân độc lập quản lý, bảo vệ vùng biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh và các đảo trong Vịnh Bắc Bộ, bao gồm vùng biển đảo ngoài khơi các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Bộ chỉ huy vùng 1 được đặt tại xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, Tp. Hải Phòng.

+ Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân: Là Bộ Tư lệnh tác chiến Hải quân độc lập quản lý và bảo vệ vùng biển từ Nam Bình Thuận đến Bạc Liêu và thềm lục địa phía Nam, trong đó có khu vực trọng điểm là vùng biển có các cụm kinh tế – khoa học – dịch vụ (gọi tắt là DK1) thuộc thềm lục địa phía Nam, gồm có các tỉnh: phía Nam của Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, và vùng biển phía Đông Nam của tỉnh Cà Mau (bao gồm cả nhà giàn DK1/10 ở bãi ngầm Cà Mau). Bộ chỉ huy vùng 2 được đặt tại xã Long Sơn, Tp. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Nguồn ảnh: Báo Hải quân Việt Nam.

+ Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân: Là Bộ Tư lệnh tác chiến Hải quân độc lập quản lý và bảo vệ vùng biển giữa miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Định gồm các tỉnh là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định gồm các đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn, Quần đảo Hoàng Sa,…. Bộ chỉ huy vùng 3 được đặt tại quận đường Yết Kiêu, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Tp. Đà Nẵng. Vùng 3 Hải quân có nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa trên địa bàn vùng biển giữa miền Trung. Đặc biệt là khu vực quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam.

+ Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân: Là Bộ Tư lệnh tác chiến Hải quân độc lập quản lý và bảo vệ Quần đảo Trường Sa, đảo Phú Quý, biển Đông và vùng biển phía nam miền Trung, từ Phú Yên đến Bắc Bình Thuận, bao gồm các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và phía Bắc tỉnh Bình Thuận. Bộ chỉ huy vùng 4 được đặt tại bán đảo Cam Ranh, phường Cam Nghĩa, Tp. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Vùng 4 Hải quân được giao nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt bảo vệ vững chắc quần đảo Trường Sa, vùng biển được phân công và an ninh, an toàn Căn cứ Cam Ranh.

+ Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân: Với khẩu hiệu “Chiến đấu anh dũng – Giúp bạn tận tình – Đoàn kết hiệp đồng – Làm chủ vùng biển”, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân là Bộ Tư lệnh tác chiến hải quân độc lập quản lý và bảo vệ vùng biển Nam biển Đông và vịnh Thái Lan thuộc vùng biển hai tỉnh Cà Mau (biển phía Tây Nam của Cà Mau) và Kiên Giang. Trụ sở Bộ chỉ huy Vùng 5 được đặt tại KP8, phường An Thới, Tp. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Ngoài nhiệm bảo vệ chủ quyền quốc gia vùng biển đảo Tây Nam Bộ, Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải quân còn có nhiệm vụ: Huấn luyện đảm bảo sẵn sàng chiến đấu; tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên các vùng biển được phân công; hợp tác, đối ngoại quốc phòng với Hải quân các nước trong khu vực…

Bên cạnh Hải quân nhân dân, các lực lượng như: Cảnh sát Biển, Biên phòng, Kiểm ngư cũng tham gia vào quá trình bảo vệ chủ quyền lãnh Hải của Đất Nước.

Những năm gần đây, đội ngũ Cán bộ, Chiến sĩ thuộc các Bộ tư lệnh Vùng Hải quân luôn giữ vững và phát huy truyền thống anh hùng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, làm tốt công tác huấn luyện, nâng cao sức mạnh tổng hợp, khắc phục khó khăn, phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn, giữ gìn an ninh trật tự xã hội tại địa bàn được phân công. Ngoài ra, còn tích cực học tập, rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu hi sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trải qua 68 năm xây dựng và chiến đấu, Lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo; xây dựng Quân chủng là lực lượng nòng cốt, tiên phong góp phần giải quyết tốt mối quan hệ kinh tế – quốc phòng và an ninh biển đảo; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhân dân; là tiền đề để xây đắp nên truyền thống vẻ vang “Chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng”. Đặc biệt, với các lực lượng chiến đấu bao gồm: Lực lượng Hải Quân đánh bộ, Không quân Hải quân, Tàu mặt nước, Tên lửa chống hạm, Tàu ngầm Kilo 636. Hải quân nhân dân Việt Nam là một trong những lực lượng Hải quân mạnh nhất khu vực Đông Nam Á.

Lan Anh tổng hợp

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu