Vùng 3 Hải quân: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển

Tạp chí Biển Việt Nam - Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” là một trong những chủ trương lớn của Bộ Tư lệnh Hải quân. Qua đó, góp phần thực hiện hóa các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế biển gắn liền với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Chuẩn đô đốc Mai Trọng Định, Chính uỷ Vùng 3 Hải quân cho biết: Chương trình là tình cảm, trách nhiệm, nghĩa tình… của cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân đối với ngư dân các tỉnh miền Trung, tạo điểm tựa vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

 

Chuẩn đô đốc Mai Trọng Định, Chính uỷ Vùng 3 Hải quân.

Phóng viên: Thưa Chuẩn đô đốc Mai Trọng Định, Chương trình Hải quân Việt Nam (HQVN) làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển được Vùng 3 thực hiện thời gian qua đã mang lại hiệu quả như thế nào?

Chuẩn đô đốc Mai Trọng Định: Từ ngày 30/7/2019, Vùng 3 Hải quân đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 06 tỉnh miền Trung ký kết thực hiện Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”; với mục tiêu hướng vào nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, vận động, hỗ trợ và giúp đỡ bà con ngư dân các địa phương khai thác thủy sản an toàn, đúng pháp luật; gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, cùng với các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

Sau 3 năm thực hiện, trong điều kiện dịch, bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng bằng nhiều biện pháp sáng tạo, linh hoạt, Vùng 3 Hải quân đã khắc phục khó khăn, tiến hành chặt chẽ và mang lại hiệu quả tích cực.

Theo đó, Vùng đã thường xuyên duy trì từ 6 đến 7 tàu thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát quản lý bảo vệ chủ quyền biển, đảo gắn với bảo vệ an ninh, an toàn cho ngư dân theo đúng pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Từ năm 2019 đến nay cấp phát hơn 8.300 bộ tài liệu, tờ rơi tuyên truyền cho hơn 900 lượt tàu cá với hơn 10.300 ngư dân. Tặng 700 lá cờ Tổ quốc, hàng trăm phao tròn, pháo áo cá nhân trị giá gần 100 triệu đồng.

Tổ chức cứu hộ, cứu nạn trên biển trên 21 lượt tàu với 92 ngư dân, cung cấp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt: 24 tàu, 106 người dân; hơn 4.000 lít dầu, 3.000 lít nước ngọt và hơn 1 tấn gạo… Tổ chức tặng quà cho ngư dân có hoàn cảnh khó khăn với hơn 100 suất quà trị giá gần 250 triệu đồng.

Nhận thức của ngư dân về tình hình biển đảo, các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về biển, khai thác, đánh bắt hải sản an toàn, bền vững, đúng pháp luật, gắn với bảo vệ môi trường, chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định được nâng lên rõ rệt. Trên các vùng biển, ngư dân ta vững tin khai thác thủy hải sản an toàn, đúng pháp luật, tỉ lệ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài giảm mạnh. Có thể nói thông qua chương trình đã tạo tình cảm gắn bó sâu sắc giữa cán bộ, chiến sĩ Hải quân và bà con ngư dân; động viên và phát huy tốt vai trò của ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và phát triển kinh tế.

CBCS Vùng 3 Hải quân cứu kéo tàu cá ngư dân gặp nạn (ảnh VOV)

Phóng viên: Quản lý vùng biển có nhiều tàu thuyền của ngư dân khai thác, nhất là ngư trường Hoàng Sa. Trong tình hình trên biển có nhiều diễn biến phức tạp, bảo vệ mọi hoạt động của ngư dân được Vùng 3 quan tâm như thế nào?

Chuẩn đô đốc Mai Trọng Định: Trên các Vùng biển, đặc biệt là ngư trường Hoàng Sa, đây là khu vực biển nhạy cảm, lượng tàu, thuyền hoạt động nhiều, phức tạp vì vậy để bảo vệ hoạt động của ngư dân ta lực lượng Hải quân chúng tôi đã thường xuyên phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh miền Trung và các lực lượng như Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư tổ chức tuyên truyền trên biển và tại bến các văn bản quy phạm pháp luật về biển, khai thác, đánh bắt hải sản an toàn, bền vững, trong đó trọng tâm là chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về “Một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định”.

Vùng đã thường xuyên duy trì từ 6 đến 7 tàu thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát quản lý bảo vệ chủ quyền biển, đảo gắn với bảo vệ an ninh, an toàn cho ngư dân theo đúng pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, thường xuyên bám, nắm tình hình tại các vùng biển giáp ranh, kịp thời phát hiện tuyên truyền, ngăn chặn không để ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài.

Làm tốt công tác tham gia tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn tàu cá gặp nạn trên biển, kịp thời hỗ trợ vật chất hậu cần cho ngư dân, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển. Đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ ngăn chặn, tuyên truyền xua đuổi tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam và các nhiệm vụ khác.

Chuẩn đô đốc Mai Trọng Định ký kết với các Sở Nông nghiệp miền Trung.

Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của bà con ngư dân trong khai thác thủy sản, tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân làm ăn trên biển, xây dựng và tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, cùng với các lực lượng giữ vững an ninh trật tự trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Phóng viên: “Tìm kiếm cứu nạn là mệnh lệnh từ trái tim” khẩu hiệu này đã thấm nhuần với mỗi cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam. Với diễn biến phức tạp của thời tiết như hiện nay, công tác này được Vùng 3 thực hiện như thế nào, thưa Chuẩn đô đốc Mai Trọng Định?

Chuẩn đô đốc Mai Trọng Định: Đóng quân trên khu vực thường xuyên xảy ra bão lũ với cường độ cao, thời gian kéo dài, sức tàn phá lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân luôn tâm niệm cứu giúp nhân dân là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, là mệnh lệnh từ trái trái tim. Do đó, trong nhiều năm qua Vùng đã tích cực, chủ động trong công tác phòng chống lụt bão, tím kiếm cứu nạn (PCLB – TKCN) cứu giúp hàng chục lượt tàu cá, tham gia cứu hộ nhiều lượt tàu, thuyền gặp nạn, trong đó có tàu VietShip 01 tại Vùng biển Cửa Việt năm 2020, để lại những dấu ấn sâu nặng trong lòng nhân dân.

Trước sự phức tạp và khó lường của thời tiết, khí hậu, thủy văn khu vực biển miền Trung, hàng năm Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác quán triệt, giáo dục tình hình, nhiệm vụ, xây dựng ý thức trách nhiệm, ý chí quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch, phương án sát với đặc điểm, tình hình và lực lượng, phương tiện hiện có. Phương châm, tư tưởng chỉ đạo trong công tác PCLB- TKCN là “Phòng là chính; tích cực, chủ động, ứng cứu nhanh, có hiệu quả”; “Cơ động nhanh, hiệp đồng tốt, cứu người trước, phương tiện sau” và triệt để thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ và chỉ huy tại chỗ); huy động tổng lực về người và phương tiện, bằng mọi biện pháp để cứu người, cứu tài sản, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Từ năm 2019 đến nay, Vùng 3 Hải quân đã tổ chức cứu nạn thành công 21 tàu cá với 92 ngư dân, qua đó, đã để lại ấn tượng sâu sắc và hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”- Người chiến sĩ Hải quân ngày càng tỏa sáng trong lòng nhân dân.

Hiện nay, Vùng 3 thường xuyên duy trì các tàu trực tại bến và tàu trực tuần tra trên biển. Khi mưa bão đến các tàu trực luôn sẵn sàng sẵn sàng cơ động khi có lệnh. Ngoài công tác chuẩn bị về lực lượng phương tiện, Vùng 3 đặc biệt coi trọng công tác huấn luyện, luyện tập thuần thục các phương án tại bến, hiệp đồng với không quân, Biên phòng diễn tập tìm kiếm cứu nạn qua đó khả năng cơ động, ứng phó của bộ đội và các lực lượng thêm thuần thục, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.

Phóng viên: Để chương trình HQVN làm điểm tựa cho ngư dân đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, Vùng 3 sẽ tập trung vào những nội dung gì, thưa Chuẩn đô đốc Mai Trọng Định?

Chuẩn đô đốc Mai Trọng Định: Để chương trình HQVN làm điểm tựa cho ngư dân đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, Vùng 3 chúng tôi tập trung thực hiện bốn nhóm hoạt động chủ yếu là:

Thứ nhất, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền cho bà con ngư dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển; các Hiệp định phân định ranh giới trên biển giữa Việt Nam với các nước trong khu vực; các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về biển và khai thác, đánh bắt thủy hải sản an toàn, bền vững, đúng pháp luật gắn với bảo vệ môi trường, chống khai thác hải sản bất hợp pháp; thông tin về diễn biến, tình hình trên các vùng biển; tình hình bà con ngư dân vi phạm quy định pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế; các vị trí bảo đảm hậu cần nghề cá và hoạt động hỗ trợ cho bà con ngư dân khi làm ăn trên biển của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Vùng 3 Hải quân tặng áo phao và cờ tổ quốc cho ngư dân.

Hai là, triển khai cho các lực lượng đang làm nhiệm vụ trên biển như: Các tàu trực, tàu tuần tiễu, tàu kiểm tra, kiểm soát ngư trường v.v… căn cứ tình hình thực tiễn hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, nước ngọt cho bà con ngư dân trên biển trong những tình huống khó khăn, nguy hiểm để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho ngư dân; thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu ngư dân; hỗ trợ khắc phục sự cố, sửa chữa máy móc, trang bị cho ngư dân trên biển v.v…

Ba là, các lực lượng của Vùng làm nhiệm vụ trên biển kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ trực, chốt giữ, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát quản lý, bảo vệ vùng biển, đảo của Tổ quốc với bảo vệ hoạt động hợp pháp của ngư dân; bảo vệ tài sản, tính mạng của bà con ngư dân trên biển; tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm bám biển, bám ngư trường khai thác thủy sản, phát triển kinh tế.

Bốn là, phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và các cơ quan chức năng địa phương tuyên truyền, vận động, huy động ngư dân tham gia cùng bộ đội Hải quân và các lực lượng của ta thực hiện nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc theo các phương án, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước.

Phóng viên: Theo đồng chí, việc kết hợp giữa bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế biển tạo ra hiệu quả và ý nghĩa như thế nào trong giai đoạn hiện nay?

Chuẩn đô đốc Mai Trọng Định: Trước tình hình tranh chấp trên biển Đông ngày càng phức tạp như hiện nay thì vấn đề này càng có ý nghĩa rất lớn bởi sự hiện diện của ngư dân là cột mốc sống trong khẳng định và bảo vệ chủ quyền và khi chủ quyền được giữ vững thì ngư dân sẽ yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

CBCS Vùng 3 Hải quân cứu nạn tàu cá ngư dân.

Quán triệt quan điểm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết số 36 Hội nghị Trung ương 8 Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Vùng 3 Hải quân triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó xác định việc đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển là nhiệm vụ rất quan trọng.

Chúng tôi đã thường xuyên duy trì tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát bảo vệ hoạt động hợp pháp, tài sản của bà con ngư dân trên biển, thường xuyên trao đổi cung cấp tình hình an ninh trên biển, động viên, hướng dẫn ngư dân vươn khơi, bám biển, bám ngư trường phát triển kinh tế gắn với tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Trong các đợt tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nắm tình hình ngư trường, chúng tôi đã tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho ngư dân thực hiện tốt pháp luật Việt Nam, pháp luật Quốc tế về thủy sản. Bảo vệ an toàn cho ngư dân khai thác trên các vùng biển Việt Nam; hỗ trợ hậu cần, kỹ thuật, tạo chỗ dựa và niềm tin cho ngư dân bám biển sản xuất phát triển kinh tế và tham gia bảo vệ chủ quyền.

Những việc làm trên đã tạo được sự đồng thuận, tin tưởng của ngư dân vào lực lượng Hải quân góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Chuẩn đô đốc Mai Trọng Định!

Lan Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu