Tổng Bí thư Tô Lâm tin tưởng Quảng Trị sẽ trở thành cực tăng trưởng mới

Dự buổi làm việc có các đồng Ủy viên Bộ Chính trị: Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Hoài Trung; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; cùng các thành viên đoàn công tác Trung ương.
Lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị có các đồng chí: Lê Ngọc Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình; Nguyễn Long Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị; Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình; Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị; Trần Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình; Hoàng Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị; các đồng chí trong Ban Thường vụ 2 tỉnh.
Tại buổi làm việc, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 tỉnh làm rõ công tác xây dựng Đảng, hoạt động của Mặt trận, đoàn thể và chuẩn bị đại hội đảng các cấp, nhất là sau hợp nhất. Đồng thời, cần xác định rõ khó khăn, vướng mắc và đề ra mục tiêu cụ thể, phù hợp với yêu cầu phát triển năm 2025 và Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị mới, nhiệm kỳ 2025-2030.

Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự gắn bó lịch sử giữa Quảng Bình và Quảng Trị, đồng thời ghi nhận, đánh giá cao những kết quả toàn diện hai tỉnh đạt được trong nhiệm kỳ 2020-2025, dù quy mô kinh tế còn khiêm tốn. Trong thời gian tới, 2 tỉnh sẽ cùng viết tiếp trang sử mới của đổi mới, hợp nhất và kiến tạo tương lai. Sự đoàn kết, đồng thuận từ hệ thống chính trị đến nhân dân sẽ tạo nên sức mạnh thống nhất, khơi dậy khát vọng phát triển mạnh mẽ. Việc hợp nhất hai tỉnh không chỉ tiếp nối truyền thống gắn bó mà còn mở ra cơ hội định hình mô hình phát triển kinh tế hiện đại, tận dụng tối đa lợi thế ven biển, cảng biển, sân bay, cửa khẩu và các trục hành lang kinh tế. Việc hợp nhất hai tỉnh đã được Trung ương cân nhắc kỹ lưỡng, thể hiện tầm nhìn dài hạn trong việc tổ chức lại không gian hành chính quốc gia gắn với mục tiêu phát triển vùng hiệu quả, liên kết, bền vững.
Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, trong đó yêu cầu nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Việc sắp xếp các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và đơn vị sự nghiệp phải đồng bộ, công khai, minh bạch, tránh gây xáo trộn. Công tác cán bộ cần đặt phẩm chất, năng lực, hiệu quả lên hàng đầu, kiên quyết chống cục bộ, lợi ích nhóm; đồng thời bảo đảm thông suốt tổ chức, giảm tầng nấc trung gian, nâng cao hiệu quả quản lý và quan tâm chính sách cho cán bộ.
Cần xây dựng chiến lược phát triển KT-XH tổng thể, hiện đại, có tầm nhìn dài hạn; rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo hướng tích hợp, liên kết vùng và phát huy lợi thế bổ sung giữa hai địa phương. TP Đồng Hới cần được quy hoạch bài bản, trở thành trung tâm hành chính, chính trị, điều hành và dịch vụ công của tỉnh, gắn với quản trị hiện đại, nhân lực chất lượng cao và hệ thống giao thông chiến lược. Đồng thời, tập trung triển khai đồng bộ các đột phá chiến lược theo tinh thần nghị quyết Trung ương, phù hợp với thực tiễn địa phương sau hợp nhất. Chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh mới, nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2025.
Theo Tổng bí thư, tỉnh Quảng Trị mới được hình thành trên nền tảng hai vùng đất giàu truyền thống cách mạng và khát vọng vươn lên, là biểu tượng của tầm nhìn chiến lược và tư duy đổi mới. Việc hợp nhất không chỉ là điều chỉnh địa giới, mà là cơ hội tái cấu trúc toàn diện chiến lược phát triển, hoàn thiện thể chế, tối ưu nguồn lực và nâng cao hiệu quả điều hành.
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Đảng bộ, chính quyền, nhân dân hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang trân trọng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, toàn diện của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí trong đoàn công tác.

Đồng chí khẳng định, những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, đặc biệt là các định hướng chiến lược cho tỉnh Quảng Trị mới là nguồn động viên to lớn, tiếp thêm niềm tin, ý chí và khát vọng vươn lên cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân hai tỉnh trong giai đoạn phát triển mới. Đồng chí nhấn mạnh, những thành quả đạt được thời gian qua là kết quả của sự nỗ lực bền bỉ từ cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng lòng của nhân dân, và đặc biệt là sự lãnh đạo, hỗ trợ hiệu quả từ Trung ương.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh cam kết sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trọng tâm trong văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2025-2030; tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, khai thác hiệu quả tiềm năng, huy động tối đa mọi nguồn lực, quyết tâm đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.