Vùng quê dưa hấu, chiếu cói Xứ Thanh ,ngày càng phát triển vững mạnh

Tạp chí Biển Việt Nam - ga Sơn, vùng quê dưa hấu, chiếu cói, huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Thanh Hoá, được tạo bởi thế nước hình non và những bãi bồi thênh thang, rộng lớn do lượng phù sa cần mẫn bồi đắp mỗi năm. Bởi vậy, Nga Sơn vừa mang những truyền thống của một miền đất cổ, vừa có sức mạnh của vùng đất trẻ. Nga Sơn, với chiều dài 20 km bờ biển, gồm 8 xã nằm dọc theo bờ biển là vùng đất màu mỡ đã tạo nên thế mạnh để phát triển nông nghiệp và kinh tế biển.
Mặc dù được thiên nhiên ưu đãi cho ở vị trí địa lý được coi là bản lề của vùng duyên hải Bắc Trung bộ nhưng những năm qua Nga Sơn cũng như các địa phương khác của tỉnh Thanh Hoá và của cả nước, đã và đang gặp nhiều khó khăn, do các nguyên nhân dịch bệnh, nền kinh tế thế giới suy thoái, biến đổi khí hậu, biến động của giá nhiên liệu, thị trường nông sản không ổn định … gây ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, chủ động, sáng tạo, quyết tâm cao thực hiện nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong huyện, kinh tế – xã hội, giáo dục, quốc phòng – an ninh trên địa bàn huyện vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực và tạo tiền đề cho sự phát triển của các năm tiếp theo. Đánh giá chung toàn huyện có 21/24 chỉ tiêu đạt và vượt mức kế hoạch đề ra, trong đó có 18 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Thị trấn Nga Sơn soi bóng bên dòng kênh Hưng Long trong lành
Đồng bằng châu thổ Nga Sơn được bồi đắp hằng năm có lượng phù sa màu mỡ, được chắp cánh bởi tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, luôn đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật của người dân nơi đây đã tạo nên những kết quả rất đáng ghi nhận trong sản xuất nông nghiệp. Nga Sơn là một trong những huyện có diện tích nhà lưới, nhà  kính cao nhất tỉnh, sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao đem lại cho nông nghiệp Nga Sơn sự ổn định và giá trị kinh tế cao, giá trị sản xuất nông nghiệp trong năm 2023 tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện đạt 1.800 ha. Tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng ước tính 13.843,5 tấn, bằng 103,7% so cùng kỳ.  Có 169 phương tiện đã được nhập trên hệ thống nghề cá quốc gia, không có tàu cá vi phạm khai thác bất  hợp pháp (IUU). Chương trình mỗi xã một sản phẩm tiếp tục thực hiện tốt và đạt kết quả đáng tự hào, có 10 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm toàn huyện lên 37 sản phẩm.
Tàu thuyền ra vào tấp nập trên bến đò Hói Đào – Nga Tiến những ngày cuối năm
Những ngày cuối năm, ngư dân Nga Sơn vẫn rộn ràng chuẩn bị những chuyến hàng đi khắp cả nước. Bến đò Hói Đào thuộc xã Nga Tiến là nơi thu mua lượng thuỷ, hải sản cho bà con ngư dân trong huyện và của huyện Hậu Lộc lân cận.
Chị Lê Thị Tuyết, một tiểu thương tại bến đò Hói Đào phấn khởi cho biết: Mặc dù năm nay kinh tế khó khăn, gặp nhiều bất lợi nhưng ngư dân trong vùng vẫn duy trì được các vùng nuôi thả thuỷ hải sản và cung cấp đều đặn cho vựa nhà chị mỗi ngày khoảng 50 tấn thuỷ hải sản các loại như: sò huyết, con vẹm, con giắt, con nút. Do đó, đời sống của ngư dân trong vùng được ổn định và ngày càng sung túc. Các sản phẩm này chị lại cung cấp cho các vùng nuôi tôm hùm trong nước như Khánh Hoà, Phú Yên.
Ngư dân bến đò Hói Đào khẩn trương chuẩn bị các chuyến hàng đi muôn nơi
Với lợi thế của vùng đất giàu tiềm năng, Nga Sơn là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Năm 2023 đã huy động vốn đầu tư thực hiện ước tính 3.604 tỷ đồng, đạt 180,2% kế hoạch. Các công trình có vốn đầu tư lớn được khởi công thực hiện như: Cải tạo, nâng cấp Đường tỉnh 524, huyện Nga Sơn; Tu bổ, nâng cấp đê hữu sông  Hoạt đoạn từ K27+700 đến K43+100 huyện Nga Sơn; Đường QL10  Km195+919 đến Km 197+968 xã Nga Yên; Đường cứu hộ, cứu nạn đê hữu    sông Hoạt xã Nga Thắng;… Một số công trình đã và dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2023 như: Nhà máy nước sạch xã Nga Thiện, Nhà làm việc Huyện ủy Nga Sơn; Bệnh viện Đa khoa huyện,…Nhiều dự án đầu tư xây dựng quan trọng được triển khai trên địa bàn huyện, trong đó thu hút được dự án Nhà máy sản xuất dụng cụ thể thao Outdoor Gear Việt Nam tại xã Nga Trường, với số vốn 37 triệu USD.
Người dân Nga Sơn thừa hưởng ý chí kiên cường, thông minh, sáng tạo của Mai An Tiêm, cùng với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ, Chính quyền địa phương, kết hợp phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân đã khắc phục mọi khó khăn, khai thác tiềm năng, lợi thế của huyện, quyết tâm đạt được những mục tiêu mới.  Mục tiêu đẩy mạnh thu hút đầu tư; phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch gắn với phát triển đô thị sẽ đưa Nga Sơn phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, là vùng đất an lành, năng động, trù phú của tỉnh Thanh Hoá.
Tuệ Hương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu