Kinh tế biển là động lực phát triển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải

Tạp chí Biển Việt Nam - Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ bao gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của nước ta.
Ngày 03/11/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Ngày 29/12/2022, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 168/NQ-CP về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Quy hoạch vùng, từng bước hiện thực hóa tầm nhìn
Ngày 11/7/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Quyết định này là căn cứ để Chính phủ triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ngày 11/10/2023, tại Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đã tổ chức Hội nghị về Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Với vai trò là thành viên Hội đồng điều phối, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương dự thảo Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc lập Quy hoạch này là bước cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản để tổ chức không gian phát triển, tạo ra các động lực phát triển, khơi thông tiềm năng phát triển của Vùng và từng địa phương.
Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị cho rằng, đây là vùng phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực châu Á với các khu kinh tế ven biển hiện đại, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử, hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc. Từ đó, các thành viên xây dựng dự thảo đã có nhiều đề xuất mới mang tính đột phá trong Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Một góc Cảng biển Nghi Sơn (Ảnh Nguyên Lan).
Dự thảo Quy hoạch đề xuất ưu tiên tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông và logistics kết nối các địa phương trong vùng và liên vùng. Các hệ thống hạ tầng trọng yếu khác cũng cần đầu tư phù hợp như năng lượng, hạ tầng thông tin và chuyển đổi số, giáo dục, đào tạo, y tế, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu… Đặc biệt, cần chú trọng nâng cao hiệu quả vận tải hàng hóa, bằng đường biển và đường sắt, đường bộ với vai trò là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên; giảm chi phí vận tải, góp phần tăng năng suất lao động xã hội, tăng mật độ các hoạt động kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của Vùng.
Dự thảo cũng đề xuất phân chia Vùng thành 3 tiểu vùng, tạo không gian phát triển kinh tế ven biển, chú trọng phát triển có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung phát triển một số khu vực động lực, là cực tăng trưởng gắn với các trung tâm chuyên ngành về kinh tế biển lớn tầm khu vực và quốc tế.
Chú trọng kinh tế biển tạo động lực phát triển Vùng
Với bờ biển dài gần 1.800 km, chiếm tỷ lệ hơn 55% chiều dài bờ biển cả nước, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có nhiều cảng nước sâu, nhiều đảo và cụm đảo như Hoàng Sa, Trường Sa, Cù Lao Chàm, Lý Sơn…; Vùng cũng có nguồn tài nguyên biển vô tận như cát thuỷ tinh ở ven biển; dầu khí ở ngoài khơi và nhiều tiềm năng để phát triển thuỷ, hải sản, năng lượng gió, năng lượng mặt trời,…
Toàn vùng hiện có 9 sân bay và nhiều cảng biển lớn như: Dung Quất, Tiên Sa, Cam Ranh,… ; Vùng có hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, có khu dự trữ sinh quyển quốc gia, nhiều bãi biển đẹp và một số hệ sinh thái điển hình như đầm, phá, vùng cát, san hô…
Đây là những điều kiện thuận lợi để Vùng phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững đồng bộ cả 3 lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; đặc biệt là phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc…
Tuy nhiên trên thực tế, tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là lợi thế về kinh tế biển, chưa được khai thác hợp lý, chưa phát huy có hiệu quả để trở thành nguồn nội lực quan trọng cho phát triển.
Đóng góp ý kiến cho việc triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng toàn vùng cần chú trọng phát triển kinh tế biển từ đó tạo động lực để kinh tế có bước đột phá và tăng trưởng bền vững.
Cảng biển Hải Phòng (Ảnh tư liệu)
Cụ thể, cần phát triển các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá kết hợp với quốc phòng, an ninh. Thúc đẩy phát triển dịch vụ, hình thành các trung tâm logistics gắn với cảng biển, ga đường sắt, cảng hàng không, cửa khẩu. Phát triển các trung tâm du lịch mang tầm cỡ khu vực và quốc tế… gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa của Vùng.
Bên cạnh đó, cần gắn kết phát triển hệ thống đô thị ven biển với phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp để hỗ trợ hiệu quả cho việc phát triển các trung tâm kinh tế biển, tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế và hội nhập quốc tế của các đô thị sinh thái biển hiện đại, thông minh, có khả năng chống chịu thiên tai, biến đổi khí hậu.
Ở khía cạnh thể chế, hạ tầng, nhân lực… chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch cho rằng khoảng thời gian tới 2025 sẽ là thời kỳ tích cực chuẩn bị để giai đoạn 2026-2035 là thời kỳ tăng trưởng của Vùng, thoát bẫy thu nhập trung bình, trở thành vùng phát triển.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện phát triển đồng bộ thì ông Trần Du Lịch đánh giá, yếu tố quan trọng nhất là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động, năng động, sáng tạo của địa phương tạo cơ chế thông thoáng và an toàn nhất để huy động các nguồn lực; các bộ ngành Trung ương tập trung xây dựng quy hoạch, ban hành quy định minh bạch và tăng cường kiểm tra, giám sát. Các địa phương trong vùng cũng cần tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế – xã hội nội vùng và liên vùng.
Đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển vùng, coi đây là một trong những khâu đột phá cho phát triển Vùng. Quan tâm phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, bãi ngang, hải đảo; quản lý và sử dụng có hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn.
Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Chú trọng phát triển kinh tế biển phù hợp với kế hoạch phát triển tổng thể sẽ là động lực để vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ tăng tốc nhanh và bền vững./.
Tiến Mạnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu