- Diễn đàn “Thúc đẩy tiến trình Phát triển Năng lượng xanh, sạch và bền vững tại Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội với mục tiêu thúc đẩy tiến trình phát triển năng lượng xanh chống biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
Theo TS. Mai Duy Thiện. Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam, chuyển dịch năng lượng đang là mục tiêu quan trọng của nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới trước sức ép nhu cầu năng lượng tăng trong khi các nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt.
Năng lượng xanh, năng lượng tái tạo còn là một giải pháp quan trọng nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu. Việc phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược mà Việt Nam không thể đứng ngoài, và đây cũng là một cơ hội để phát triển, tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh, sạch và bền vững.
Nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt để sản xuất điện, nhiệt và cung cấp năng lượng phục vụ lợi ích phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi ngành năng lượng theo tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển.
Tiến tới giảm dần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh.
Chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9 – 39,2% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo 47%. Định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 – 71,5%.
Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204 – 254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27 – 31 triệu tấn vào năm 2050. Hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại việc phát triển năng lượng xanh còn gặp nhiều thách thức khó khăn, cần có những giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh hơn nữa tiến trình phát triển năng lượng xanh, hướng tới phát triển bền vững.
Còn theo Th.s Đỗ Văn Long, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, đưa ra một số đề xuất nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng xanh bền vững hiệu quả, góp phần hướng tới thực hiện cam kết phất đấu phát thải ròng băng “0” đến giữa thập kỷ.
Theo đó cần phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông giữa các phân ngành điện, than, dầu khí và năng lượng tái tạo
Xoá bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định, không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền.
Nhà nước điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường (thuế, phí, các quỹ…) và chính sách an sinh xã hội phù hợp.
Bên cạnh đó cần có chính sách tín dụng linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp năng lượng tiếp cận các nguồn vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp có dự án năng lượng sạch.
Hoàn thiện chính sách thuế khuyến khích sản xuất, sử dụng năng lượng sạch, tái tạo. Đồng thời hoàn thiện cơ chế và thực hiện chính sách về tiêu chuẩn tỉ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu đầu tư và cung cấp năng lượng. Nghiên cứu, xây dựng và ban hành luật về năng lượng tái tạo.
Ngoài ra ban hành những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tư nhân tự chủ phát triển nguồn cung năng lượng sạch, bảo đảm tính hiệu quả, an toàn.
Phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững không chỉ là một giải pháp để ứng phó chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, mà còn là một yếu tố then chốt để phát triển kinh tế xã hội nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe và thể hiện vai trò trách nhiệm của Việt Nam trong cộng đồng Quốc tế.