Câu chuyện về một tỷ phú vùng rừng Quảng Ngãi
Năm 1992, ông đến Thọ An thăm mộ người thân. Ấn tượng trong ông là con đường mòn độc đạo vào bản với hơn trăm hộ dân người Cor sống trong những túp lều, thiếu ăn, thiếu mặc. Trực tiếp chứng kiến cảnh trong đêm gió rét có một phụ nữ đau đẻ, mà đường, điện, phương tiện không có, đàn ông thay nhau khiêng người phụ nữ đi trạm xá. Trong lòng ông vô cùng day dứt. Vốn là giám đốc một doanh nghiệp xây dựng, ông Trường xin chính quyền huyện cho được làm con đường đèo 2,5 km nối thôn với trung tâm xã. Sau đó, ông tiếp tục xin được làm thêm 5 km nối liền 4 thôn với trung tâm và vận động quyên góp xây được một trạm xá cho bà con. Kể từ đó, bà con người Cor coi ông như người thân, mỗi hộ tặng ông một vạt rẫy. Khi Nhà nước chủ trương “phủ xanh đất trống đồi trọc“ và Chương trình 327 ra đời, ông Trường quyết định quay lại Thọ An trồng 200 hecta rừng. Năm 1998, dự án 5 triệu hecta rừng được triển khai trên toàn quốc. Ông được chính quyền giao cho thêm 450 hecta và tạo điều kiện cho vay vốn và hai năm sau nơi đây đã xuất hiện những rừng keo xanh mượt, tạo việc làm cho 300 người dân khu vực 5 huyện Bình Sơn, Sơn Hà, Trà Bồng, Ba Tơ, Tây Trà. Ông Trường nổi danh cả nước là “vua rừng”, là đại biểu duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi được báo cáo tại Hội nghị biểu dương Chủ trang trại và Doanh nghiệp nông thôn điển hình toàn quốc lần thứ nhất.
Trong sự nghiệp “trồng rừng” của ông Trường, không thể không nhắc đến 2 lần bị “bão quật” (theo như cách nói của chính ông Trường). Lần thứ nhất, cơn bão số 9 (bão Ketsana) đổ bộ vào Quảng Nam, Quảng Ngãi tháng 9 năm 2009. Huyện Bình Sơn nằm trong tâm bão. 650 ha rừng hơn 7 năm tuổi của gia đình ông bị quật ngã toàn bộ, ước tính thiệt hại 48 tỷ đồng và “gánh” khoản nợ ngân hàng 18 tỷ đồng. Quyết tâm gây dựng lại, ông dùng uy tín của mình đi vay người thân quen, trồng 200 hecta rừng và mở trang trại chăn nuôi lợn, trùn quế, ba ba, với phương châm lấy ngắn nuôi dài. 10 năm sau, ông cơ bản đã trả hết nợ. Thế nhưng, cuối năm 2019, bão Nakri lại đổ bộ vào Quãng Ngãi. Đàn lợn 3.000 con được cứu, nhưng 200 hecta keo bị thiệt hại hoàn toàn, ông lại “gánh nợ” 14 tỷ đồng. Các con ông khuyên ông lui về an dưỡng tuổi già, nhưng phần vì không muốn “đổ nợ” cho con cái, phần vì thương bà con lao động địa phương không có việc làm, ông Trường quyết định không thể khuất phục trước thiên tai. Ông tiếp tục trồng cau xen kẽ với keo để giảm bớt thiệt hại của bão, đồng thời xây chuồng trại kiên cố. Và trời không phụ lòng người, sau gần 4 năm, ông trả hết nợ.
Vững vàng sau 2 lần bị bão tàn phá, ông Trường đã trở thành tấm gương về nghị lực vươn lên, là chỗ dựa cho đồng bào và là sợi dây kết nối chính quyền với dân bản. Ông là điển hình trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Bình An. Không chỉ làm kinh tế giởi, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều người lao động địa phương, ông còn tích cực làm thiện nguyện. Năm 2002, bản thân ông và gia đình đã hiến 16 ha đất nông nghiệp để Nhà nước xây dựng hồ chứa nước Tuyền Tung, xã Bình An, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Năm 2022, ông đã tiếp tục hiến thêm 8.000 m2 đất nông nghiệp để làm tuyến đường bê tông vào hồ chứa nước này. Tháng 6 năm 2023, ông tự nguyện ủng hộ hơn 200 triệu đồng và hiến 30 m2 đất để cùng chính quyền địa phương và các đơn vị, nhà hảo tâm khác xây dựng 1 cổng chào văn hóa Thôn Thọ An, xã Bình An góp phần thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.
Mô hình trồng rừng và trang trại chăn nuôi của gia đình ông đã giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số trong thôn Thọ An và ở các huyện miền núi trong tỉnh, có giai đoạn lên tới 300 lao động. Hiện nay, ông thu hẹp diện tích trồng rừng còn 200 hecta, thay vào đó ông trồng cau, bưởi da xanh và mở trang trại chăn nuôi lợn, bò, trùn quế, ba ba… với 70 lao động, trong đó 30 lao động thường trực. Ông còn nhiệt tình hướng dẫn, phổ biến kiến thức trồng rừng và chăn nuôi cho bà con trong vùng để phát triển kinh tế gia đình.
Miệt mài lao động, gắn bó, tâm huyết với rừng, ông Phạm Trung Trường đã có nhiều đóng góp, giúp đời sống kinh tế, văn hóa ở thôn, bản ngày càng được nâng cao, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, góp phần đưa xã Bình An, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi về đích nông thôn mới vào cuối năm 2023.