Phát triển du lịch biển, đảo bền vững dưới ánh sáng Đại hội lần thứ XIII của Đảng
Việt Nam có vị thế đặc biệt quan trọng ở Đông Nam Á nhờ có một vùng lãnh thổ trải dài trên ba nghìn km ở rìa tây Biển Đông và một vùng lãnh hải rộng trên một triệu km, gấp ba lần diện tích lãnh thổ. Biển Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, giữ vai trò quan trọng về môi trường, sinh thái trong Biển Đông, là vùng chuyển tiếp đặc biệt giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương về mặt địa lý sinh vật và hàng hải. Nhờ vị trí địa lý quan trọng, Việt Nam có nguồn tài nguyên vị thế biển khá phong phú, đa dạng, bao gồm các hệ thống thủy hệ hoặc địa hệ với cả ba phần nền đất (hoặc đáy), nước và không khí, nằm trong phạm vi chủ quyền quốc gia, bao gồm các vùng bờ, các đảo và quần đảo, các thủy vực ven bờ (vũng vịnh, cửa sông, đầm phá) và các vùng nước ngoài khơi v.v. Chúng được phân định thành ba cấp: Cấp 1 – biển Việt Nam; Cấp 2 – các vùng biển Việt Nam theo các đới vĩ tuyến hoặc các đới xa bờ; Cấp 3 – các thủy hệ, địa hệ thuộc các vùng biển.
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay, nhất là sự phát triển của nền kinh tế thị trường dựa trên nền tảng của lĩnh vực dịch vụ đòi hỏi phải phát huy được tiềm năng to lớn của tài nguyên vị thế biển nói chung, phát triển du lịch biển đảo nói riêng. Trong cơ cấu ngành nghề kinh tế hiện nay, du lịch trở thành một ngành kinh tế tổng hợp, ngày càng có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Phát triển du lịch sẽ góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu ngân sách quốc gia, thu hút vốn đầu tư và xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, tác động tích cực đối với phát triển các ngành kinh tế có liên quan. Phát triển du lịch nói chung, du lịch biển, đảo nói riêng ngày càng trở thành một xu hướng và động lực mới, với nhiều tiềm năng đối với những quốc gia có lợi thế từ biển. Thực tế cho thấy, với lượng khách đến tăng nhiều trong những năm qua và luôn chiếm khoảng hơn 70% tổng khách du lịch cả nước, du lịch biển, đảo hiện đang là loại hình du lịch chủ đạo, góp phần quan trọng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.
Trong những năm qua, mặc dù có tiềm năng lớn nhưng du lịch biển, đảo ở Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển, chưa tạo được sức cạnh tranh cao. Với mục tiêu phát triển du lịch biển, đảo trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, cần sớm khắc phục được các mặt hạn chế, nhanh chóng phát triển du lịch biển, đảo theo hướng chuyên nghiệp, trở thành điểm đến hấp dẫn cho mọi du khách. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Tăng cường liên kết vùng, tiếp tục hình thành, phát triển hệ thống đô thị ven biển, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế”(1). “Phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển và du lịch văn hoá lễ hội, dịch vụ và kinh tế biển, đảo. Phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Chủ động thích ứng, thực hiện hiệu quả các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; giải quyết vấn đề xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển”(2). Đồng thời, “Thực hiện tốt Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tài nguyên, môi trường biển;… Tổ chức tốt việc xây dựng và quản lý thống nhất quy hoạch không gian biển quốc gia, hoàn thiện thể chế quản lý tổng hợp và chuyên ngành về biển, đảo. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đảy mạnh phát triển và nâng cao hiệu quả các ngành kinh tế biển, các khu kinh tế, khu công nghiệp và đô thị ven biển”(3).
Theo đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển nói chung, du lịch biển, đảo nói riêng bền vững cần thực hiện đồng hệ thống giải pháp sau: Một là, phải thấm nhuần quan điểm phát triển bền vững, kiên quyết bác bỏ quan điểm ngắn hạn trong khai thác tài nguyên biển phục du lịch. Hai là, phát huy tối đa nguồn nhân lực du lịch, chú trọng việc đào tạo, chuyển giao kiến thức, kỹ năng về du lịch, nâng cao nhận thức về du lịch cho mọi đối tượng. Ba là, cần quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ du lịch, chú trọng những điều kiện về kỹ thuật, vệ sinh, an toàn tại các bến cảng. Bốn là, phát huy yếu tố văn hóa của từng địa phương, chú trọng phát huy văn hóa biển, ẩm thực biển trong phát triển du lịch biển, tạo dấu ấn riêng và thu hút du khách quay trở lại nhiều lần. Năm là, có chính sách khuyến khích hỗ trợ về giá, thuế cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển sảm phầm du lịch biển, đảo. Sáu là, hiện đại hoá khoa học công nghệ trong khai thác, phát triển du lịch biển, đảo. Đại hội XIII xác định rõ việc cần thiết phải dựa trên nền tảng tiến bộ khoa học công nghệ để tổ chức tốt việc xây dựng và quản lý thống nhất quy hoạch không gian biển quốc gia, hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và chuyên ngành về biển đảo. Đẩy mạnh phát triển và nâng cao hiệu quả các ngành kinh tế biển. Phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp và các đô thị ven biển. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển, nhất là nhân lực chất lượng cao. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, điều tra tài nguyên, môi trường biển. Xây dựng cơ sở dữ liệu số về biển đảo, nâng cao năng lực giám sát môi trường biển, dự báo thiên tai, biến đổi khí hậu vùng biển, ven biển.
Tóm lại, Đại hội XIII của Đảng không những chỉ rõ về cách thức, bước đi, mục tiêu yêu cầu trong quá trình đẩy mạnh phát triển kinh tế biển nói chung, du lịch biển, đảo nói riêng, mà còn chỉ rõ nội hàm của quá trình đó. Đẩy mạnh phát triển bền vững du lịch biển, đảo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chính là tiếp tục khai thác triệt để lợi thế về vị trí địa lý của đất nước với bờ biển dài lại nằm án ngữ trên các tuyến hàng hải và hàng không huyết mạch thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa Châu Âu, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực; đồng thời để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng giao lưu kinh tế với các nước trên thế giới, đặc biệt là với các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, khu vực phát triển kinh tế năng động và có một số trung tâm kinh tế của thế giới.
Tài liệu tham khảo:
(1), (3). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQG Sự thật, H. 2021, tr.254; tr.125-126.
(2). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb CTQG Sự thật, H. 2021, tr.119.