Năm 2022 Bình Thuận làm tốt công tác tuyên truyền, hỗ trợ giúp ngư dân vươn khơi, bám biển
Bình Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ với diện tích tự nhiên 7.942,6km2, dân số khoảng gần 1,3 triệu người, có bờ biển dài 192km với nhiều bãi tắm và khu vui chơi, giải trí, thể thao trên biển phục vụ hoạt động dịch vụ thu hút lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế; diện tích vùng lãnh hải rộng 52.000km2, có tuyến hàng hải nội địa và quốc tế đi qua, là một trong ba ngư trường trọng điểm của cả nước. Có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, huyện đảo Phú Quý cách trung tâm thành phố Phan Thiết 56 hải lý về hướng Đông Nam, có vị trí chiến lược về kinh tế biển, quốc phòng-an ninh và Hòn Hải (thuộc đảo Phú Quý) có cột mốc A6 thuộc đường cơ sở của Việt Nam; trên vùng biển của tỉnh có mỏ dầu khí đang khai thác. Đây là những tiềm năng, lợi thế rất thuận lợi để phát triển kinh tế biển, nhất là du lịch, năng lượng tái tạo, phát triển nuôi trồng, đánh bắt và chế biến hải sản…gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật: Xác định biển, đảo của tỉnh giữ vị trí chiến lược trong xây dựng, củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế. Những năm qua, Ban Chỉ đạo về Biển Đông – Hải đảo (BCĐ) tỉnh đã tham mưu Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương thường xuyên tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật có liên quan đến biển, đảo như: Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, các Hiệp định phân định ranh giới trên biển giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, tình hình tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài và các hình thức xử lý, xử phạt của một số quốc gia trong khu vực; Luật biển Việt Nam năm 2012; Luật Thủy sản năm 2017…
Tổ chức quán triệt, học tập về tình hình biển Đông, phát động trong toàn thể công chức và người lao động tham gia hưởng ứng tích cực các phong trào, các sự kiện có ý nghĩa thiết thực, tác động trực tiếp tới nhận thức chung của cộng đồng như: Ngày môi trường thế giới, Kỷ niệm ngày Đại dương Thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam. Sở NN&PTNT chủ trì tham mưu triển khai Kế hoạch công tác phối hợp thực hiện Chương trình “Hải quân Việt nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp với Tổng công ty dầu khí tổ chức tuyên truyền bảo đảm an ninh, an toàn các công trình dầu khí trên biển, phổ biến cho ngư dân các quy định của pháp luật về bảo vệ an ninh, an toàn dầu khí, hình thức xử lý và các hành vi vi phạm…, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên biển, bảo vệ tài nguyên – môi trường biển trong xu thế hội nhập hiện nay.
Hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân vươn khơi bám biển; phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu và bảo vệ môi trường biển, đảo: BCĐ 48&67 của tỉnh đã chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chính sách theo QĐ số 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, toàn tỉnh có 1.323 tàu cá đăng ký tham gia hoạt động trên các vùng biển xa. Riêng năm 2022, UBND tỉnh đã duyệt 75 tàu cá. Quá trình triển khai đã phối hợp giữa các đơn vị chức năng của tỉnh với các đơn vị Hải quân trên các đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân và xác nhận điều kiện, thủ tục hồ sơ liên quan cho ngư dân để tham gia, hưởng chính sách của Nhà nước đúng quy định. Năm 2021 đã hỗ trợ chi phí nhiên liệu 205,2 tỷ đồng/2.666 chuyến biển; hỗ trợ bảo hiểm thân tàu 5,14 tỷ đồng/618 tàu cá; hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên 1,08 tỷ đồng/4.290 lao động; hỗ trợ chi phí mua máy thông tin liên lạc VX1700 với số tiền 2,5 tỷ đồng/91 máy. Đối với năm 2022 đã xét duyệt đợt 1 chuẩn bị trình hỗ trợ cho ngư dân với số tiền 78,7 tỷ đồng. Nhờ thực hiện tốt các chính sách đã kịp thời góp phần động viên, khuyến khích ngư dân yên tâm, mạnh dạn vươn ra các vùng biển xa để khai thác hải sản, nâng cao thu nhập, góp phần chung tay bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vủng biển, đảo của Tổ quốc. Bên cạnh đó chú trọng xây dựng chiến lược quản lý tổng hợp vùng ven bờ tỉnh Bình Thuận, chiến lược bảo vệ môi trường vùng biển của tỉnh; dự án xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường vùng bờ của tỉnh. Thường xuyên và sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có sự cố tràn dầu xẩy ra, được ỦY ban Tìm kiếm cứu nạn Quốc gia phê duyệt Kế hoạch Ứng phó sự cố tràn dầu của tỉnh…Chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra các hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là khoáng sản titan và cát xây dựng, nhằm hạn chế vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường; giữ gìn an ninh, trật tự. Thành lập 35 tiểu đội dân quân biển/35 xã, phường, thị trấn ven biển, ký kết Kế hoạch hiệp đồng với các lực lượng chức năng trên biển như Vùng 4 Hải quân, vùng Cảnh sát biển 3, Hải đoàn 18/BĐBP… trong bảo vệ vùng biển; xây dựng Trạm Tìm kiếm cứu nạn đảo Phú Quý. Tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý chắc địa bàn các vùng ven biển, đảo; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào hoạt động trên biển. Tích cực chỉ đạo thực hiện tốt công tác ngoại giao nhân dân, xây dựng vùng biển hòa bình ổn định; làm tốt công tác thông tin, nắm tình hình của các loại tội phạm. Tổ chức kiểm soát lưu động thường xuyên trên biển, tập trung kiểm tra các đối tượng là tàu nước ngoài, tàu vận tải biển trong nước; kiểm tra, kiểm soát tàu vận tải nội địa tuyến Phan Thiết – Phú Quý và tàu cá ra vào hành nghề khai thác hải sản trên vùng biển của tỉnh. Các lực lượng chức năng của tỉnh đã chủ động phối hợp, tích cực trong công tác bảo vệ an ninh chủ quyền trên biển, đã kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý các trường hợp tàu thuyền nước ngoài vi phạm biên giới biển của tỉnh. Nhờ vậy ngư dân Bình Thuận an tâm vươn khơi, bám biển góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên biển, bảo vệ tài nguyên – môi trường biển trong xu thế hội nhập hiện nay.