Quảng Ninh: Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics
Sáng 4/3, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội nghị phát triển dịch vụ logistics tỉnh Quảng Ninh với sự tham dự của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp để thảo luận các giải pháp phát triển ngành dịch vụ logistics.
Với vai trò là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế, logistics giúp hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của cả tỉnh, của vùng và trên cả nước, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư logistics đi đôi với đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đã có chuyển biến rất tốt về đường bộ, hàng không, nhưng cảng biển hiện nay vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, chưa có những trung tâm logistics xứng tầm để phục vụ các hoạt động thương mại ở khu vực biên giới.
Theo thống kê, đến nay có 738/17.300 doanh nghiệp của tỉnh tham gia vào hoạt động dịch vụ logistics, trọng điểm là hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đường bộ và 23 đại lý tàu biển, 10 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ lai dắt và hỗ trợ kéo tàu biển. Doanh thu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ vận tải, kho bãi năm 2022 toàn tỉnh đạt trên 37.500 tỷ đồng.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá Quảng Ninh hội tụ đủ yếu tố cần thiết để trở thành một trong những đầu mối logistics quan trọng, trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa đa phương thức kết nối Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với cả nước, khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, logistics Quảng Ninh hiện chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mình, cần có những giải pháp mạnh mẽ, đột phá hơn để thúc đẩy ngành dịch vụ quan trọng này phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, Quảng Ninh cần hoạch định phát triển dịch vụ logistics bảo đảm phù hợp với các định hướng đã đặt ra trong nghị quyết 163 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics Việt Nam và quyết định 80 của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, ưu tiên bố trí ngân sách để làm “vốn mồi” dẫn dắt, thu hút tập đoàn, doanh nghiệp có uy tín, năng lực, kinh nghiệm vào đầu tư, phát triển các hạ tầng logistics quy mô lớn, tích hợp nhiều dịch vụ, có vai trò trung chuyển hàng hóa đa phương thức và có khả năng kết nối hiệu quả với các hệ thống đường cao tốc, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu, hành lang kinh tế nhằm nâng cao tính kết nối giữa Quảng Ninh với các địa phương trong vùng và với các vùng kinh tế trong nước, khu vực, tạo luồng lưu chuyển hàng hóa thông thoáng, thuận lợi, thúc đẩy giao thương nội vùng, liên vùng và quốc tế.
Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Trên cơ sở định hướng phát triển dịch vụ logistics, tỉnh Quảng Ninh sẽ triển khai xây dựng 7 nhóm giải pháp. Trong đó, sẽ xây dựng cơ chế, chính sách với tư duy mở, cơ chế vượt trội, có ý nghĩa tạo đột phá cho phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tốc độ hoàn thành hạ tầng giao thông liên kết; chủ động bổ sung và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nói chung, dịch vụ logistics nói riêng; tận dụng tối đa cơ hội phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trọng tâm là KKT ven biển Quảng Yên, KKT Vân Đồn, KKT cửa khẩu Móng Cái.
Hội nghị đã đón nhận 10 ý kiến phát biểu của đại biểu là những chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp về phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, với những giải pháp hết sức cụ thể, thiết thực gắn với tiềm năng, lợi thế của tỉnh Quảng Ninh.