40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022):
Gieo chữ nơi đảo tiền tiêu: Vượt sóng xóa mù ở cực Tây Nam
Xã đảo Thổ Châu thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Đảo cách Phú Quốc tầm hơn 100km, cách TP.Rạch Giá tầm gần 200km. Từ đất liền đi Phú Quốc thuận lợi hơn nhiều so với đến Thổ Châu.
Chỉ có đường biển và tàu dịch vụ. Gặp lúc biển động hoặc tàu nghỉ bảo dưỡng thì còn cách quá giang tàu đánh cá vài ngày để vào Phú Quốc. Thế nên, ngay cả cán bộ địa phương đôi lúc còn e ngại với chuyện đi lại. Đi đã khó, về càng khó hơn.
Lịch sử dân cư ở Thổ Châu được bắt đầu từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước khi có vài hộ dân tiên phong ra sinh sống theo chủ trương của tỉnh Kiên Giang. Dần dà, thêm nhiều hộ dân ra theo, hình thành chòm xóm.
Xã đảo Thổ Châu có diện tích lớn nhưng vì địa lý xa xôi, di chuyển cách trở nên làm hạn chế sự phát triển kinh tế – xã hội; nhất là lĩnh vực giáo dục.
Hiệu trưởng 4 cấp học
Ở đảo chỉ có Trường TH – THCS Thổ Châu, ngôi trường thực hiện theo mô hình “3 trong 1”. Hiệu trưởng Phạm Văn Tiệp, một trong những giáo viên kỳ cựu tại đảo và là hiệu trưởng của 3 cấp học, gồm: mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Thậm chí có thời điểm lên 4 cấp học khi trường tổ chức lớp “nhô” bổ túc trung học phổ thông cho những người đã học hết lớp 9 hay kể cả xóa mù cho dân tại đảo.
Học sinh lớp “nhô” thuộc nhiều độ tuổi khác nhau, có người đã U40. Buổi ngày bà con đi làm ăn, tối đến cơm nước xong xuôi lại cắp sách vở đi học. Nhiều người vì nghỉ học lâu quá rồi nên quên hết kiến thức cũ. Những giáo viên không đúng ngạch đứng lớp như thầy Tiệp cũng có nhiều cái khó về kiến thức chuyên môn, phải mày mò ôn lại, sáng tạo giáo án sao cho phù hợp; đồng thời phải trao đổi với giáo viên cấp 3 ở Phú Quốc để học hỏi.
Ngày “thầy” học, tối dạy lại cho “trò”. Thế mà cũng xong. Thầy giáo Tiệp cho biết, giờ không còn cảnh lớp “nhô” ấy nữa rồi. Đó là một thành công lớn trong công cuộc giáo dục, văn hóa tại đảo.
Ngược thời gian về trước, thầy giáo Tiệp nguyên là chiến sĩ thuộc Vùng 5 Hải quân, xuất ngũ xong thì đi học sư phạm. Học xong anh đi dạy học ở Phú Quốc. Sau đó, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Phú Quốc gọi đến động viên ra Thổ Châu công tác, trông coi trường lớp vì lý do: anh từng là lính hải quân, có nhiều kinh nghiệm sóng gió, can trường.
Nghe lời, thầy giáo Tiệp khăn gói lên đường. Đến nay, đã gần 12 năm gắn bó với đảo.
Trong muôn vàn cái khó khăn thời điểm ấy, thì việc thiếu giáo viên rất nan giải. Để vá lấp trước mắt, anh Tiệp bèn nghĩ kế vận động vợ của một số bộ đội đóng quân trên đảo đi học sư phạm, rồi trở về đảo dạy. Thế mà một công đôi việc, vừa bù lấp giáo viên, vừa tạo hậu phương ổn định cho bộ đội.
Trường TH - THCS Thổ Châu đề cao việc dạy và học của cán bộ, giáo viên và học sinh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo.
Đồng hành cùng học sinh đến trường
Sau nhiều năm xây dựng, đến nay, cơ sở hạ tầng ở xã đảo Thổ Châu nói chung và trường lớp học nói riêng đã khang trang hơn. Tuy nhiên, so với đất liền hay Phú Quốc kề cận thì vẫn còn một khoảng cách lớn, một thứ gì đó vời vợi.
Mà điện sáng và nước sạch là 2 thứ cốt yếu nhất tại đảo. Điện phát theo giờ. Thiếu điện đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dạy học của thầy trò Thổ Châu.
Nhưng không vì thế mà tập thể sư phạm 30 người của nhà trường bỏ cuộc. Ngược lại, họ đang tiếp tục gầy dựng, lèo lái con thuyền giáo dục nơi này vượt lên sóng gió.
Hiệu trưởng Tiệp cho hay, dù khó khăn như thế nhưng trong hội đồng sư phạm nhà trường đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng. Như cô giáo Phạm Thị Kim Tiên, từ năm học 2016 – 2017 đến nay đã có 5 sáng kiến giải pháp tác nghiệp được công nhận. Cô được nhiều cấp, ngành khen tặng như: Chiến sĩ thi đua cơ sở, gương mặt trẻ tiêu biểu huyện Phú Quốc năm 2019, bằng khen của UBND tỉnh Kiên Giang vì đã có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ từ năm học 2019-2020 đến năm học 2020-2021, giấy khen của UBND TP.Phú Quốc vì đã có thành tích trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…
Những nhân tố như thầy giáo Tiệp, cô Tiên… đã góp phần khích lệ, tạo động lực cho hơn 300 học sinh mầm non, tiểu học và THCS đang theo học dưới mái trường.
Trong năm học 2022 – 2023, nhà trường tiếp tục thực hiện nhiều mục tiêu, như đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp của ngành nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 16/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo chủ đề.
Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Nhà trường đề cao việc dạy và học của cán bộ, giáo viên và học sinh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Chú trọng công tác giáo dục đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống cho học sinh; nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến cán bộ giáo viên và học sinh; đặc biệt chú ý tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Việt Nam thông qua các buổi họp chào cờ và các hình thức khác. Đảm bảo an ninh, trật tự trường học, phòng chống tội phạm, bạo lực, tệ nạn xã hội trong học sinh.
Điều đáng chú ý nữa đó là tỷ lệ học sinh yếu, bỏ học cuối năm học 2021-2022 còn cao, nên năm học này, trường quyết tâm tăng cường tuyên truyền đối với phụ huynh và học sinh về tương lai phát triển; phối hợp với các tổ chức đoàn thể vận động học sinh có nguy cơ bỏ học đi học lại nhằm giảm tỷ lệ học sinh yếu kém và học sinh bỏ học, tăng tỷ lệ học sinh khá, giỏi. Duy trì và củng cố kết quả phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và THCS. (còn tiếp)