Kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2022):

Hải quân trong lòng dân

Tạp chí Biển Việt Nam - Thật khó để quên những hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam vật lộn với mưa bão, sóng gió để cứu hộ tàu thuyền ngư dân bị nạn hay hướng dẫn bà con neo đậu tránh trú an toàn. Sự quả cảm ấy của người lính biển chính là điểm tựa vững chắc trong lòng Nhân dân.
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và thủ trưởng BTL Vùng 4 Hải quân tặng hoa, quà cho đoàn công tác và các tàu lên đường hiện nhiệm vụ thăm, chúc Tết quân và dân huyện đảo Trường Sa.

Yên tâm vươn khơi bám biển

Những ngày về cuối năm, tiết trời dần sang xuân. Đâu đó, mai đào đã nở. Như một thông điệp của mùa tươi vui và ấm no.

Và thế để thấy rằng, đã qua rồi mùa mưa bão thiên tai. Một mùa mưa bão không có những thiệt hại lớn, những sự cố lớn là may mắn, hạnh phúc vô bờ bến! Để tránh được, ngoài yếu tố thiên nhiên thì sự chủ động đề phòng của cả hệ thống chính trị và toàn dân đóng một vai trò không nhỏ.

Trong đó, bộ đội Hải quân như những cánh chim báo bão, dìu dắt, che chở ngư dân vượt qua sóng gió, bão bùng.

Nhớ lại những ngày cuối tháng 9, tin bão số 4 diễn biến phức tạp đổ về dồn dập. Khắp nơi cấp tập các phương án phòng chống, nhất là từ những mảnh đất hướng biển – nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc.

Tại quần đảo Trường Sa, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và Lữ đoàn 146, cán bộ, chiến sĩ các đảo tích cực triển khai kế hoạch phòng, chống bão với phương châm “4 tại chỗ”.

Theo đó, cán bộ, chiến sĩ trên các đảo đã khẩn trương cắt tỉa cành cây, chằng buộc mái nhà, kho tàng, hệ thống pin, đèn năng lượng sạch; triển khai các phương án phòng, chống ngập úng, triều cường, di dời Nhân dân và các lực lượng về các khu vực nhà kiên cố, tổ chức luyện tập phương án cứu hộ, cứu nạn ngư dân trên biển.

Tin từ Trường Sa báo về: “Đến 17 giờ ngày 26/9, cán bộ, chiến sĩ các đảo Sinh Tồn, Đá Tây, Trường Sa đã hướng dẫn cho 47 tàu cá của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa với hơn 1.000 ngư dân vào âu tàu tránh trú bão an toàn. Các đảo thường xuyên cập nhật và cung cấp thông tin về diễn biến của bão, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị y tế sẵn sàng đón ngư dân lên đảo khi có thời tiết xấu”.

Bộ đội hướng dẫn, sắp xếp tàu cá vào nơi neo đậu trong âu tàu Sinh Tồn.

Đón những dòng tin này, những người ở đất liền như chúng tôi cảm thấy yên tâm. Bởi giữa trùng khơi đón bão, những con tàu đánh bắt nhỏ bé của ngư dân đã có chỗ tránh trú vững chải. Hơn thế, sự chuẩn bị hậu cần chu đáo từ những người lính Hải quân trở thành phên dậu cho bà con.

Hình ảnh người lính Hải quân ở Trường Sa cầm loa kêu gọi tàu thuyền, hướng dẫn neo đậu trong mưa gió như tạc thành những bức tranh can trường qua nét cọ của họa sĩ tài ba.

Bão tan, cán bộ, chiến sĩ đảo đã gặp gỡ động viên, tặng quà và cờ Tổ quốc cho các ngư dân đang tránh, trú trong các âu tàu trước khi các tàu cá rời đảo tiếp tục vươn khơi đánh bắt hải sản ở ngư trường Trường Sa.

Tiếp xúc với nhiều ngư dân đánh bắt xa bờ, hầu hết bà con đều bày tỏ tình cảm quý mến, trân trọng và khâm phục đối với Hải quân. “Yên tâm, tin tưởng, tự hào…”, là những từ mà ngư dân dành cho lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam.

Cũng phải thôi, bởi lực lượng Hải quân luôn hiển diện, che chở, bảo vệ ngư dân kịp thời và chính xác. Khó có thể kể hết những trường hợp cứu hộ, cứu nạn được lực lượng Hải quân thực hiện thành công.

“Không ít vụ tàu thuyền của ngư dân Quảng Bình gặp nạn trên biển đã được lực lượng Hải quân cứu hộ. Nhiều con tàu đánh cá, nhiều sinh mạng ngư dân như được sinh ra thêm lần nữa”, là lời chia sẻ tận đáy lòng của ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản – Sở NN&PTNT Quảng Bình.

Trực thăng đưa ngư dân bị nạn về đất liền chữa trị.

Trong cứu hộ giữa biển khơi thì tính kịp thời được đặt lên hàng đầu. Nên khi nhận tin, nhận lệnh điều động, lập tức các phương tiện Hải quân cơ động đến vị trí tàu thuyền ngư dân bị nạn để tiếp cận cứu nạn; bất cứ tình huống nào.

Có những trường hợp, trực thăng sẵn sàng xuất hiện để đưa người về đất liền chữa trị. Ví như ngày 2/10, trực thăng EC 225 cùng đoàn công tác đã đưa bệnh nhân Trịnh Tăng Tiến (quê phường Đông Hải, TP.Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận) từ đảo Trường Sa về Bệnh viện 175 điều trị. Trước đó, ngư dân Tiến bị ngã đập mạnh người vào dây túi kéo cá của tàu khi đang khai thác hải sản trên biển.

Sau đó ít ngày, Bệnh xá đảo Sinh Tồn cũng đã cấp cứu ngư dân Võ Văn Sỹ (quê xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị đột quỵ não khi đang khai thác hải sản trên biển.

Mệnh lệnh của trái tim người lính Hải quân

Tôi nhớ, trong hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”, giai đoạn 2019 – 2022, được tổ chức ngày 23/9 tại Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân thì Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Hải quân đã nói rất tâm huyết:

“Với phương châm lo cho dân như người thân của mình, giúp đỡ ngư dân là mệnh lệnh của trái tim, cán bộ, chiến sĩ Hải quân luôn sẵn sàng có mặt ở mọi lúc, mọi nơi, trên khắp các vùng biển cả nước để hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân. Bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, Hải quân nhân dân Việt Nam đã và đang thực sự là địa chỉ tin cậy, là chỗ dựa, điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển, khai thác thủy hải sản”.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn đã tặng quà và cờ Tổ quốc cho các ngư dân khi vào tránh, trú bão số 4.

Những thông tin, con số được báo cáo tại hội nghị này là minh chứng rõ nhất cho lời nói ấy. Theo đó, trong 3 năm qua, Bộ Tư lệnh Hải quân đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức 567 đợt hoạt động, điều động 365 lượt tàu, 16 lượt chiếc máy bay, 58 lượt xuồng, 50 lượt xe ô tô cùng 12.538 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Kịp thời cứu kéo 340 lượt tàu mắc cạn, hỏng máy trôi dạt trên biển; chữa và cứu vớt được 1.244 người bị bệnh, bị nạn trên các vùng biển, đảo. Giúp ngư dân sửa chữa, khắc phục sự cố tàu thuyền trên biển được 1.415 ngày công.

Bộ Tư lệnh đã chỉ đạo các trung tâm dịch vụ hậu cần, kỹ thuật nghề cá trên biển, các âu tàu, làng chài trên quần đảo Trường Sa và cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên các đảo, nhà giàn DK1 thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân, kể cả ngư dân nước ngoài. Từ năm 2019 đến nay, các đơn vị đã hỗ trợ ngư dân 25.240 m3 nước ngọt, 272 tấn lương thực, thực phẩm với tổng giá trị hơn 4,5 tỷ đồng. Cung cấp các dịch vụ thu mua hải sản, bán nhiên liệu bằng với giá trong đất liền. Hướng dẫn, sắp xếp cho các tàu cá vào bổ sung lượng dự trữ nhiên liệu, lương thực thực phẩm, tránh trú bão, khắc phục sự cố tàu thuyền, khám chữa bệnh… đạt hiệu quả tốt.

Ngoài ra, lực lượng Hải quân còn phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp huấn luyện bồi dưỡng kiến thức cơ bản các chuyên ngành hàng hải (như máy tàu, điện tàu, thông tin, ra đa, sơ cấp cứu một số bệnh thông thường), với tổng thời gian 1.200 giờ, cho 5.600 lượt ngư dân…

Mang Tết ở đất liền ra Trường Sa.

Vĩ thanh

Khi tôi viết những dòng này, cũng là lúc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức lễ tiễn đoàn công tác đi thăm, chúc Tết quân và dân huyện đảo Trường Sa nhân dịp xuân Quý Mão 2023. Đoàn đi trên 2 tàu thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, 2 tàu thuộc Chi đội Kiểm ngư số 4.

Ngoài những nguyên liệu dành cho ngày Tết như lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn… để gói bánh chưng bánh tét, hải trình lần này còn mang theo những vật dụng để trang trí đón xuân như đèn nháy, dây xúc xích, quất, đào, mai… và nhiều đồ dùng sinh hoạt khác.

Thêm một cái Tết mới, như thắp thêm một ngọn lửa sưởi ấm tình quân dân nơi đảo xa, giữa biển trời thiêng liêng. Để từ đó phát huy vai trò của ngư dân tham gia xây dựng thế trận Nhân dân trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Cao Lãng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu