HĐND tỉnh Quảng Bình họp kỳ cuối năm: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, thảo luận dân chủ
Ông Trần Hải Châu, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các Phó chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp.
Tham dự phiên khai mạc có ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ VN tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.
Với quyết tâm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh, tại kỳ họp này, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Bình thực hiện chủ trương giảm bớt số lượng, thời lượng trình bày các báo cáo, tờ trình; tập trung nhiều hơn thời gian cho phiên họp thảo luận, chất vấn.
Vì vậy, để kỳ họp diễn ra đảm bảo nội dung và chất lượng, ông Trần Hải Châu, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, thảo luận dân chủ, tập trung trọng tâm vào các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra của năm 2023; quyết định các vấn đề đúng quy định, phù hợp với thực tiễn, yêu cầu phát triển của địa phương.
Do đó, yêu cầu đặt ra với HĐND tỉnh tại kỳ họp này là phải thẳng thắn đánh giá khách quan và toàn diện những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong quá trình chỉ đạo, điều hành, đặc biệt, phân tích, làm rõ các nguyên nhân chủ quan, từ đó đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bứt phá quyết liệt hơn trong năm 2023.
Phát biểu khai mạc, ông Trần Hải Châu, cho hay, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Quảng Bình sẽ tập trung thực hiện một số nội dung quan trọng sau:
Thứ nhất, đánh giá toàn diện tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; xem xét, quyết định các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 với yêu cầu tăng trưởng cao hơn so với các năm trước.
Thứ hai, phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách năm 2021, quyết định dự toán thu, chi ngân sách nhà nước tỉnh năm 2023; kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách tỉnh quản lý năm 2023; phân bổ chi tiết các nguồn vốn; quy định nội dung, định mức chi từ nguồn vốn sự nghiệp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đến năm 2025.
HĐND tỉnh sẽ xem xét, thông qua đồ án quy hoạch chung điều chỉnh xây dựng thành phố Đồng Hới và vùng phụ cận đến năm 2045; quyết định biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính và phê duyệt tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh năm 2023; quy định không thu học phí học kỳ 2, năm học 2022 – 2023; điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Ngoài ra, HĐND tỉnh sẽ xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, đối ngoại.
Thứ ba, xem xét, đánh giá kết quả công tác năm 2022 của HĐND tỉnh và các cơ quan của HĐND tỉnh, UBND tỉnh, TAND tỉnh, Viện KSND tỉnh; báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh về tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 – 2020.
HĐND tỉnh sẽ nghe báo cáo của Thường trực Ủy ban MTTQ VN tỉnh về tham gia xây dựng chính quyền và thông tin về kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 15.
Nghe và thảo luận báo cáo thẩm tra của các ban HĐND tỉnh về các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết; báo cáo của các sở, ban, ngành và các địa phương trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri và các báo cáo khác được trình bày tại kỳ họp.
Thứ tư, HĐND tỉnh sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, nghe đại diện lãnh đạo UBND tỉnh và các ngành hữu quan trả lời chất vấn việc thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh và những vấn đề mà cử tri quan tâm; đồng thời, thảo luận, thông qua 26 nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong thời gian tới và quyết định một số nội dung khác theo quy định của pháp luật.
Đạt nhiều kết quả về kinh tế – xã hội
Năm 2022 là năm thứ 2 Quảng Bình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025. Theo đánh giá, tỉnh Quảng Bình thực hiện nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong điều kiện tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; giá nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào biến động mạnh, áp lực lạm phát gia tăng; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, việc làm và đời sống của Nhân dân.
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn và thách thức, song với tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ và Nhân dân toàn tỉnh đã thực hiện thắng lợi khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,96%. Có 18/21 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng thu ngân sách đạt hơn 8.000 tỷ đồng, tăng 34% so với kế hoạch. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12%, sản xuất nông nghiệp tăng 2,48%, dịch vụ tăng 9,34%. Cả 3 khu vực của nền kinh tế đều có mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ.
Ngành du lịch phục hồi nhanh, đã đón hơn 2 triệu lượt du khách đến địa bàn; doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 5 lần so cùng kỳ. Quảng Bình tiếp tục là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn, được truyền thông quốc tế đánh giá cao…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ năm 2022 còn một số tồn tại và hạn chế, đó là: có 3/21 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra; cơ cấu nguồn thu ngân sách thiếu bền vững; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt thấp; giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước thấp dưới mức trung bình chung; giải phóng mặt bằng còn gặp khó khăn; một số dự án trọng điểm không đạt tiến độ đề ra; nợ đọng thuế còn lớn.
Những khó khăn trong lĩnh vực giáo dục, y tế chậm được giải quyết; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Cải cách hành chính chuyển biến chậm; một số chỉ số chưa được cải thiện. Năng lực tham mưu, điều hành của một số sở, ban, ngành, địa phương còn hạn chế.
Theo chương trình đề ra, kỳ họp diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 8 – 10/12/2022.