Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Khoa Lịch sử Đảng kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba
Phát biểu diễn văn tại lễ kỷ niệm, TS Vũ Ngọc Lương, Trưởng khoa Lịch sử Đảng, cho biết, thực hiện chủ trương của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960), đáp ứng yêu cầu đào tạo và bồi dưỡng cán bộ làm công tác tuyên giáo trong tình hình mới, ngày 16/1/1962, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 36-NQ/TW quyết định thống nhất Trường Nguyễn Ái Quốc phân hiệu II và Trường Tuyên giáo thành “Trường Tuyên giáo Trung ương”, nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Nghị quyết nêu rõ: “Trường Tuyên giáo Trung ương là một đơn vị thuộc hệ thống trường Đảng, có nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng cán bộ tuyên huấn ở trung ương và địa phương, từ trình độ sơ cấp trở lên, về lý luận và nghiệp vụ. Trung ương Đảng giao cho Ban Tuyên giáo Trung ương phụ trách trường”.
Khi thành lập, trường có 5 khoa: Triết học, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng và Kinh tế cơ bản.
Với Nghị quyết này, ngày 16/1 đã trở thành ngày truyền thống của Học viện Báo chí và Tuyên truyền; đồng thời cũng là ngày truyền thống của Khoa Lịch sử Đảng.
Khoa Lịch sử Đảng có nguồn gốc từ hai Khoa Lịch sử Đảng của hai trường: Trường Tuyên huấn Trung ương và Trường Nguyễn Ái Quốc V. Trước khi có sự hợp nhất vào năm 1983, Khoa Lịch sử Đảng của hai trường hoạt động độc lập theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi trường.
Ban đầu, Khoa Lịch sử Đảng có sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn đội ngũ cán bộ phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đến nay, Khoa Lịch sử Đảng đã đi vào đào tạo trình độ đại học khóa thứ 42 và sau đại học khóa thứ 12 và khóa 2 về nghiên cứu sinh ngành Sử học, chuyên ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tính đến nay, Khoa Lịch sử Đảng đã có bề dày 50 năm kinh nghiệm đào tạo cử nhân lịch sử Đảng, 13 năm đào tạo thạc sĩ, 4 năm đào tạo nghiên cứu sinh; cung cấp hàng nghìn nhà nghiên cứu lịch sử, giảng dạy lịch sử Đảng có trình độ đại học và sau đại học ở các trường chính trị tỉnh, thành phố, các trường đại học, cao đẳng, học viện và các cơ quan, ban, ngành trong cả nước.
Từ những khó khăn, thách thức của những năm tháng chiến tranh đến những năm đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế – xã hội gay gắt, Khoa Lịch sử Đảng từng bước lớn mạnh và khẳng định vị thế của mình trong hệ thống trường học cũng như trong hệ thống giáo dục quốc dân. Từ Khoa Lịch sử Đảng, nhiều thế hệ học sinh, sinh viên ra trường đã trở thành những nhà nghiên cứu, giảng dạy lịch sử Đảng danh tiếng trong nước và quốc tế. Trong số đó, có nhiều người đã trưởng thành và giữ các chức vụ cao trong hệ thống chính trị và các trường phổ thông, đại học, cao đẳng, của cả nước.
TS Vũ Ngọc Lương nhấn mạnh: “Sự bền vững và phát triển của Khoa Lịch sử Đảng trong 60 năm qua là kết quả của sự đoàn kết, nỗ lực không ngừng vươn lên gắn bó giúp đỡ nhau chân thành của tập thể cán bộ, giảng viên. Trong quá trình xây dựng và phát triển 60 năm qua, Khoa Lịch sử luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Giám đốc Học viện. Đó là động lực để cán bộ giảng viên, học viên và sinh viên khoa Lịch sử Đảng nỗ lực học tập, nghiên cứu phấn đấu xây dựng khoa ngày càng phát triển vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ giáo dục – đào tạo trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo”.
Thay mặt lãnh đạo nhà trường, PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đánh giá cao những kết quả mà Khoa Lịch sử Đảng đã đạt được trong 60 năm qua: “Nhìn lại thành tựu 60 năm xây dựng và phát triển đã qua, mỗi cán bộ, giảng viên và sinh viên, học viên Khoa Lịch sử Đảng đều có quyền tự hào bởi thanh xuân và sự cống hiến mà mỗi người đã đóng góp, đã lưu dấu tại mái nhà chung Khoa Lịch sử Đảng; đồng thời tôi cũng vững tin vào tiền đồ, sự phát triển mạnh mẽ, thành công hơn nữa của khoa trong tương lai…”.
Với những kết quả đã đạt được, Khoa Lịch sử Đảng vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba, phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng.
Hoàng Bằng