Huyện Giao Thủy phát huy tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển

Tạp chí Biển Việt Nam - Huyện Giao Thủy đã khai thác tốt điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế và xã hội, với trọng tâm là phát triển kinh tế biển, xây dựng cơ sở hạ tầng để trở thành trung tâm nuôi trồng thủy hải sản. Ngoài ra, huyện còn tập trung vào phát triển các ngành kinh tế và công nghiệp ven biển hiện đại, cùng với việc xây dựng các điểm tham quan, du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Huyện Giao Thủy tọa lạc tại vùng hữu ngạn sông Hồng, là huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Nam Định, với 32km bờ biển và nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng. Ngoài việc sở hữu bãi biển trong sạch và nguyên sơ, huyện còn có khu dự trữ sinh quyển thế giới tham gia Công ước Ramsar – Vườn quốc gia Xuân Thủy cùng với nền văn hóa “mở đất” tiêu biểu của cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Giao Thủy đang đổi thay từng ngày.
Bứt phá từ kinh tế biển
Huyện Giao Thủy đã tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế biển, đặc biệt là Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18/6/2021 về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Với mục tiêu giàu lên từ biển, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện ven biển và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế biển đến năm 2025.
Ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXIV và khóa XXV đã ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. UBND huyện đã chú trọng rà soát, quy hoạch phát triển thủy sản; tập trung vào quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển các cụm công nghiệp, du lịch, dịch vụ ven biển và ven sông. Huyện cũng tập trung nâng cao hiệu quả nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và triển khai các Đề án về phát triển thủy sản bền vững và phát triển du lịch huyện Giao Thủy. Những nỗ lực này đang tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế – xã hội của huyện, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân.
Tuyến đường bộ ven biển của Giao Thủy đang bứt phá về đích.
Huyện đang phát triển nghề nuôi trồng thủy hải sản, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản mặn lợ, là một trong những thế mạnh của địa phương. Hiện tại, huyện có hơn 1.000 cơ sở nuôi trồng thủy hải sản trên diện tích trên 5.152 ha, trong đó có gần 100 trang trại và cơ sở sản xuất ngao giống và nhiều loại giống thủy sản khác. Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong địa phương, mà còn cung cấp giống cho nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh.
Ngoài ra, huyện còn duy trì đội tàu đánh bắt thủy sản 671 chiếc và 7 tàu cá vỏ thép đánh bắt xa bờ, đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ để khai thác hải sản. Các hoạt động này đã đem lại hiệu quả nhất định cho địa phương. Đến năm 2022, sản lượng thủy sản toàn huyện đạt 68.203 tấn, trong đó nuôi trồng chiếm 51.889 tấn và khai thác chiếm 16.314 tấn. Điều này đã góp phần tạo thu nhập ổn định và nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
Đồng thời với việc khai thác và nuôi trồng thủy hải sản, Giao Thủy cũng đặt sự chú trọng vào việc phát triển du lịch biển. Với sự ưu đãi từ thiên nhiên và Vườn Quốc gia Xuân Thủy – địa danh đầu tiên tham gia công ước Ramsar của Việt Nam và Đông Nam Á, cùng hệ sinh thái đất ngập nước phong phú, đa dạng và có nhiều loài chim di cư quý hiếm được ghi nhận trong sách đỏ quốc tế, Biển Giao Thủy có nhiều bãi cát trải dài, thoải mịn, nhiều nắng và gió, đặc biệt là bãi biển Quất Lâm. Huyện còn sở hữu diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng lớn với hệ động, thực vật phong phú và quý hiếm, cùng với nền văn hóa mở đất tiêu biểu của cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng, với hàng trăm di tích, công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc. Tất cả đều là điều kiện thuận lợi để nghiên cứu khoa học và phát triển các loại hình du lịch biển, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng.
Để khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Đã ban hành các nghị quyết, đề án, kế hoạch và chương trình về phát triển du lịch huyện trong từng năm, từng giai đoạn.
Vườn quốc gia Xuân Thủy là khu dự trữ sinh quyển thế giới quan trọng ở vùng Đồng bằng sông Hồng.
Cùng với việc chú trọng khai thác và nuôi trồng thủy hải sản, Giao Thủy cũng đang đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế khác, trong đó có sản xuất muối và sản phẩm OCOP từ biển.
Hiện nay, toàn huyện có 427,5 ha diện tích làm muối, đạt sản lượng gần 4.000 tấn và giá trị bình quân/1 ha đất sản xuất muối là 172,3 triệu đồng/năm. Muối tinh, sạch Giao Thủy đã và đang được ưa chuộng bởi người dân trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, huyện cũng có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ biển, với một số sản phẩm đạt chuẩn 4 sao.
Để phát huy tiềm năng và thế mạnh của huyện, tuyến đường bộ ven biển kết nối với các tỉnh lân cận như Thái Bình, Hải Phòng và Quảng Ninh đang được hoàn thiện, và tuyến đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần – Đường bộ ven biển (quy mô 100 mét ngang) sẽ được xây dựng và hoàn thành trước năm 2025.
Cơ sở hạ tầng tạo đà phát triển kinh tế biển
Huyện Giao Thủy có nhiều lợi thế tiềm năng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Hiện tại, huyện đã quy hoạch 13 cụm công nghiệp (trên 75 ha mỗi cụm), chủ yếu tập trung vào các cụm công nghiệp ven biển. Một trong số đó là cụm công nghiệp Thịnh Lâm, đã hoàn thành cơ sở hạ tầng và đang hoạt động, trong khi các cụm công nghiệp Giao Thiện và Giao Yến 1 đang hoàn thiện thủ tục đầu tư. Dự kiến việc xây dựng cơ sở hạ tầng của hai cụm công nghiệp này sẽ bắt đầu vào quý II năm 2023. Ngoài ra, huyện cũng đã quy hoạch 6 khu công nghiệp, trong đó có Khu công nghiệp Hải Long với diện tích trên 1.100 ha, đang được tập đoàn VSIP (Singapore Industrial Park) nghiên cứu và đầu tư.
Huyện Giao Thủy đã lên kế hoạch quy hoạch phát triển các đô thị trên địa bàn đến năm 2025. Cụ thể, huyện sẽ nâng cấp đô thị Quất Lâm lên đô thị loại IV và xây dựng hoàn thiện thị trấn mới là Đại Đồng. Huyện cũng sẽ mở rộng thị trấn Ngô Đồng về phía Tây Nam. Dự kiến đến năm 2030, huyện sẽ hình thành thêm các đô thị Giao Thiện, Giao Thanh, Giao An, Giao Xuân, Giao Hải, Giao Yến, Bạch Long… với mục tiêu phấn đấu để Giao Thủy đạt các tiêu chí của Đô thị Loại III (Thị xã) vào năm 2030.
Để thúc đẩy phát triển du lịch biển, huyện Giao Thủy cũng đang kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm năng và thế mạnh trong lĩnh vực này để đầu tư vào các Khu du lịch ven sông Hồng, du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Xuân Thủy, du lịch nghỉ dưỡng Giao Phong và du lịch tắm biển Quất Lâm. Hiện tại, liên danh các công ty do Tập đoàn Trường An chủ trì đang đề xuất và nghiên cứu đầu tư vào Khu du lịch, vui chơi, nghỉ dưỡng khu vực Quất Lâm với quy mô trên 1000 ha, chủ yếu là lấn biển, với tổng mức đầu tư dự kiến trên 50.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, huyện Giao Thủy cũng đang triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm, bao gồm tuyến đường bộ ven biển kết nối với Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh và Ninh Bình (dự kiến hoàn thành trước tháng 9/2023); tuyến đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần – Đường bộ ven biển với quy mô rộng 100 m; tuyến đường ven sông Hồng từ Cồn Nhì (Hồng Thuận) đến đường bộ ven biển (Giao Thiện), tuyến đường Tả sông Sò, từ cổng trào (Giao Tiến) đến Giao Thịnh; tuyến đường Cồn Nhất – Chợ Vọng (song song với tuyến Quốc lộ 37B); tuyến đường Thiện Lâm (Đoạn Giao Hải – TT Quất Lâm); tuyến đường trục Giao Hà đến đường bộ ven biển.
Các tuyến giao thông huyết mạch sẽ góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối các Khu, cụm công nghiệp, Khu du lịch và nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện.
Khu du lịch Quất Lâm sẽ được nâng cấp lên theo hướng khu du lịch nghỉ dưỡng tắm biển cao cấp.
Huyện Giao Thủy quyết tâm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và tiếp tục khơi dậy các tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển. Huyện mong muốn trở thành một cực phát triển của tỉnh Nam Định, vùng kinh tế động lực, có bước phát triển nhanh và bền vững. Cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng tích cực, tập trung vào phát triển các ngành công nghiệp, đô thị, thương mại dịch vụ du lịch, kết hợp với các ngành nông nghiệp và thủy sản. Huyện cũng chú trọng phát triển văn hóa và xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên tuyến biển.
Huyện đang nỗ lực phấn đấu trước năm 2025 đạt nông thôn mới nâng cao, trước năm 2030 đạt nông thôn mới kiểu mẫu và đạt các tiêu chí đô thị loại III. Đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người đạt 200 triệu đồng/người/năm. Huyện hy vọng sẽ trở thành một địa điểm hấp dẫn cho du khách, góp phần vào sự phát triển kinh tế của tỉnh và đất nước.
Mạnh Tùng - Vân Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu