Khu vực kinh tế ven biển miền Trung ngày càng phát triển mạnh

Tạp chí Biển Việt Nam - Những năm gần đây, nhiều địa phương duyên hải Trung Bộ đã tích cực thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Hiện nay cả nước có 19 Khu kinh tế (KKT) ven biển, riêng khu vực vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có 11 KKT ven biển. Thu hút 254 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 42 tỷ USD và 1079 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư khoảng 805,2 nghìn tỷ đồng. Tổng cộng có khoảng 60,4 nghìn ha đất đã được đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở sản xuất kinh doanh. Cơ cấu kinh tế các vùng dịch chuyển mạnh từ nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp sang dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng. Cơ cấu lao động các tỉnh, thành ven biển cũng đã dịch chuyển từ nông nghiệp, ngư nghiệp sang dịch vụ và công nghiệp. Góp phần làm cho diện mạo của các địa phương ven biển thay đổi tích cực, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Đồng thời, việc phát triển KKT, khu công nghiệp ven biển kết hợp với xây dựng KKT – quốc phòng vùng biển, đảo cũng đã được chú trọng, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của đất nước.

 Một góc cảng biển Nghi Sơn – Thanh Hóa

Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 về “phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định mục tiêu đến năm 2030, Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ trở thành vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững về kinh tế biển, với các trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nướ, các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia.

Theo thống kê, giá trị sản xuất (GTSX) của các KKT ven biển tại miền Trung năm 2015 là 187.721 tỷ đồng, năm 2020 là 675.525 tỷ đồng, tăng gấp 3,6 lần. Trong đó có 4 khu Nghi Sơn (Thanh Hoá), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Chu Lai (Quảng Nam) và Dung Quất (Quảng Ngãi) đã chiếm gần 83% GTSX của 11 KKT ven biển năm 2015 và năm 2020 con số này là hơn 80% GTSX.

Tuy  nhiên, cơ chế chính sách phát triển các KKT ven biển còn thiếu đột phá và chưa đủ mạnh. Vẫn còn tình trạng phân tán, dàn trải trong đầu; việc vận dụng, ban hành cơ chế chính sách của các địa phương thiếu thống nhất. Mặc dù đã có sự điều chỉnh chính sách tập trung cho một số KKT ven biển có tiềm năng, nhưng vẫn chưa đủ động lực thúc đẩy phát triển. Cơ sở hạ tầng ven biển tại các KKT được đầu tư vẫn dàn trải, thiếu cơ sở hạ tầng lớn, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên biển và ven biển ở nhiều nơi còn lãng phí, kém hiệu quả, đặc biệt về khai thác, sử dụng đất ven bờ biển, mặt nước biển ven bờ tại các KKT ven biển…

Thép ra lò tại Nhà máy thép Cảng biển Nghi Sơn

Để khắc phục các hạn chế nói trên, nhiều giải pháp đã và đang được đặt ra, như  đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các KKT ven biển miền Trung; tích cực xử lý bất cập, chống chéo trong các quy định liên quan đến đầu tư, đất đai, tài nguyên và môi trường. Nâng cao vấn đề bảo vệ môi trường trên địa bàn; đề xuất các giải pháp thu hút đầu tư vào các KKT ven biển miền Trung. Rút gọn các thủ tục hành chính trong kêu gọi đầu tư. Chú trọng quan tâm đến vấn đề an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bảo vệ môi trường cho người dân sống quanh khu công nghiệp và KKT….

Với hệ thống giải pháp đồng bộ, tích cực và hiệu quả, chắc chắn trong thời gian tới khu kinh tế vùng duyên hải ven biển miền Trung sẽ ngày càng phát triển mạnh, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của khu vực và của cả nước.

 

 

Đào Nguyên Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu