Nghề nuôi biển Kiên Giang: Cơ hội và thách thức

Tạp chí Biển Việt Nam - Sở hữu sản vật thiên nhiên trù phú, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi, hiếm khi xảy ra thiên tai, bão lớn,... vùng biển Kiên Giang từ lâu được xem là môi trường phù hợp để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, đồng thời giàu tiềm năng gắn kết hoạt động khám phá du lịch với xúc tiến tiêu thụ sản phẩm tại vùng biển phía Tây Nam tổ quốc.

Tiềm năng phát triển nghề biển tại Kiên Giang

Là tỉnh ven biển thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Kiên Giang hiện sở hữu 143 hòn đảo lớn nhỏ, bao gồm 43 đảo đang có người dân sinh sống. Chính nhờ vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, những năm qua, bà con nơi đây đã biết khai thác tiềm năng du lịch địa phương gắn với hoạt động phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô lớn.

Trước đây, nguồn thủy sản dồi dào từ các chuyến ra khơi của ngư dân quanh đảo chủ yếu phục vụ nhu cầu thương mại, tiêu dùng hoặc kinh doanh tại các điểm bán, chợ đầu mối. Song, đến nay, người nuôi cá thường tranh thủ tham gia những chuyến đánh bắt đêm để tìm lựa thủy sản đạt chuẩn phục vụ du khách. Trong đó, những con giống đạt trọng lượng từ 2 – 5kg sẽ được chào bán hoặc phục vụ chế biến tại chỗ cho du khách khi đến vùng nuôi trồng hoặc tham qua qua các xuồng bè. Phương thức kinh doanh này giúp chủ bè cải thiện thu nhập nhờ tối ưu chi phí phục vụ, hạn chế tình trạng bị chủ thương ép giá, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút thêm nhiều khách hàng biết đến nguồn sản vật chất lượng của địa phương.

Nghề nuôi cá ở lồng bè và bán cho du khách giúp người dân cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Kiên Giang).

Theo đánh giá của một số du khách đến từ Cần Thơ và TP. HCM, việc phục vụ chế biến thủy sản trên các xuồng bè không chỉ mang lại sự tươi ngon mà còn giúp du khách còn có cơ hội trải nghiệm trọn vẹn khung cảnh sông nước hữu tình, yên tĩnh, trong lành. Nhận thấy nhu cầu tham quan thưởng lãm của du khách ngày càng gia tăng, nhiều hộ dân cũng bắt đầu xây dựng nơi nghỉ dưỡng cùng một số dịch vụ du lịch kèm theo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, khơi dậy tiềm năng du lịch biển.

Nổi tiếng là một trong những ngư trường đánh bắt lớn thuộc vùng biển Tây Nam, quần đảo Thổ Chu (đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) thường thu hút nhiều tàu cá Tiền Giang, Bến Tre, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Định đến khai thác thủy sản. Giá cá tạp làm thức ăn cho cá giống cũng có chi phí rất rẻ, chỉ vài ngàn đồng/kilôgam. Ngoài ra, nhờ sở hữu nguồn nước không bị ô nhiễm từ chất thải cửa sông, nguồn cá nơi đây hiếm khi bệnh hoặc chết hàng loạt như một số vùng thuộc eo biển Duyên hải Nam Trung Bộ. Bè đặt trên mỏ cá nên cá nuôi được cho ăn và lớn nhanh chóng. Trung bình chỉ cần 4 – 5 tháng, ngư dân có thể xuất bán, gom giống thả nuôi đợt tiếp theo.

Quần đảo Thổ Chu – điểm giao thương quan trọng giữa Kiên Giang với những địa phương khác (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Kiên Giang).

Kiên Giang đặt mục tiêu đạt hơn 7.500 tỷ đồng tổng giá trị nuôi biển

Mặc dù giàu tiềm năng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản với quy mô lớn, song thực tế cho thấy nghề biển ở tỉnh Kiên Giang vẫn buộc lộ nhiều hạn chế nếu so với một số địa phương khác cả về quy mô và sản lượng nuôi trồng. Quần đảo Thổ Chu tuy thu hút nhiều nguồn tiêu thụ, thu mua thủy sản, song lại có vị trí cách thành phố Rạch Giá gần 100 hải lý – khoảng cách tương đối xa đất liền. Điều này đem lại thách thức không nhỏ trong khâu kết nối tiêu thụ mặt hàng thủy sản, dẫn đến trường hợp người nuôi trồng phải chấp nhận bán ra với giá rẻ hoặc chấp nhận bị lái thương ép giá.

Theo đó, phương hướng phát triển kinh tế biển bền vững, đưa kinh tế biển thực sự là thế mạnh của tỉnh phù hợp với “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045” là một trong những mục tiêu được đề cập tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Dựa vào Nghị quyết thống nhất tại cuộc họp, thời gian tới, tỉnh Kiên Giang sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực chính, bao gồm phát triển nuôi trồng (đặc biệt là nuôi trồng thủy sản trên biển) chế biến và đánh bắt hải sản; phát triển công nghiệp năng lượng; ; phát triển kinh tế hàng hải; phát triển du lịch và dịch vụ biển.

Mục tiêu đến năm 2025, sản lượng nuôi trồng thủy sản trên biển toàn tỉnh đạt khoảng 113.000 tấn với tổng giá trị sản xuất đạt trên 7.500 tỷ đồng. Trong đó, nuôi ngọc trai đạt 260.000 viên; lồng bè gần 30.000 tấn và nhuyễn thể trên 83.000 tấn. Đồng thời, Kiên Giang cũng hướng đến đạt chỉ tiêu 7.500 lồng nuôi biển, bao gồm: 900 lồng nuôi cá công nghệ cao; 4.700 lồng nuôi cá lồng truyền thống; 900 lồng nuôi thủy sản khác.

Huỳnh Kha

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu