Nhiều thách thức cho ngành hàng hải Quảng Bình

Tạp chí Biển Việt Nam - Năm 2022, hoạt động hàng hải tại Quảng Bình cầm chừng, sản lượng hàng hóa và số lượng tàu thuyền đến các cảng giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Quảng Bình nằm trên trục hành lang phát triển kinh tế đông – tây, là địa phương có thế mạnh về biển với bờ biển dài trên 116km. Thềm lục địa Quảng Bình rộng gấp 2,6 lần diện tích đất liền; tỉnh có cảng Gianh, cảng Hòn La, cảng xăng dầu sông Gianh…

Chưa phát huy được lợi thế, tiềm năng

Dù đã nỗ lực nhưng kết quả trong hoạt động kinh tế hàng hải tại địa phương này vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với những thuận lợi trên. Cùng với đó là nhiều bất cập chưa được khắc phục.

Cảng Hòn La.

Theo đánh giá của Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, trong những năm qua, mưa bão, lũ lụt khiến độ sâu luồng hàng hải cảng biển Quảng Bình tiếp tục bị bồi lắng nghiêm trọng. Yếu tố này gây khó khăn cho công tác điều động tàu thuyền ra vào cảng, nhất là những tàu trên 20.000 DWT. Nhu cầu hàng hóa tăng nhưng cảng biển không đáp ứng điều kiện để đón tàu nên hiệu quả đầu tư chưa có.

Đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây, đại dịch Covid-19 bùng mạnh tiếp tục đẩy ngành hàng hải tỉnh Quảng Bình vào thế khó. Hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc bị ngưng trệ. Nhu cầu thương mại hóa toàn cầu suy giảm cũng là yếu tố làm cho ngành hàng hải tỉnh Quảng Bình không phát triển. Thậm chí, có cảng biển phải đóng cửa, yêu cầu giãn cách xã hội do dịch gây ra.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì nhiều yếu tố chủ quan khác cũng gây trì trệ cho hoạt động hàng hải. Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình nhìn nhận: tuyến luồng hàng hải cảng Gianh và Hòn La không đảm bảo chuẩn tắc cho tàu thuyền ra vào. Dù tuyến luồng Hòn La đã giao cho nhà đầu tư nạo vét nâng cấp từ năm 2014 nhưng gần 8 năm qua nhà đầu tư này vẫn không thực hiện. Thời gian qua, việc thực hiện các dự án tại cảng biển Quảng Bình chưa đạt được mục tiêu theo quy hoạch đã phê duyệt trước đó. Ngoại trừ cảng chuyên dùng của Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch đang thi công, các dự án khác mặc dù đề xuất đầu tư từ lâu nhưng vẫn chưa triển khai. Và một số thực trạng khác…

Do tồn tại những bất cập kể trên, hoạt động hàng hải tại cảng biển Quảng Bình năm 2022 cầm chừng, lượng hàng hóa và số lượng tàu thuyền giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, tổng số lượng hàng thông qua cảng là 2.500.000 tấn, giảm 17%; phí lệ phí hàng hải là 6.534.967.377, giảm 42%; 1.080 lượt tàu, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.

Lực lượng Hải quan Quảng Bình đang kiểm tra tại khu vực Cảng Hòn La.

Theo báo cáo của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hòn La năm 2022 có 25 doanh nghiệp làm thủ tục hải quan, giảm 14 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước. Số lượng tờ khai XNK, trọng lượng hàng hóa XNK cũng đồng loạt giảm. Tổng số thu NSNN năm 2022 được 80,9 tỷ đồng, bằng 68% chỉ tiêu được giao, giảm 87% so với năm 2021. Nguyên nhân giảm thu là do hầu hết các nguồn thu từ quặng, clinker, dăm gỗ xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm đồng loạt giảm. Đặc biệt, mặt hàng máy móc thiết bị NK giảm đột biến (99% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương giảm hơn 443 tỷ đồng); mặt hàng đá vôi và đá xây dựng giảm 100%.

Cần sự quyết liệt của các cấp, ngành

Để tháo gỡ những tồn tại, hạn chế trên, Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình đã đề xuất một số giải pháp cần thực thi trong thời gian tới.

Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp, đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình kiến nghị Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam bố trí kinh phí để đầu tư đê chắn cát tại luồng cửa Gianh và nâng cấp luồng hàng hải Hòn La đạt chuẩn tắc cho tàu 20.000 DWT. Phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, rốt ráo thời gian tới. Trong khi chờ đầu tư nên đề nghị kinh phí nạo vét duy tu hai tuyến luồng đảm bảo cho tàu thuyền ra vào cảng.

Lãnh đạo đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước cần mạnh dạn kiến nghị UBND tỉnh Quảng Bình quy hoạch và thiết lập khu vực nhận chìm để sử dụng chung trong hoạt động nạo vét duy tu vùng nước trước bến.

Các đơn vị tham gia kinh doanh, quản lý tại cảng Hòn La, cảng Gianh, cảng xăng dầu sông Gianh phải cố gắng và quyết liệt hơn nữa trong việc tham mưu cho lãnh đạo tỉnh về phát triển cảng, tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển cảng một cách toàn diện.

Hàng hóa thông qua các cảng ở Quảng Bình giảm sút trong thời gian qua.

Đồng thời nâng cao năng lực, nhận thức cũng như tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công nhân, viên chức. Thực hiện cải cách hành chính vì mục tiêu và lợi ích chung. Thường xuyên cập nhật trao đổi các quy định, văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành của mỗi bên để cùng nắm bắt, thống nhất trong thực hiện và phối hợp phổ biến tuyên truyền đến các đối tượng quản lý.

Còn các doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm các quy định nhằm đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác cảng. Doanh nghiệp cần tiếp tục đánh giá về tình hình, xu hướng biến động giá nhiên liệu, tác động của biến động giá nhiên liệu đối với lĩnh vực vận tải biển, dịch vụ hàng hải Quảng Bình nhằm đề xuất những giải pháp kiểm soát giá dịch vụ vận tải, các giải pháp tháo gỡ những khó khăn.

Ngoài những giải pháp trên, tỉnh Quảng Bình nên tập trung thực hiện mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu hoạt động hàng hải, lấy kinh tế biển làm trọng tâm. Cùng với đó, tỉnh cần tập trung hơn vào đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng như đảm bảo an ninh, chủ quyền biển đảo đi liền với giữ gìn sự đa dạng sinh học môi trường biển.

Lan Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu