Việt Nam ký hiệp định mang tính lịch sử về biển cả

Tạp chí Biển Việt Nam - Sáng ngày 20/9 theo giờ New York, Việt Nam đã ghi danh vào lịch sử biển đảo thế giới bằng việc ký kết Hiệp định về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển, mở ra trang mới của trách nhiệm quốc tế và lợi ích toàn cầu. Việt Nam cho thấy hình ảnh của một quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế khi là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia ký hiệp định trong khuôn khổ tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc

Hiệp định quy định các biện pháp khai thác, chia sẻ lợi ích và bảo tồn nguồn gen biển tại các vùng biển quốc tế. Điều này là một bước ngoặt quan trọng trong việc bảo vệ hệ sinh thái đáy đại dương và tận dụng tiềm năng kinh tế và khoa học từ các nguồn gen quý hiếm trong môi trường biển.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ký Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn lý giải rằng vùng biển quốc tế chiếm hơn 60% diện tích bề mặt đại dương nhưng chưa có văn kiện quốc tế nào quy định nghĩa vụ chia sẻ lợi ích cũng như bảo tồn nguồn lợi này. Hiệp định này không chỉ bảo vệ môi trường biển mà còn mở cơ hội cho các nước đang phát triển tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển kinh tế từ các nguồn gen biển.

Theo lời Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: “Nhiều vùng ở đáy đại dương có hệ sinh thái đặc biệt giàu có với nhiều loại gen quý hiếm, có giá trị cao cho nghiên cứu khoa học và tiềm năng kinh tế lớn, nhất là có thể tạo ra thuốc điều trị bệnh hiểm nghèo, sản xuất dược mỹ phẩm…”.

Việc Việt Nam ký kết Hiệp định này cũng thể hiện vai trò tích cực và có trách nhiệm của nước trong cộng đồng quốc tế, hỗ trợ các nước khác trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu và đóng góp vào hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững.

Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 120 ngày kể từ khi có 60 nước thành viên tham gia. Trong vòng 1 năm sau, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên của Hội nghị thành viên Hiệp định này để thảo luận và quyết định nhiều công việc quan trọng như đàm phán, quy định về tài trợ, và tỷ lệ đóng góp thường niên của các nước phát triển cho quỹ đặc biệt của Hiệp định.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn kết luận, “Việc ký Hiệp định mới chỉ là điểm khởi đầu, rất nhiều công việc còn ở phía trước và cần sự tích cực, chủ động của Bộ Ngoại giao cùng nhiều bộ, ngành liên quan.” Hiệp định này đánh dấu bước tiến quan trọng trong bảo vệ môi trường biển và mở ra cơ hội cho sự hợp tác quốc tế trong việc bảo tồn và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen biển.

Như Thông

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu