Sẵn sàng đón nhận bằng di sản “Nghề làm nước mắm ở Phú Quốc”

Tạp chí Biển Việt Nam - Nước mắm Phú Quốc không chỉ nổi tiếng tại Việt Nam mà còn được biết đến tại nhiều nơi trên thế giới. Vị ngon từ đảo ngọc đã tạo nên một nét đẹp văn hóa ẩm thực rất ấn tượng đối với du khách.

Ngày 29/11, thông tin từ tỉnh Kiên Giang cho hay đã chốt thời gian tổ chức lễ đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian “Nghề làm nước mắm Phú Quốc” vào ngày 16/12 tới đây. Các sự kiện được tổ chức trong dịp này như lễ công bố kỷ lục quốc gia đối với món ăn gỏi cá trích, quà tặng rượu sim, hội thảo khoa học về phát triển bền vững nước mắm truyền thống Phú Quốc.

Lễ đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian “Nghề làm nước mắm Phú Quốc” nhằm quảng bá và tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nói chung. Đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần gìn giữ và phát triển di sản văn hóa dân tộc. Qua sự kiện trên nhằm đẩy mạnh truyền thông về giá trị di sản quốc gia “Nghề làm nước mắm Phú Quốc”, tạo cơ sở cho việc tiến đến xin lập hồ sơ đăng ký trình UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.

Biểu tượng thùng làm nước mắm tại công viên Bạch Đằng, phường Dương Đông, TP.Phú Quốc.

Nghề làm nước mắm thuộc địa bàn phường Dương Đông và phường An Thới, TP.Phú Quốc. Theo thống kê, hiện có 57 nhà thùng nước mắm; trong đó có 55 nhà thùng là hội viên của Hội sản xuất nước mắm Phú Quốc, tập trung phần lớn ở Dương Đông với 52 nhà thùng. Tất cả các nhà thùng vẫn duy trì việc sản xuất nước mắm theo quy trình truyền thống từ trước đến nay.

Phú Quốc đặt ra chỉ tiêu chế biến nước mắm bình quân 12 triệu lít/năm, phấn đấu xây dựng cụm công nghiệp sản xuất nước mắm phù hợp với làng nghề nước mắm truyền thống Phú Quốc; di dời các cơ sở sản xuất nước mắm ra khỏi khu dân cư.

Ngày 27/5/2021, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đã ký quyết định đưa nghề làm nước mắm ở Phú Quốc vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo hồ sơ di sản Nghề làm nước mắm ở Phú Quốc, từ năm 1939 nghề chế biến nước mắm Phú Quốc được tổ chức thành tổ chức xã hội nghề nghiệp (nghiệp đoàn), cho đến nay đã được chính quyền quản lý, bảo hộ cho hoạt động nghề, trở thành một nghề truyền thống tạo ra nhiều giá trị về văn hóa và kinh tế cho xã hội. Từ năm 2000 đến nay, tổ chức này đã trở thành Hội sản xuất nước mắm Phú Quốc và đã gắn kết các nhà thùng thành một tập thể nghề nghiệp hoạt động có tôn chỉ, mục đích, định hướng để bảo tồn và phát huy giá trị của nghề vươn ra tầm thế giới.

Thương hiệu nước mắm Phú Quốc được nhiều người biết đến.

Với những giá trị truyền thống, nước mắm Phú Quốc đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng quốc gia bảo hộ chỉ dẫn địa lý vào năm 2001. Tỉnh Kiên Giang đã ban hành các chính sách quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Phú Quốc nhằm quản lý chất lượng nước mắm truyền thống, truy xuất nguồn gốc, nhãn hàng hóa sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý Phú Quốc. Ban Kiểm soát tên gọi xuất xứ nước mắm Phú Quốc được thành lập vào năm 2005 để thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, điều hành thực hiện quy trình sản xuất nước mắm mang tên gọi xuất xứ Phú Quốc của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nước mắm Phú Quốc theo quy định.

Năm 2012, nước mắm Phú Quốc được Ủy ban Châu Âu cấp văn bằng bảo hộ tên gọi xuất xứ địa lý, là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ trên thị trường của các nước thuộc EU. Sản phẩm nước mắm sản xuất, đóng chai tại TP.Phú Quốc, đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể về chất lượng, quy trình sản xuất phải theo chuỗi và được truy xuất nguồn gốc rõ ràng mới được phân phối vào thị trường EU với tên gọi xuất xứ “Phú Quốc”.

Một trong những tiêu chuẩn đó là cá làm mắm phải là cá cơm, ướp muối ngay trên tàu khi vừa đánh bắt, thùng ủ phải là thùng gỗ bời lời, vên vên… Thời gian ủ chượp 12-18 tháng hoàn toàn tự nhiên, không cho bất cứ chất gì vào.

Dù đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, cạnh tranh trên thị trường nhưng có thể nói rằng nghề làm nước mắm ở Phú Quốc là một di sản có giá trị rất lớn cả về lịch sử văn hóa và kinh tế. Nghề đã góp phần giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho lao động nghề làm nước mắm, nâng cao đời sống nhân dân; đóng góp một phần vào ngân sách địa phương. Thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, sản phẩm đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và quốc tế có xu hướng sử dụng sản phẩm sạch, sản phẩm truyền thống.

Nước mắm Phú Quốc đặc biệt không quá mặn, không ngọt vị đường mà ngọt từ chất đạm cá, mùi vị thơm nhẹ không quá nồng đậm như nước mắm nhiều nơi khác. Từ nước mắm nguyên chất, người dân Phú Quốc sáng tạo ra hàng chục loại nước mắm khác nhau dùng cho từng loại thức ăn khác nhau. Đối với người dân Phú Quốc, nước mắm Phú Quốc không chỉ là món ăn, là gia vị mà còn được xem là “linh hồn”. Ngoài ra, đó còn là một phần của lịch sử, của văn hóa, hàm chứa những tri thức dân gian, thể hiện đậm nét cốt cách, đặc trưng văn hóa của cư dân xứ đảo.

Hữu Hiền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu