Thanh Hóa: Cô giáo xã đảo 10 năm công tác, có tới 9 năm được xếp loại lao động xuất sắc

Tạp chí Biển Việt Nam - Mặc dù 2 con nhỏ không may mắc bệnh tự kỷ nhưng cô giáo Lê Thị Duyên, trường THCS Nghi Sơn không chỉ hoàn thành tốt công việc với trách nhiệm cao mà còn đóng góp một phần tạo nên “giá trị tinh hoa” là chất lượng mũi nhọn của ngành.
Trường THCS Nghi Sơn
Xã đảo Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) còn có tên gọi Biện Sơn vốn là cù lao nổi lên giữa một vùng sóng nước mênh mông nằm trong cửa Bạng. Trước đây, từ đất liền muốn ra đảo, người dân phải dùng thuyền nhưng sau này, do tác động của quá trình kiến tạo địa chất và con người quai đê lấn biển, Biện Sơn được nối với đất liền thành một dải. Việc đi lại chủ yếu là đường núi nhỏ hẹp nhưng dễ dàng và thuận tiện hơn.
Xã đảo Nghi Sơn có dân số đông đúc, những ngôi nhà chen chúc nằm san sát nhau khiến chúng tôi liên tưởng đến những con phố nhỏ chật hẹp của thủ đô Hà Nội. Ở xã đảo, nơi rộn ràng nhất là các trường học bởi lúc nào cũng có tiếng trẻ nô đùa, thầy cô giảng, trò đọc theo, rồi cả tiếng cười trẻ thơ giòn tan trong nắng trời gió biển. Với những người thầy cô nơi đây, Nghi Sơn trở thành quê hương; trường, lớp là nhà và học trò là con.
Lần theo con đường rộng chừng hơn 1m, xe ô tô đi không lọt nên tôi đành quốc bộ khoảng 500m đến thăm trường THCS Nghi Sơn, tại đây tôi đã gặp cô giáo Lê Thị Duyên, một trong nhũng giáo viên đặc biệt nhất của trường tại xã đảo, qua tâm sự được biết, chồng cô Duyên cũng là giáo viên đang công tác tại trường THCS Nghi Sơn. Hai vợ chồng kết hôn và sinh được 2 con nhưng không may cả 2 cháu đều mắc chứng bệnh tự kỷ, chính vì thế, để vừa đảm bảo hiệu quả trong quá trình công tác, cũng như vừa tiện cho việc chăm sóc con nhỏ, gia đình cô giáo Duyên đã phải đưa các cháu xa quê hương đến với xã đảo Nghi Sơn – nơi có muối mặn và biển cả.
Cô giáo Lê Thị Duyên, trường THCS Nghi Sơn
Cô Lê Thị Duyên sinh năm 1981, quê quán tại xã Mai Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đầu năm 2008, cô bắt đầu con đường sự nghiệp giáo dục tại THCS Mai Lâm (thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Tại đây, cô Duyên đã đạt được những kết quả nổi bật trong công tác giảng dạy, đặc biệt năm 2017, cô là người có thành tích cao nhất trong lễ tôn vinh giáo viên có thành tích suất sắc trong giáo dục. Năm 2018, cô tình nguyện chuyển công tác đến xã đảo Nghi Sơn, tiếp tục công việc “lái đò” tại nơi miền biển đảo còn nhiều khó khăn. Cô giáo Duyên đảm nhiệm 2 bộ môn quan trọng đó là Ngữ Văn và Giáo dục công dân.
Cô giáo Lê Thị Duyên chia sẻ: Khi còn là một học sinh, tôi đã mơ ước sau này mình trở thành một cô giáo được đứng trên bục giảng. Trong mắt tôi khi ấy, các thầy giáo, cô giáo là những người sống chuẩn mực trong lời ăn tiếng nói, đối nhân xử thế, cử chỉ lịch sự, văn hóa, nền nã, khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ và đặt mục tiêu cũng như ước mơ cho mình để được vào ngành sư phạm.
Cô Duyên chia sẻ thêm: Khi trở thành một giáo viên, tôi rất tâm huyết với công việc, yêu mến các con như con ruột của mình. Nhờ đó các em cũng đã yêu thích, chăm chỉ và hăng say, nỗ lực học tập hơn, kết quả học tập ngày được nâng cao. Các em ngày càng kính trọng và biết ơn các thầy cô nhiều hơn. Đây cũng là động là để tôi yêu nghề, tâm huyết đến thời điểm này.
Năm 2018, với tỉnh yêu biển đảo đất nước, đồng thời với mong muốn đóng góp một phần sức lực nhỏ bé của mình để vun đắp xây dựng ngành giáo dục quê hương, cô giáo Lê Thị Duyên đã tình nguyện chuyển công tác đến trường THCS Nghi Sơn – nơi xã đảo còn quá nhiều khó khăn. Cô giáo Duyên bồi hồi chia sẻ thêm: Khi mới đặt chân tới xã đảo Nghi Sơn, tôi nhận thấy cuộc sống nơi đây có nhiều khác biệt so với đất liền, điển hình như việc phụ huynh thường gửi con cho ông bà, họ hàng, người thân để đi làm ăn xa. Nên một bộ phận nhỏ học sinh thiếu sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ, suy nghĩ của các em về việc học tập có phần khác hơn so với các bạn cùng lứa tuổi ở nơi khác. Thậm chí có một vài em có tâm lý: “Đến trường học để cho vui”. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo của Ban giám hiệu nhà trường, cũng như tâm huyết, quan tâm của các cán bộ giáo viên trường THCS Nghi Sơn trong những năm qua đã góp phần giúp cho tư tưởng, suy nghĩ của các thế học sinh tại Nghi Sơn về việc học tập đã từng bước đi lên. Kết quả học tập của các em ngày càng được nâng cao, kể cả chất lượng mũi nhọn lẫn đại trà. Trong những năm gần đây, chất lượng giáo dục của trường THCS Nghi Sơn thuộc vào một trong những trường tốp đầu của thị xã.
Cô giáo Lê Thị Duyên, trường THCS Nghi Sơn đang giảng dạy cho học trong giờ học
Đối với riêng cá nhân cô giáo Lê Thị Duyên, trong 10 năm qua, có tới 9 năm cô được xếp loại lao động xuất sắc, đạt nhiều thành tích cao trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cấp thị xã, cấp tỉnh môn Giáo dục công dân, nhận được nhiều bằng khen từ Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn.
Cô Duyên cho biết: Do 2 cháu không may bị như vậy, tôi đã phải dành nhiều thời gian để chăm sóc và giáo dục các con. Đêm đến, khi các con đã ngủ say, lúc này mình mới tranh thủ thời gian để nghiên cứu, tìm tòi ra những phương pháp giảng dạy, cách truyền đạt kiến thức văn hóa, xã hội một cách dễ hiểu, hiệu quả nhất, từ đó có kết quả lao động cao hơn, tốt hơn.
Trong suy nghĩ cũng như tình cảm của một người phụ nữ, gia đình, con cái được ưu tiên, quan tâm hàng đầu. Bên cạnh đó, tình yêu nghề, trách nhiệm với công việc cũng không kém gì gia đình. Quan điểm của mình về gia đình và công việc đều phải được quan tâm, coi trọng như nhau. Trong cuộc sống, kết quả lao động tốt là niềm vui, là động lực để lo cho gia đình và chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng các con.
Thầy Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Sơn cho biết: Cả hai vợ chồng cô giáo Lê Thị Duyên đã công tác tại trường từ năm 2018. Mặc dù có hoàn cảnh đặc biệt về gia đình khi có 2 con nhỏ bị mắc bệnh tự kỷ, song cô Duyên luôn có ý chí phấn đấu, nỗ lực, là một trong những cán bộ giáo viên có thành tích chuyên môn tốt, được các đồng nghiệp yêu quý, tôn trọng. Cô là một trong những giáo viên “cốt cán” đào tạo học sinh giỏi đi thi cấp thị xã, cấp tỉnh và đạt được nhiều bằng khen.
Bà Vũ Thị Thanh Vân: Trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo thị xã Nghi Sơn chia sẽ: Trong điều kiện hoàn cảnh gia đình đặc biệt về con cái, có thời điểm vợ chồng cô Duyên đã phải thay đổi giờ lên lớp cho nhau để có người chăm con. Tuy nhiên, không vì thế mà cô Duyên lùi bước, đầu hàng số phận hay bỏ bê công việc. Ngược lại, cô ấy đã rất kiên cường cùng con chiến đấu với bệnh tật, giành giật cho các con một tương lai tốt nhất có thể. Cô Duyên không chỉ hoàn thành tốt công việc với trách nhiệm cao mà còn đóng góp một phần tạo nên “giá trị tinh hoa” là chất lượng mũi nhọn của ngành, cô xứng đáng là một tấm gương cho học sinh noi theo.
Ngoc Thêm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu