Nhà máy xử lý rác “đắp chiếu” gần 10 năm

Tạp chí Biển Việt Nam - Liên quan đến dự án Nhà máy xử lý rác Phương Thảo tại huyện Long Hồ, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long đã có ý kiến yêu cầu các cơ quan chuyên môn khẩn trương kiểm tra, rà soát, hoàn thiện các thủ tục để thu hồi theo quy định.

Theo đó, ông Lê Quang Trung, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, rà soát và làm rõ diện tích đất của dự án Nhà máy xử lý rác do Công ty cổ phần (CTCP) Phát triển xây dựng Phương Thảo đầu tư tại huyện Long Hồ do có sự chênh lệch giữa Quyết định số 567/QĐ-UBND ngày 17/3/2009 và Quyết định số 1590/QĐ-UBND ngày 22/6/2021 của UBND tỉnh.

Khẩn trương tống đạt quyết định thu hồi đất đến người đại diện hợp pháp của Công ty trên (trường hợp không liên hệ được với người đại diện hợp pháp của Công ty thì đăng tải quyết định thu hồi đất trên báo, đài theo quy định).

Công ty Phương Thảo đóng cửa suốt thời gian dài

Đồng thời giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nhanh chóng thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, hoàn thiện các thủ tục thu hồi dự án theo quy định. Giao Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi Chi nhánh Ngân hàng phát triển (VDB) khu vực Cần Thơ về việc UBND tỉnh đã thu hồi dự án “Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt thành phẩm Compost bảo vệ môi trường, phục vụ nông nghiệp”, thu hồi đất của dự án và tổ chức đấu thầu mời gọi nhà đầu tư khác theo quy định.

“Lý do dự án bị thu hồi là do công nghệ, quy mô hiện tại của nhà máy này không phù hợp để tiếp tục triển khai. Yêu cầu VDB khu vực Cần Thơ phối hợp với địa phương di dời tài sản, trả lại mặt bằng để địa phương lập dự án mời gọi nhà đầu tư khác” – Thông báo số 89/ TB-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Long nêu rõ.

Nhiều sai sót

Qua tìm hiểu của phóng viên, dự án xử lý rác thải trên được cấp chứng nhận đầu tư lần đầu vào ngày 03/02/2009 với diện tích sử dụng đất 8 ha (bao gồm cả bãi rác cũ 2,4 ha), công suất xử lý 200 – 300 tấn rác/ngày, 36.000 tấn phân/năm; tổng mức đầu tư 192 tỷ đồng. Trong đó, vốn của nhà đầu tư là 29 tỷ đồng, vốn vay tổ chức tín dụng 163 tỷ đồng. Thời gian dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 12/2010.

Cơ sở vật chất tại công ty Phương Thảo đã xuống cấp trầm trọng

Trong lần cấp giấy chứng nhận đầu tư thay đổi lần thứ hai, ngày 26/10/2012, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 238 tỷ đồng. Trong đó vốn doanh nghiệp tự có 111 tỷ đồng, vốn vay VDB 127 tỷ đồng. Thời gian dự kiến đi vào hoạt động cũng được điều chỉnh đến tháng 1/2013.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long, ngày 1/4/2013, dự án Nhà máy xử lý rác Phương Thảo đã đi vào vận hành thử nghiệm. Trong quá trình kiểm tra để công nhận “Dự án đảm bảo phương án bảo vệ môi trường”, đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều sai sót tại dự án này.

Cụ thể, các vi phạm như nước thải sau xử lý chưa đạt quy chuẩn thải ra môi trường, tỷ lệ chất trơ sau xử lý còn cao hơn quy định, chưa có báo cáo tác động đánh giá môi trường (ĐTM) lò đốt chất thải thông thường, chưa nộp đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại…

Đáng chú ý, theo báo cáo ĐTM của dự án được phê duyệt tại Quyết định số 1924/QĐ-UBND ngày 20/8/2009 của UBND tỉnh Vĩnh Long, công nghệ nhà máy được cung cấp bởi Công ty TECSEM của Pháp với nội dung cụ thể là máy mới nhập khẩu đồng bộ, đơn vị này cũng hỗ trợ đào tạo chuyên viên vận hành, chuyển giao công nghệ cho Công ty Phương Thảo. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, công ty Phương Thảo đã tự ý thay đổi sang sử dụng thiết bị của Đức với công nghệ lên men ủ khí, phối hợp với đảo khí (Công nghệ Saraphin).

“Đối với thay đổi này, công ty Phương Thảo chưa gửi hồ sơ chứng minh công nghệ đã thay đổi tương đương với công nghệ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đây là vướng mắc lớn trong quá trình thẩm định để xét công nhận dự án đảm bảo phương án bảo vệ môi trường để đủ điều kiện đi vào vận hành chính thức”, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long cho biết.

Do những hạn chế nêu trên, công ty Phương Thảo không có cách khắc phục nên chỉ sau thời gian vận hành thử nghiệm, nhà máy phải tạm ngưng hoạt động.

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long, hiện nay phía VDB khu vực Cần Thơ cũng đang phối hợp cùng với địa phương trong việc xử lý tài sản thu hồi vốn vay tại dự án này. Tuy nhiên, qua nhiều lần đấu giá vẫn chưa tìm được đơn vị trúng đấu giá.

“Địa phương cũng rất sốt ruột thu hồi đất dự án để mời gọi nhà đầu tư khác vì sắp hết đất để tiếp tục chôn lấp rác. UBND tỉnh liên tục có văn bản đốc thúc phía VDB gấp rút thanh lý tài sản trên mặt đất, trả lại mặt bằng cho địa phương mời gọi nhà đầu tư khác nhưng tới nay, trên thực tế địa phương vẫn chưa thu hồi được khu đất này” , đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long cho hay.

Trong văn bản số 199/CTYPT ngày 29/12/2013 do bà Liêu Cát Phương Thảo, Giám đốc công ty ký gửi cho Phó thủ tướng Chính phủ cho biết, dự án đã vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam 127 tỷ đồng, tính đến thời điểm cuối năm 2013, lãi vay và lãi phạt của hợp đồng tín dụng này đã trên 160 tỷ đồng.

Do công nghệ xử lý ủ phân vi sinh không đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật, năm 2015, Công ty cổ phần phát triển xây dựng Phương Thảo đã xin chuyển sang công nghệ xử lý bằng công nghệ đốt. Với dự án này, công ty Phương Thảo tiếp tục được VDB cho vay tiếp 106 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty này vẫn không hoạt động cho đến nay.

Hiền Hữu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu