40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022):

Gieo chữ nơi đảo tiền tiêu: Ân tình người thầy mang quân hàm xanh

Tạp chí Biển Việt Nam - Đâu đó trên dọc dải đất Việt Nam hình chữ S, từ biên cương cho đến hải đảo, vẫn còn có những người lính bộ đội biên phòng làm thầy bất đắc dĩ để truyền dạy cái chữ, cái văn hóa cho đồng bào mình.

Dù không thuộc biên chế của ngành, nhưng những cống hiến, đóng góp của người thầy mang quân hàm xanh là rất lớn, có ý nghĩa trong sự nghiệp giáo dục và công cuộc “trồng người” nói chung.

Đảo nhỏ khó khăn

Sau gần 3 giờ đồng hồ theo tàu từ cửa biển Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), những vị khách phương xa chạm chân mình lên đảo Hòn Chuối ở cực Nam của Tổ quốc.

Nhìn từ xa, Hòn Chuối nhỏ nhắn thân thương đến lạ. Với diện tích khoảng 7 km2 và bạt ngàn cây rừng, đảo được phủ lên một màu xanh dịu dàng.

Ngoài lực lượng chức năng, hiện trên đảo có hơn 50 hộ dân sinh sống. Có thể ví, những người dân này như những người đi mở mang, xây dựng bờ cõi. Tầm 45 năm về trước, bà con đặt những bước chân đầu tiên lên đảo. Cơ duyên sương gió đã gắn bó họ lại mảnh đất này.

Trong ký ức về ngày ấy tứ bề khó khăn. Là tự cung tự cấp, thiếu thốn đủ thứ. Thức ăn, nước uống gì cũng thiếu. Thậm chí ở giữa biển khơi nhưng muối không có mà ăn. Người dân phải lấy cây, lá rừng ghép lại làm chỗ ở. Chắt từng ca nước đọng dưới các khe hang mang về dùng. Thì nói gì đến điện, đường, trường, trạm!

Đảo nhỏ và gió mạnh nên bà con sống chạy theo hướng gió, con nước. Với 2 mùa gió chướng, gió nồm, người dân ở Hòn Chuối phải có 2 “nhà”. Từ tháng 11 đến tháng 4 ở nhà ghềnh nam, từ tháng 5 đến tháng 10 chuyển nhà sang ghềnh bắc.

Dù hiện chưa bằng ở đất liền hay cả nhiều đảo lớn khác, nhưng Hòn Chuối cũng sung túc hơn xưa. Trong bức tranh về sự đổi thay ở đảo, câu chuyện dạy học như bước ra từ một miền cổ tích.

Vượt lên khó khăn, người lính biên phòng và học trò ở Hòn Chuối đã làm được những điều kỳ tích (Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng)

Lớp học của nghĩa tình biên phòng

Ngày ấy, những đứa trẻ ở Hòn Chuối trần truồng, đen nhẻm, nhút nhát. Cũng chẳng có đứa nào biết chữ. Đúng thôi, bởi lúc ấy chưa hề có lớp, có dạy học và đến cả cha mẹ lũ trẻ cũng mù chữ.

Trước tình cảnh ấy, Đồn Biên phòng Hòn Chuối quyết định lập lớp học tạm trên đảo với tên gọi “lớp học tình thương”, nhằm khẩn cấp xóa mù cho các cháu nhỏ. Thế là một ngôi nhà tạm được dựng lên trên núi để dạy chữ. Những người lính biên phòng được giao nhiệm vụ làm thầy giáo.

Đầu tiên lớp chỉ có 4 – 5 em. Nhưng cũng phải đi vận động, thuyết phục các em mới chịu đi học. Thời gian đầu thiếu thốn đủ thứ từ phấn, bảng, bút, sách vở; các chú bộ đội biên phòng phải gom góp, huy động khắp nơi. Mùa hè thì nóng nực, mùa mưa thấm dột. Khó để kể hết những gian truân lúc ấy.

Nhưng thầy trò cứ thế ê a học bài, đùm bọc nhau từ nhà đến lớp, từ lớp đến nhà. Đều đặn mỗi ngày, thầy giáo mang quân hàm xanh lại xuống núi, đến gành đón các cháu nhỏ, đếm đủ số lượng rồi thầy trò dắt díu nhau vượt hơn 300 bậc cấp vòng vèo để lên lớp. Trước dạy ăn nói lễ phép, sau dạy chữ. Tình thầy trò và niềm đam mê học hành cứ thế tăng lên mỗi ngày.

Khi xóa mù được rồi, các kiến thức dần được nâng cao. Cùng với đó, cơ sở vật chất, thiết bị ngày càng được hỗ trợ, vận chuyển từ đất liền ra đảo. Có gì tốt nấy, hễ có hàng cập đảo là cán bộ chiến sĩ đồn cùng với bà con nhân dân khuân vác lên núi. Khi đôi vai của người lính biên phòng chai sần đi, cũng là lúc lớp học được khang trang hơn.

Trong những người thầy mang quân hàm xanh ở đảo thì Thiếu tá Trần Bình Phục, Phó đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Hòn Chuối là người giữ thời gian lâu nhất với hơn 10 năm và hiện anh vẫn miệt mài cầm phấn đứng lớp.

Gặp anh khó đã đành, nói chuyện với anh càng khó bởi anh không có nhiều thời gian. Việc phải dạy, quản đến 6 lớp học ghép và nhiệm vụ ở đơn vị đã ngốn hết thời giờ của anh.

Nhìn lớp học của Thiếu tá Phục, nếu không được giới thiệu hẳn ai nấy đinh ninh chỉ 1 lớp, vì các em ngồi chung phòng. Có 22 cháu theo học từ lớp 1 đến lớp 6 ở trong 1 phòng. Có lẽ đây là lớp ghép đặc biệt nhất. 3 cái bảng dựng xung quanh, học trò ngồi thành từng cụm, chia thành từng hướng khác nhau; còn thầy Phục tả xung hữu đột.

Lớp học tình thương ở Hòn Chuối (Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng)

Đặc thù lớp như thế nên Thiếu tá Phục phải có phương pháp riêng. Lên lớp, anh cố gắng truyền đạt những kiến thức cô đọng, cơ bản nhất chứ dường như không thể dạy đại trà, chạy theo giáo án, chương trình chung. Cái anh quan tâm là tận dụng tối đa thời gian trên lớp, làm sao đạt được chất lượng cao nhất.

Để làm được điều đó, anh Phục phải thức đêm, miệt mài nghiên cứu giáo án, chương trình, rồi soạn nội dung bài giảng cho phù hợp. Xem ngày mai dạy gì, tuần tới thế nào. Quá nhiều môn học buộc anh phải sắp xếp, chuẩn bị kỹ càng để truyền đạt hết. Anh phải học hỏi, tự bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thường xuyên. Bây giờ có nhiều bài toán khó, anh phải gọi điện cầu cứu cho người quen ở đất liền.

Với giáo viên chuyên nghiệp e là còn gian nan. Nhưng thầy Phục và học trò đã làm được. Vượt qua hoàn cảnh, nhiều học sinh Hòn Chuối đã thành công. Trong lứa học trò đầu tiên có vài người tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định ở các nơi. Còn những học trò của Thiếu tá Phục cũng đã vào đất liền, học tiếp lên cấp 3.

Sau nhiều năm giảng dạy, lớp học tình thương do Đồn Biên phòng Hòn Chuối phụ trách đã đi vào nền nếp ổn định. 100% các em nhỏ trên đảo trong độ tuổi đến trường đều được đi học, biết đọc, biết viết và biết được những kiến thức căn bản của chương trình giáo dục hiện hành. Hằng năm, các em học hết cấp 1 đều được chuyển vào đất liền tiếp tục theo học, nuôi dưỡng ước mơ trở thành người có ích cho xã hội. Góp phần tích cực cùng lực lượng biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia của Tổ quốc.

Giúp dân làm kinh tế

Ít ai biết, dù khổ cực như vậy nhưng Thiếu tá Phục và nhiều đồng đội khác đã xung phong ra Hòn Chuối, rồi gắn bó với đảo nhỏ này luôn. Mọi thứ đến một cách tự nhiên chứ cũng không có trong dự tính.

Phải chăng, cái khó khăn đã níu giữ bước chân người lính biên phòng. Các anh muốn làm nhiều hơn thế nữa, để giúp đỡ bà con đảo phát triển về kinh tế lẫn văn hóa, xây dựng khối đại đoàn kết nơi tiền tiêu và bảo vệ vững chắc biên cương.

Đã có những mô hình kinh tế hay về với cư dân đảo như nuôi cá bớp. Có những đội nhóm đoàn kết khai thác đánh bắt thủy sản trên biển. Hay là đến cả con đường quanh đảo cũng được bà con gọi thân thương là “đường thầy giáo Phục”. Đi riết thành đường. Con đường ấy đã in hằn không biết bao nhiêu lượt dấu chân người thầy giáo mang quân hàm xanh đưa đón học trò của mình.

Thầy giáo quân hàm xanh Trần Bình Phục đồng hành cùng học trò nhiều năm liền (Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng)

Theo Thiếu tá Phục, lực lượng biên phòng trên đảo cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm mọi chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nhất là việc khai thác, đánh bắt nuôi trồng thủy hải sản, không đánh bắt sang vùng biển nước khác. Tạo sự đoàn kết, đồng thuận giữa lực lượng biên phòng và nhân dân.

Trên đảo đã và đang thực hiện hiệu quả nhiều mô hình, như: đảo không có tội phạm và tệ nạn xã hội; đảng viên phụ trách hộ gia đình; tay kéo biên phòng; phong trào hãy làm sạch biển; hũ gạo tình thương…

Thiếu tá Phục chia sẻ: “Tôi sẽ không thỏa mãn và dừng lại ở đó. Tôi nguyện sẽ phấn đấu tốt hơn, làm tốt hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ chính trị ngày một cao hơn, hoàn thiện hơn; nhất là trong việc đưa con chữ đến với trẻ em nghèo trên đảo Hòn Chuối. Tiếp tục vun đắp niềm tin, chắp cánh ước mơ cho các em ngày một bay cao hơn, xa hơn trên con đường tri thức. Đó cũng là ước mơ, mong muốn và niềm trăn trở của tôi”.

Lời tâm sự tận đáy lòng ấy, mong đó sẽ là cái kết đẹp cho ước nguyện và hành trình cống hiến của những người lính mang quân hàm xanh trên đảo tiền tiêu Hòn Chuối. (còn tiếp)

Cao Lãng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu