Thanh Hóa tổ chức lễ hội đền Bà Triệu năm 2024

Tạp chí Biển Việt Nam - Sáng 31/3, tại đền Bà Triệu (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc), UBND tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức lễ hội đền Bà Triệu năm 2024, kỷ niệm 1776 năm ngày mất anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh.
Dự lễ hội có các đồng chí: Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cùng đông đảo Nhân dân và du khách thập phương.
Tại đền Bà Triệu, các đại biểu đã dâng hương kính cáo trước anh linh anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và các bậc tiền nhân trong cuộc khởi nghĩa chống quân Ngô xâm lược. Sau nghi lễ, các đại biểu và đông đảo du khách thập phương đã ôn lại quá trình dựng cờ khởi nghĩa và công đức của nữ anh hùng Triệu Thị Trinh cùng những người có công trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Các đại biểu dâng hương kính cáo anh linh anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh.
Nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh (còn gọi là Triệu Trinh Nương, Bà Triệu) sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (năm 226) tại vùng núi Quan Yên (thuộc huyện Yên Định).
Căm thù lũ giặc tàn bạo, Bà Triệu đã cùng anh là Triệu Quốc Đạt dựng cờ khởi nghĩa, được Nhân dân khắp nơi nhiệt tình hưởng ứng. Từ Quan Yên quê nhà, bà đã cùng nghĩa quân vượt sông Chu sang núi Nưa (Nông Cống, Triệu Sơn) xây dựng căn cứ, tích luỹ lương binh, lập căn cứ lâu dài cho cuộc khởi nghĩa. Năm 247, từ núi Nưa, nghĩa quân của bà đã tấn công thành Tư Phố và giành thắng lợi trọn vẹn. Trên đà thắng lợi, nghĩa quân tiến xuống Bồ Điền (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc) cùng với Nhân dân địa phương xây dựng căn cứ lâu dài cho cuộc kháng chiến.
Trước tinh thần và khí phách của người con gái mới ngoài 20 tuổi, Nhân dân Cửu Chân (Thanh Hóa) đã nô nức gia nhập nghĩa quân của bà. Từ căn cứ Bồ Điền, nghĩa quân đã tiến đánh các thành ấp của giặc Ngô khiến cho địch từ Thái thú đến Huyện lệnh và binh lính kẻ bị giết, kẻ phải tháo chạy trong cơn hoảng loạn.
Hoảng sợ trước thanh thế và sức mạnh của nghĩa quân Bà Triệu, nhà Ngô đã phái Lục Dận, một tên tướng khét tiếng tàn ác cùng 8.000 quân với nhiều thuyền hùng hổ kéo sang hòng đè bẹp cuộc khởi nghĩa. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, trong một trận giao tranh ác liệt, Bà Triệu đã anh dũng quyên sinh trong sự tiếc thương, kính phục của Nhân dân, vào ngày 22 tháng 2 năm Mậu Thìn (248).
Đã 1776 năm trôi qua, nhưng tinh thần bất khuất của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, cùng sự hy sinh anh dũng của anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh luôn được Nhân dân Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung tự hào, kính ngưỡng. Đồng thời, những giá trị quý báu của lễ hội đền Bà Triệu vẫn luôn được Nhân dân gìn giữ, trao truyền và phát huy.
Hằng năm, trong 3 ngày từ 19 đến 22-2 âm lịch, đông đảo du khách thập phương lại hội tụ về làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc để được hòa vào lễ hội đền Bà Triệu. Lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, trong không gian rộng theo một quy trình khép kín rất chặt chẽ đền – lăng – đình, với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc và trang trọng, như: lễ mộc dục, tế lễ (rước kiệu, tế nữ quan), tế Phụng Nghinh, rước bóng, hội trận tại đình làng Phú Điền…
Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đọc diễn văn khẳng định vai trò, ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu.
Lễ hội Bà Triệu nhằm giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa, kiến trúc tiêu biểu, độc đáo của Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu gắn với tiềm năng văn hóa du lịch của xứ Thanh đến với bạn bè trong nước và quốc tế, thu hút du khách về với Khu di tích, về với xứ Thanh địa linh nhân kiệt; qua đó góp phần đầu tư, xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Lễ hội đền Bà Triệu năm 2024, kỷ niệm 1776 năm ngày mất anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh nhằm tri ân công đức cao dày của nữ tướng Triệu Thị Trinh, các bậc tiền nhân trong cuộc khởi nghĩa chống quân Ngô xâm lược; thể hiện niềm tự hào về những đổi thay, phát triển của quê hương Thanh Hóa hôm nay; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh dựng nước, giữ nước cho thế hệ trẻ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với thúc đẩy du lịch địa phương.
Ngọc Thêm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu