Thúc đẩy phát triển kinh tế từ biển Cần Giờ

Với nhiều lợi thế, tiềm năng từ biển, Cần Giờ đang được chú trọng, đầu tư, tạo đà phát triển kinh tế vùng.

Xác định Cần Giờ có nhiều lợi thế, tiềm năng biển, Ban Thường vụ Thành ủy TP.Hồ Chí Minh đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030.

Nghị quyết đã đưa ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế biển Cần Giờ với mục tiêu đến năm 2030, huyện Cần Giờ trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao.

Biển Cần Giờ

Cần Giờ có tiềm năng biển rất lớn

Huyện Cần Giờ nằm cách trung tâm thành phố khoảng 50km về phía đông nam và là huyện duy nhất của TP.Hồ Chí Minh giáp biển, với đường bờ biển kéo dài 23km. Huyện có tổng diện tích tự nhiên hơn 71.300 ha. Trong đó, diện tích rừng ngập mặn và sông rạch rất lớn, chiếm 70%. Rừng ngập mặn Cần Giờ ngoài đặc tính đan xen hệ thống kênh rạch chằng chịt còn chứa đựng các hệ sinh thái vô cùng phong phú và mang tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài động, thực vật đặc hữu của miền duyên hải Việt Nam.

Năm 2000, khu rừng này đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đây là Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam nằm trong mạng lưới 368 khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Bên cạnh đó, vịnh Cần Giờ là nơi các cửa sông lớn đổ ra biển như sông Cái Mép, Thị Vải, Lòng Tàu…và là lối vào của hệ thống cảng biển lớn nhất cả nước (Hiệp Phước, Cái Mép – Thị Vải).

Vị trí địa lý mang tính đặc thù, được thiên nhiên hết sức ưu đãi, Cần Giờ được mệnh danh là “lá phổi xanh” của TP.Hồ Chí Minh. Huyện Cần Giờ mang trong mình nhiều lợi thế và tiềm năng vô lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế biển.

Mạng lưới giao thông đường thủy Cần Giờ đóng góp những giá trị quan trọng cho TP.Hồ Chí Minh. Có thể nói Cần Giờ là một trong những cửa ngõ của TP.Hồ Chí Minh, là nơi diễn ra các hoạt động đi lại, vận chuyển bằng đường thủy. Kiểm soát vấn đề ra – vào TP.Hồ Chí Minh tại đây phải luôn được thực hiện chặt chẽ, nghiêm ngặt. Chính vì vậy, Cần Giờ càng khẳng định vị trí quan trọng trong chiến lược biển và lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

Rừng ngập mặn Cần Giờ – Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Ngoài ra, Cần Giờ còn có 7 di tích, di sản được xếp hạng và 1 làng nghề truyền thống (làng muối xã Lý Nhơn). Đặc biệt phải kể đến di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác Cần Giờ, nơi ghi dấu chiến tích, sự chiến đấu, hy sinh anh dũng của các chiến sĩ đặc công Đoàn 10 anh hùng.

Bên cạnh đó, theo ThS.Huỳnh Bá Lộc, về mặt khảo cổ học, cho đến nay, trên địa bàn huyện Cần Giờ đã phát hiện 26 di tích khảo cổ học phân bố trên các giồng/gò đất ven các con sông Vàm Sát, rạch Gốc Tre Lớn (Lý Nhơn), sông Hà Thanh, Bà Vú, Bãi Tiên (Long Hòa), và trên một vài giồng đất ở giữa cồn cát cổ xã Cần Thạnh.

Tích cực phát huy thế mạnh vốn có của Cần Giờ

Nghị quyết số 12-NQ/TU về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030 của Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nêu rõ quan điểm xây dựng, phát triển huyện Cần Giờ đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế – xã hội TP.Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, với sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân thành phố nhằm khai thác, phát huy lợi thế, tiềm năng biển để Cần Giờ trở thành một trong những không gian mới, động lực mới thúc đẩy phát triển TP.Hồ Chí Minh.

Xây dựng và phát triển huyện Cần Giờ trở thành thành phố biển mang đặc trưng của một thành phố tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường, trong đó du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao là mũi nhọn, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phát triển nhanh, đời sống người dân nâng cao, bộ máy quản lý nhà nước tại địa phương được tổ chức tinh gọn, hiệu quả là toàn bộ nội dung của mục tiêu tổng quát của TP.Hồ Chí Minh.

Nhằm đạt được mục tiêu đã nêu, TP.Hồ Chí Minh đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó có quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ – Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Thành phố chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế biển, từng bước định hình và thúc đẩy các ngành kinh tế chủ lực và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hình thành các loại hình dịch vụ, dịch vụ phụ trợ kinh tế biển.

Tuy nhiên, bảo vệ môi trường và đảm bảo bảo an ninh quốc phòng tại Cần Giờ vẫn được đặt lên hàng đầu.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM