Vận dụng nguyên tắc xây dựng đạo đức mới Hồ Chí Minh vào nâng cao đạo đức cán bộ quân đội hiện nay

Tạp chí Biển Việt Nam - Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức là hệ thống những quan điểm cơ bản và toàn diện, sâu sắc của Người về đạo đức, bao gồm vị trí, vai trò, những chuẩn mực đạo đức cơ bản và các nguyên tắc xây dựng đạo đức mới để xây dựng, rèn luyện, giáo dục đạo đức cho mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam. Vận dụng nguyên tắc đạo đức Hồ Chí Minh vào nâng cao đạo đức người cán bộ quân đội là đưa những chuẩn mực, những nguyên tắc đạo đức cách mạng xâm nhập vào cán bộ quân đội, xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng; có đủ phẩm chất đạo đức cách mạng, đủ năng lực và bản lĩnh, có nhân cách tốt để góp phần xây dựng quân đội cách mạng, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh là sự khác biệt về chất so với đạo đức cũ (đạo đức trong xã hội phong kiến và thuộc địa nửa phong kiến). Trong hệ thống các quan điểm của Người về xây dựng đạo đức mới, nổi bật là những quan điểm về nguyên tắc xây dựng đạo đức. Sự khác biệt của Hồ Chí Minh khi nêu ra những nguyên tắc cơ bản, định hướng cho việc xây dựng nền đạo đức mới ở Việt Nam là đề cao việc rèn luyện, thực hành đạo đức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Có thể khái quát một số quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh về nguyên tắc xây dựng đạo đức mới như sau:

Thứ nhất, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức

Hồ Chí Minh coi đây là nguyên tắc quan trọng bậc nhất trong xây dựng một nền đạo đức mới. Đối với mỗi người, nhất là đối với những người lãnh đạo, lời nói phải đi đôi với việc làm thì mới đem lại hiệu quả thiết thực cho chính bản thân và có tác dụng đối với người khác. Nếu nói nhiều, làm ít, nói mà không làm, hơn nữa nói một đằng làm một nẻo thì chỉ đem lại hiệu quả phản tác dụng. “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG – Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.672).

Nêu gương về đạo đức có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống, có ý nghĩa thúc đẩy xã hội phát triển. Nói đi đôi với làm phải gắn liền với nêu gương về đạo đức. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.(Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 2, tr.284).

Người cho rằng, hơn bất cứ một lĩnh vực nào khác, trong việc xây dựng một nền đạo đức, đạo đức cách mạng phải đặc biệt chú trọng “đạo làm gương”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.672).

Trong gia đình, đó là tấm gương của bố mẹ đối với con cái, của anh chị đối với các em; trong nhà trường, đó là tấm gương của thầy cô giáo đối với học sinh; trong tổ chức, tập thể là tấm gương của người lãnh đạo, phụ trách, của cấp trên đối với cấp dưới; trong xã hội là tấm gương của người này đối với người kia, của thế hệ đi trước đối với thế hệ đi sau.

Thứ hai, xây đi đôi với chống  

Cùng với việc xây dựng những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, nhất thiết phải chống những biểu hiện sai trái, xấu xa, trái với những yêu cầu đạo đức mới. Vì vậy, trong lĩnh vực đạo đức xây phải đi đôi với chống, muốn xây phải chống, chống nhằm mục đích xây. Xây dựng đạo đức mới trước hết phải được tiến hành bằng việc giáo dục những phẩm chất, những chuẩn mực đạo đức mới từ trong gia đình đến nhà trường và ngoài xã hội; thông qua hoạt động thực tiễn; cụ thể hoá phẩm chất đạo đức chung cho phù hợp với từng đối tượng khác nhau và điều quan trọng là phải khơi dậy sự ý thức của mỗi người.

Kết hợp xây đi đôi với chống những cái ác, tiến tới xoá bỏ, diệt trừ cái ác. Việc chống những cái xấu, cái sai, cái vô đạo đức, phải được tiến hành bằng tự phê bình và phê bình; bằng giáo dục, thuyết phục, bằng kỷ luật của Đảng hay bằng pháp luật của Nhà Nước. Người đặc biệt coi trọng việc chống chủ nghĩa cá nhân, vì chủ nghĩa cá nhân là một thứ bệnh cực kỳ nguy hiểm, nó đẻ ra hàng trăm thứ bệnh khác như tham ô, hủ hoá, lãng phí, xa hoa, tự cao, tự đại, chuyên quyền, tham danh, trục lợi… Để việc xây và chống có kết quả, theo Người, để xây và chống hiệu quả thì phải: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.672)

Thứ ba, phải tu dưỡng đạo đức suốt đời

Theo Hồ chí Minh, đã là người thì ai cũng có chỗ hay, chỗ dở, chỗ tốt, chỗ xấu, ai cũng có thiện, có ác trong mình. Vấn đề là dám nhìn thẳng vào con người mình, không tự lừa dối, huyễn hoặc; thấy rõ cái hay, cái tốt, cái thiện để phát huy, thấy rõ cái dở, cái xấu để khắc phục. Đối với mỗi người, việc tu dưỡng đạo đức phải được thực hiện trong mọi hoạt động thực tiễn, trong mọi quan hệ xã hội. Người viết: “đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển củng cố. Cũng như ngọc càng ngày càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 11, tr.612), “điều gì phải, thì cố làm cho kỳ được, dù là việc nhỏ. Điều gì trái, thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ”. Vì vậy, phải thường xuyên chăm lo tu dưỡng đạo đức như việc rửa mặt hàng ngày; phải làm kiên trì, bền bỉ, suốt đời. Người thường nhắc nhở: Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển, củng cố; cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong.

Bác Hồ với nữ chiến sĩ thi đua miền Bắc _Tranh của họa sĩ Vương Trình, sáng tác năm 1967 _ Ảnh: tư liệu.

Những nguyên tắc về xây dựng đạo đức mới của Hồ Chí Minh cho đến ngày nay vẫn còn giữ nguyên tính thời sự, soi sáng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, trong đó có đội ngũ cán bộ quân đội học tập, rèn luyện và vận dụng trong xây dựng đạo đức cách mạng trong giai đoạn cách mạng mới. Vận dụng những nguyên tắc xây dựng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng những chuẩn mực, nguyên tắc đạo đức của người cán bộ quân đội sẽ giúp họ trở thành những tấm gương ngời sáng về đạo đức cách mạng, thực sự là hạt nhân đoàn kết trong lãnh đạo, chỉ huy đơn vị. Tuy nhiên, trước tác động của nền kinh tế thị trường, đã có một bộ phận cán bộ quân đội không còn giữ nguyên được phẩm chất cao quý đó, họ chưa thực sự là tấm gương cho chiến sỹ noi theo. Trong quản lý đơn vị họ còn nặng về mệnh lệnh hành chính mà chưa quan tâm đến giáo dục, thuyết phục, nêu gương; còn không ít cán bộ có tính gia trưởng, quan liêu gây ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước gắn với quá trình xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay đòi hỏi cần phải vận dụng nguyên tắc đạo đức Hồ Chí Minh vào rèn luyện đạo đức của người cán bộ quân đội một cách triệt để và sáng tạo hơn nữa. Trong đó, cần tập trung làm tốt một số nội dung, yêu cầu chính sau đây:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức về nguyên tắc đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và gắn sát với tình hình thực tiễn hiện nay

Tuyên truyền, giáo dục cho mọi cán bộ trong quân đội nhận thức sâu sắc về các nguyên tắc xây dựng đạo đức Hồ Chí Minh là cơ sở tạo chuyển biến trong xây dựng đạo đức mới xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh cần đổi mới nội dung, hình thức truyền đạt, cần quan tâm đến phương pháp nêu gương của cán bộ cấp trên đối với cấp dưới, của cán bộ đối với chiến sĩ, thực hiện tốt phương châm “nói ít, làm nhiều; nói đi đôi với làm”. Đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt, việc tốt; làm tốt việc nhân điển hình tiên tiến ở các đơn vị; đồng thời cần chú trọng giáo dục tình thương yêu đồng chí, đồng đội cho mọi quân nhân, tập trung trước hết vào đội ngũ cán bộ từ đại đội trưởng xuống đến tiểu đội trưởng, những cán bộ trực tiếp hàng ngày cùng ăn, cùng ở, cùng huấn luyện và công tác với chiến sỹ. Bên cạnh đó, phải xử lý nghiêm những biểu hiện quân phiệt trong đơn vị. Gắn công tác tuyên truyền giáo dục với thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phong trào thi đua quyết thắng của đơn vị.

Hai là, xây dựng các tổ chức trong đơn vị thực sự trở thành môi trường đạo đức tích cực để giáo dục, củng cố tăng cường đạo đức cách mạng cho mỗi người cán bộ quân đội

Xây dựng chi bộ, cấp ủy đảng cơ sở trong sạch tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, vai trò của các tổ chức chỉ huy, tổ chức quần chúng trong bồi dưỡng, giáo dục, giám sát sự rèn luyện đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc đạo đức Hồ Chí Minh với những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng cán bộ. Bởi cán bộ và công tác cán bộ là then chốt của mọi then chốt, vấn đề đạo đức của người cán bộ quân đội là vấn đề hết sức quan trọng, sống còn trong sự nghiệp xây dựng quân độ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và là vấn đề quyết định đến việc xây dựng chi bộ, cấp ủy đảng trong sạch vững mạnh. Góp phần đấu tranh với những tư tưởng phi đạo đức trong đơn vị, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong nội bộ đơn, góp phần xây dựng đon vị vững mạnh toàn diện, chi bộ trong sạch vững mạnh. Cùng với đó, chi bộ, cấp ủy đảng cơ sở cần xây dựng và phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ đảng viên, đặc biệt đảng viên là cán bộ chủ chốt. Bởi, xây dựng đạo đức của cán bộ chủ chốt là mấu chốt của mấu chốt trong công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ; cũng như trong phát huy vai trò nêu gương đối với cấp dưới.

Ba là, phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ các cấp nhất là người đứng đầu

Tự tu dưỡng, rèn luyện là yếu tố quyết định trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả quá trình nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người cán bộ quân đội theo nguyên tắc đạo đức Hồ Chí Minh là hành động tự giác của mỗi cá nhân trong việc rèn luyện năng lực công tác, có tinh thần ham học hỏi cầu tiến bộ, khắc phục những hạn chế của bản thân. Tự tu dưỡng, rèn luyện là quá trình người cán bộ quân sự tự đấu tranh với chính bản thân mình trong khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm, hạn chế của mình đó chính là đấu tranh để chiến thắng chủ nghĩa các nhân. Đồng thời, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm không ngừng hoàn thiện đạo đức, nhân cách người cán bộ quân đội cách mạng. Trong thực hiện tự phê bình và phê bình, người cán bộ quân đội phải có thái độ nghiêm túc trong tiếp thu ý kiến đóng góp của tập thể, nhưng cũng cần chống thái độ “dễ người, dễ ta”, hoặc lợi dụng phê bình để thực hiện mục đích cá nhân, không trong sáng. Ngoài ra, mỗi cán bộ quân sự cần tích cực tham gia vào các hoạt động chuyên môn, tạo ra cơ sở tự nhận thức vị trí, vai trò và động lực phát triển toàn diện cả về phẩm chất đạo đức, năng lực chỉ huy, góp phần xây dựng cán bộ quân đội vừa “hồng”, vừa “chuyên” thật sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư.

Bốn là, phát huy vai trò các tổ chức trong xây dựng đạo đức cán bộ quân đội

Việc phát huy vai trò các tổ chức mà đặc biệt là tổ chức đảng có ý nghĩa quyết định trong xây dựng đạo đức cán bộ. Vì thế, cần làm tốt việc xây dựng tổ chức đảng thực sự trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện. Coi trọng xây dựng chi bộ, cấp ủy đảng cơ sở trong sạch vững mạnh, trong đó có tiêu chí về rèn luyện đạo đức. Chi bộ từng cơ quan, đơn vị phải thực sự là hạt nhân trung tâm đoàn kết của đơn vị, lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, là môi trường quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên làm nòng cốt cho giáo dục, rèn luyện đơn vị.

Phát huy vai trò của người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị và các tổ chức quần chúng ở các cấp trong giáo dục, rèn luyện xây dựng đạo đức cách mạng. Phát huy tốt vai trò các các nhân tố này sẽ đạt hiệu quả tối ưu trong xây dựng đạo đức quân nhân, vì sự phối hợp đồng bộ các tổ chức trong đơn vị có tác động trực tiếp, liên tục tới hình thành, củng cố phẩm chất đạo đức quân nhân.

Năm là, Tiếp tục xây dựng cơ chế phù hợp và đẩy mạnh việc biểu dương gương người tốt, việc tốt với đi đôi với việc đấu tranh chống những biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống trong đội ngũ cán bộ quân đội

Xây dựng đạo đức cán bộ quân đội có tính đặc thù trong hoạt động quân sự, đương nhiên nó không thể thành công với cách làm qua loa, chiếu lệ, hình thức và nhất là quan niệm sai lầm cho đạo đức là cái có sẵn. Đó là cách làm việc chủ quan, phiến diện và cần loại bỏ, bởi đạo đức cán bộ quân đội cách mạng chỉ được hình thành trên cơ sở một quá trình giáo dục, rèn luyện lâu dài, gian khổ, kiên trì, bền bỉ. Do vậy, cần làm tốt việc gắn rèn luyện đạo đức cán bộ quân đội với đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống cách làm việc kiểu máy móc, chuyên quyền, “yêu nên tốt, ghét nên xấu”; luôn luôn cảnh giác trong đấu tranh làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch. Khắc phục ngay mọi biểu hiện mơ hồ, ảo tưởng về giá trị “đạo đức phương Tây” đặc biệt là lối sống thực dụng.

Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh với các chiến sĩ Hải quân, ngày 31-3-1959. Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Trong giai đoạn hiện nay, các nguyên tắc của Hồ Chí Minh về xây dựng đạo đức mới vẫn giữ nguyên giá trị và có ý nghĩa to lớn trong xây dựng đạo đức cán bộ Quân đội nó không chỉ giúp nâng cao đạo đức của người cán bộ quân đội; mà còn góp phần tư dưỡng, rèn luyện các phẩm chất, chuẩn mực và nguyên tắc đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ quân đội theo đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội, đồng thời củng cố, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với quân đội trong tình hình mới.

Phạm Văn Hiếu (Giảng viên, Khoa HCM học, HVCT, BQP); ThS. Hoàng Liên Hương (Khoa Chính trị học Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu