Vào thủ phủ nhuyễn thể Kim Sơn

Tạp chí Biển Việt Nam - Sản xuất giống nhuyễn thể đang là một trong những hướng đi đem lại thu nhập cao cho nhiều nông dân vùng ven biển huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Tuy nhiên, để nghề này phát triển bền vững thì việc quy hoạch chi tiết, chuyển giao khoa học công nghệ, xúc tiến đầu tư... cần phải được chú trọng hơn nữa.

Chinh phục con giống mới, thị trường mới

Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi và nhu cầu ngày một cao của thị trường, thời gian qua đã có một làn sóng đầu tư sản xuất giống nhuyễn thể mạnh mẽ từ nhiều hộ gia đình, đơn vị, doanh nghiệp ở huyện ven biển Kim Sơn. Nếu như thời điểm năm 2012-2015 số cơ sở sản xuất chỉ lẻ tẻ vài hộ thì hiện nay tổng số trại giống trên địa bàn huyện đã vào khoảng 300; nhiều nhất là Kim Trung, còn lại rải rác ở Kim Đông, Kim Hải, thị trấn Bình Minh, quy mô các trại trung bình từ 1-1,5 ha/trại.

Sản xuất giống nhuyễn thể tại doanh nghiệp tư nhân Hải Tuấn, huyện Kim Sơn (Ninh Bình).

Là một trong những người đầu tiên đưa nghề sản xuất giống nhuyễn thể về vùng ven biển Kim Sơn, ông Nguyễn Văn Môn, chủ doanh nghiệp tư nhân Hải Tuấn (xã Kim Hải) chia sẻ: “Trước đây, các con giống nhuyễn thể chủ yếu được người dân khai thác ngoài tự nhiên đưa về nuôi. Tuy nhiên, sau này, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, thị trường trở nên khan hiếm. Nắm bắt được cơ hội này, năm 2012 người dân ở đây đã mày mò, sản xuất được con ngao giống. Năm 2017, khi thị trường ngao giống trở nên bão hòa, thì chúng tôi lại tìm tòi, chinh phục thành công kỹ thuật sản xuất giống hàu. Còn thời điểm hiện tại, bà con đang manh nha làm thêm con sò huyết”.

Cũng theo ông Môn, sản xuất giống nhuyễn thể ít chịu ảnh hưởng của thời tiết hơn các đối tượng nuôi khác nên độ rủi ro thấp hơn, trong khi đó thời gian quay vòng rất nhanh (chỉ khoảng 1 tháng). Bởi vậy, ở vùng biển này nhiều người giàu lên nhờ nó. Như trại sản xuất giống 5,5 ha của gia đình ông, chưa năm nào chịu thua lỗ, riêng năm 2021 vừa qua, sản xuất tới 2 vạn chùm giống hàu, thu về ngót nghét 2 tỷ đồng.

Còn ông Đinh Văn Giang, Giám đốc HTX Thủy sản Kim Trung cho biết thêm: “Trước kia, ngao hầu giống trong vùng chủ yếu xuất đi Hải Phòng, Quảng Ninh nuôi thương phẩm, nên có thời điểm xảy ra tình trạng dư thừa, mất giá. Tuy nhiên từ cuối năm 2021 đến nay, nhờ năng động trong tìm kiếm thị trường cũng như chất lượng con giống được khẳng định nên bà con đã mở rộng thị trường từ Thanh Hóa vào các tỉnh phía nam (đặc biệt là Nha Trang) để nuôi làm thức ăn cho tôm hùm. Nhờ vậy, sản lượng, giá trị ngao, hàu giống trên địa bàn liên tục tăng. Hiện nay, toàn xã Kim Trung có khoảng 170 cơ sở sản xuất giống ngao, hàu, diện tích khoảng hơn 120 ha với giá trị ước đạt trên 50 tỷ đồng mỗi năm”.

Cần sớm có quy hoạch vùng sản xuất cụ thể

Kim Sơn là vùng biển bồi, độ mặn thấp, rất thuận lợi để sản xuất giống nhuyễn thể. Trong khi đó nhuyễn thể lại là một trong những mặt hàng quan trọng của thủy sản Việt Nam. Theo số liệu từ Tổng cục Thủy sản, tổng diện tích tiềm năng nuôi nhuyễn thể tại các vùng ven biển từ Quảng Ninh tới Kiên Giang là trên 206.000 ha, mà hiện tại diện tích thực nuôi của cả nước mới vào khoảng 41.000 ha nên thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng.

Rõ ràng, thị trường đối với con giống nhuyễn thể là rất rộng mở. Do vậy, mong muốn của nhiều người dân ven biển Kim Sơn hiện nay là được tạo điều kiện về đất đai, quy hoạch, nguồn vốn… để yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất.

Sản xuất giống nhuyễn thể tại Kim Sơn (Ninh Bình)
Sản xuất giống nhuyễn thể tại Kim Sơn (Ninh Bình).

Ông Nguyễn Văn Môn tâm sự: “Ông trời đã ban tặng cho Kim Sơn lợi thế về tự nhiên, thổ nhưỡng, nguồn nước tuyệt vời để sản xuất giống nhuyễn thể mà ít nơi nào có được, nếu không tận dụng tốt thì quá lãng phí. Hiện nay, doanh nghiệp của tôi đang đưa vào sản xuất thử nghiệm giống sò huyết – một loài rất có giá trị, bước đầu đã cho kết quả khả quan; tuy nhiên cái khó là thiếu đất sản xuất. Mong muốn của tôi là tỉnh, huyện sớm có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cụ thể đối với vùng ngoài đê Bình Minh II để doanh nghiệp có cơ hội ký hợp đồng thuê đất lâu dài, đầu tư xây dựng trại sản xuất giống”.

Không chỉ vướng về quy hoạch, đất đai, thực tế cho thấy, hiện nay, hoạt động sinh sản nhân tạo giống ngao, hàu đang có chiều hướng mở rộng nhưng còn gặp nhiều khó khăn trong về điều kiện môi trường, nguồn giống bố mẹ… dẫn đến tỷ lệ thành công chưa cao. Hầu hết các cơ sở sản xuất giống nhuyễn thể đang tự phát, chủ yếu là do người dân tự đi học hỏi kinh nghiệm các nơi về làm và các trại sản xuất hiện đa phần nhỏ lẻ, manh mún, không có quy hoạch, thiếu gắn kết, trách nhiệm lẫn nhau… do đó khó quản lý về chất lượng. Ngoài ra, việc đầu tư hạ tầng cũng chưa đồng bộ, hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản còn nhiều bất cập.

Theo quyết định số 406/QĐ-UBND ngày 29/4/2022 của UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt đề án phát triển kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2022-2025 thì ngao, hàu giống được xác định là sản phẩm chủ lực của tỉnh, được định hướng phát triển sản xuất ở tiểu vùng ven biển. Do vậy nhu cầu ổn định và mở rộng quy mô sản xuất của các cơ sở là hoàn toàn chính đáng.

Thiết nghĩ, thời gian tới, rất cần sự quan tâm của các ngành chức năng để sớm có quy hoạch vùng sản xuất thủy sản, giúp người dân yên tâm đầu tư cơ sở vật chất, vay vốn mở rộng sản xuất. Đồng thời tăng cường việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ thuật sản xuất cho bà con.

Hương Lúa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu