Dự thảo quy hoạch cảng biển 2021-2030 vắng bóng “siêu cảng” Cần Giờ

Tạp chí Biển Việt Nam - Trước đề nghị bổ sung Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP.HCM) vào quy hoạch chi tiết cảng biển nhóm 4, Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) cho biết, Cảng Cần Giờ vẫn chưa có tên trong quy hoạch tổng thể quốc gia.

Mới đây, tại hội thảo lấy ý kiến về “quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), ông Phạm Anh Tuấn đã đề nghị Bộ GTVT bổ sung, cập nhật Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào quy hoạch chi tiết cảng biển nhóm 4 theo tinh thần của Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, ông Tuấn đề nghị bổ sung Cảng Cần Giờ tại mục kết cấu hạ tầng: giai đoạn đến năm 2030 hoàn thành đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với chiều dài bến chính 3km cho tàu 20.000 teus, bến cho sà lan có trọng tải 5000 DWT. Hàng hóa dự kiến thông qua 6 triệu teus và chủ yếu là hàng trung chuyển do hãng tàu MSC mang đến. Đến năm 2040, toàn bộ dự án chiều dài bến dài 6,8km, tiếp nhận tàu 24.000 teus và sản lượng hàng hóa trung chuyển dự kiến đạt 18 triệu teus.

Hội thảo lấy ý kiến về “quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”).

Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang giải đáp: quy hoạch nhóm cảng biển được xây dựng dự thảo trên quy hoạch tổng thể quốc gia. Tuy nhiên, Cảng Cần Giờ hiện chưa có tên trong quy hoạch tổng thể quốc gia. Do vậy, chỉ có thể kỳ vọng từ nay đến khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, sẽ có cập nhật Cảng Cần Giờ vào quy hoạch cấp cao hơn. Khi đó, Bộ GTVT mới có cơ sở đưa vào quy hoạch chi tiết nhóm.

Bên cạnh kiến nghị bổ sung Cảng Cần Giờ vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, VIMC cho biết: Cảng Sài Gòn và hãng tàu MSC đang đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, đề xuất phát triển cảng trung chuyển container quốc tế tại khu vực Cần Giờ có khả năng tiếp nhận tàu mẹ trọng tải lên đến 250.000DWT, tổng chiều dài cầu bến chính khoảng 6,8km, nhu cầu sử dụng đất khoảng 570ha. Dự án có công suất thiết kế 15 triệu teus.

Được biết, trước đó, UBND TP.HCM đã đề xuất xây cảng trung chuyển quốc tế công suất gấp gần 3 lần cảng Cát Lái, tổng đầu tư 6 tỷ USD, được đề xuất xây dựng ở huyện Cần Giờ để tạo đột phá kinh tế biển TP.HCM.

Theo UBND TP.HCM, bến Cần Giờ ở cửa sông Cái Mép mực nước sâu, nằm trên các tuyến hàng hải quốc tế, có thể đáp ứng tàu tải trọng lớn như các tuyến ở châu Âu, Phi, Mỹ. Đây là điều kiện thuận lợi hình thành cảng container quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực cũng như đột phá phát triển kinh tế biển thành phố và cả nước.

Để hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư dự án, UBND TP kiến nghị Thủ tướng giao các bộ ngành liên quan đánh giá lợi thế, khả năng đáp ứng các điều kiện… hình thành khu cảng. Đồng thời, kiến nghị Trung ương xem xét, đề xuất điều chỉnh quy hoạch cảng biển khu bến Cần Giờ.

Phối cảnh dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Theo “Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” được Cục Hàng hải trình Bộ GTVT thẩm định nêu rõ, danh mục các nhiệm vụ ưu tiên đầu tư và nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng công cộng và cảng biển trọng điểm của hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030.

Cụ thể, trong việc đầu tư các bến cảng biển, đến năm 2025, tập trung đầu tư các bến 3, 4, 5, 6 tại khu bến Lạch Huyện; bến khởi động tại khu bến Liên Chiểu và các bến cảng chính thuộc cảng biển loại l.

Ngoài ra, tập trung các bến khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch và các bến cảng quy mô lớn gần trung tâm điện lực than, khí, xăng dầu, luyện kim.

Cùng đó, phát triển các bến phục vụ khu kinh tế ven biển, cũng như kêu gọi đầu tư các bến cảng tại các cảng biển tiềm năng Vân Phong và Trần Đề.

Đến năm 2030, ưu tiên đầu tư bến khởi động khu bến Nam Đỗ Sơn (Hải Phòng) và các bến cảng tại khu vực Cái Mép hạ và hạ lưu Cái Mép hạ và khu bến Trần Đề (Sóc Trăng).

Việc đầu tư các bến cảng biển hầu hết sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp. Dự kiến, tổng mức đầu tư của các bến cảng biển thuộc 5 nhóm cảng biển (không bao gồm các cầu cảng chuyên dùng) đến năm 2030 khoảng 381.991 tỷ đồng.

Trang Vũ


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu