Cần Giờ: Giữ “lá phổi” của TP. Hồ Chí Minh luôn xanh

Tạp chí Biển Việt Nam - Cần Giờ được ví như lá phổi xanh của TP. Hồ Chí Minh. Những năm gần đây, huyện Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh) không ngừng tập trung tích cực đẩy mạnh các hoạt động quản lý rác thải nhựa, mang lại môi trường xanh – sạch – đẹp trên toàn huyện.

Trong năm 2022, UBND huyện Cần Giờ ban hành nhiều kế hoạch truyền thông về rác thải nhựa, đồng thời huyện đã và đang hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra, điển hình có các chương trình, hoạt động như: các hoạt động quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn huyện Cần Giờ, hoạt động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản, dự án “Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa tại Cần Giờ”,…Bà Nguyễn Thị Linh Phương – Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cần Giờ cho biết, năm 2022, huyện Cần Giờ đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải từ túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Cụ thể là kết quả trên địa bàn xã đảo Thạnh An.

Các điểm kiểm soát túi ni lông được thành lập nhằm hạn chế lượng rác thải từ ni lông.

Trong báo cáo số 4108/BC-UBND về sơ kết 03 năm thực hiện Kế hoạch giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy và triển khai Kế hoạch số 41/KHPH-HCG-STNMT ngày 21 tháng 3 năm 2022 giữa Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ và Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố về thực hiện Chương trình giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trên địa bàn xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ đã nêu rõ, sau gần 03 năm thực hiện, UBND xã Thạnh An đã thành lập được 10 Tổ vận động hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy với 40 thành viên, có trách nhiệm tuyên truyền vận động nhân dân, các hộ kinh doanh sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, giám sát giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy; triển khai trao tặng 25.000 túi thân thiện môi trường cho khách du lịch khi đến xã đảo Thạnh An; thu hồi 600 kg túi ni lông khó phân hủy quy đổi với Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp II thành 200 kg túi thân thiện, chuyển giao cho UBND xã Thạnh An phát cho người dân sử dụng, 02 đại lý trên địa bàn xã phân phối được 200 kg túi thân thiện.

Tổ chức tuyên truyền, vận động người dân hạn chế sử dụng túi ni lông ngay từ các cấp học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường.

Theo bà Nguyễn Thị Linh Phương, qua khảo sát, người dân trên địa bàn xã có hiểu được ý nghĩa, mục đích các chương trình và tác hại của túi ni lông khó phân hủy. Tuy nhiên, do đặc tính tiện lợi nên số lượng người dân tham gia chương trình vẫn còn hạn chế. Mặc dù kết quả đạt được chưa cao nhưng chương trình cũng đã tác động lớn đến nhận thức thay đổi của người dân. Chương trình đã có sức lan tỏa đến các địa bàn khác, đặc biệt là sự hưởng ứng của các cơ quan, ban ngành, trường học. Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ đã hưởng ứng thực hiện mô hình điểm giảm sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần tại điểm du lịch Dần Xây để tuyên truyền quảng bá cho du lịch sinh thái trên địa bàn huyện Cần Giờ và thu được hiệu quả nhất định.

Các chương trình “Kế hoạch nhỏ” thu gom giấy, báo, lon bia, nước ngọt…được các em học sinh trên địa bàn huyện hưởng ứng tích cực.

Thời gian tới, huyện Cần Giờ sẽ tiếp tục duy trì, phát huy các kết quả đạt được, thúc đẩy mạnh mẽ công tác hạn chế rác thải nhựa đại dương, đặc biệt bảo vệ môi trường rừng ngập mặn Cần Giờ – “lá chắn xanh” của TP. Hồ Chí Minh. Thông qua các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông về tác hại của các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy đối với biển và đại dương, các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người; các chương trình thu gom, xử lý rác thải nhựa đại dương, cách thức, ý nghĩa của việc phân loại chất thải tại nguồn, thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; triển khai nhân rộng mô hình tốt trong phong trào thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa khu vực ven biển, trên biển…, Cần Giờ hướng đến mục tiêu là huyện không rác thải nhựa, nhất là rác thải nhựa đại dương. Từ đó thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển như du lịch, kinh tế…, bà Nguyễn Thị Linh Phương khẳng định.

Tiểu Quyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu