Tiền Giang: Ô nhiễm tại biển Tân Thành, nhiều thắc mắc vẫn chưa có lời giải đáp

Tạp chí Biển Việt Nam - Ngày 6/12/2022, UBND huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) đã có văn bản phản hồi thông tin đến Tạp chí Biển Việt Nam liên quan đến tình trạng xả thải cũng như rác thải tại khu vực biển Tân Thành.

Theo văn bản phản hồi số 2995/UBND ngày 6/12/2022 của UBND huyện Gò Công Đông, số rác trên bãi biển là do thủy triều đẩy vào từ các nơi khác đến tập kết ven các quán trên. Khu vực ấp Tân Phú xã Tân Thành có 6 quán nhà sàn kinh doanh ăn uống. Trước đây, các quán này cất trên đất liền và đều có nhà vệ sinh đầy đủ. Tuy nhiên, sau khi bị sạt lở do thủy triều nên các hộ này cất nhà sàn để kinh doanh. Qua kiểm tra, hiện 2 quán có nhà vệ sinh trong đất liền, 4 quán còn lại không có đất phía trong đất liền nên xả nước thải trực tiếp xuống dưới sàn.

Văn bản phản hồi số 2995/UBND ngày 6/12/2022 của UBND huyện Gò Công Đông trả lời thông tin báo chí phản ánh.

Vi phạm là có, nhưng sẽ xử lý sao?

Trong văn bản trả lời của UBND huyện Gò Công Đông số 2995/UBND ngày 6/12/2022 cho biết: “có 4 quán còn lại không có đất phía trong đất liền nên xả nước thải trực tiếp xuống dưới sàn (4 quán này thực hiện chưa đúng quy định với cam kết kinh doanh)”.

Cũng theo văn bản trả lời báo chí số 1325/TNMT của Phòng TN&MT huyện Gò Công Đông ngày 09/11/2022 cho biết: “Lượng rác theo nội dung phản ánh là do lượng khách du lịch thăm quan xả thải và một lượng nhỏ từ biển trôi vào”.

Nhưng trên thực tế văn bản trả lời báo chí của UBND huyện Gò Công Đông số 2995/UBND ngày 6/12/2022 chỉ nêu vấn đề mà không đề cập đến vấn đề sẽ xử lý những vi phạm này như thế nào.

Nhà hàng kinh doanh nằm trên đống rác.

Một số người dân tại đây cũng cho biết những nhà sàn này đã được xây dựng từ lâu và nay đã có dấu hiệu xuống cấp, những công trình xây dựng có dấu hiệu lấn chiếm hành lang bờ biển. Tại đây không có bất cứ một biện pháp an toàn cho những du khách du lịch. Nếu để xảy ra tai nạn thì không biết hậu quả sẽ như thế nào.

Nhà hàng được làm bằng những cây gỗ tạp tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn.

Văn bản do UBND huyện cung cấp chưa phản ánh đúng trọng tâm những gì phóng viên ghi nhận cũng như gỡ rối những thắc mắc mà người dân quan tâm.

Liên quan đến việc người dân phản ánh vùng nuôi trồng thủy sản phía đất liền của các hộ nuôi tôm xả thải trực tiếp ra môi trường thì UBND huyện Gò Công Đông cho biết: “Qua kiểm tra thực tế, các đường ống này là ống bơm nước biển vào để cung cấp cho việc nuôi tôm, không phải ống xả thải như phản ánh. Qua kiểm tra, có trường hợp của nhà hàng Hương Biển bơm nước từ ao của nhà hàng này ra biển là do ao này không có đường thoát nước, ao tù, nước đọng vào mùa mưa không thoát được gây ngập khu vực nhà hàng ảnh hưởng đến việc buôn bán nên phải bơm ra biển. Nguồn nước trong ao là nước mưa và nước biển tràn vào khi triều cường dâng cao”.

Tuy nhiên, theo một số hình ảnh, video ghi nhận thực tế từ ngày 2 – 5/11, ngày 11 – 12/11 và 21 – 22/11/2022, đường ống nhựa (màu trắng) nối từ phía trong đất liền, khu vực ấp Tân Phú đang xả nước trực tiếp ra biển. Bên cạnh đó, khu vực xã Tân Điền (liền kề biển Tân Thành) cũng ghi nhận nhiều đường ống nhựa (màu đen) xả nước (màu đục) từ vùng nuôi trồng thủy sản phía trong.

Theo ghi nhận của phóng viên, một số đường ống tại xã Tân Thành và Tân Điền có dấu hiệu xả nước đen ra biển.

Trước đó, theo văn bản số 549/TCKH ngày 8/11/2022 của Phòng Tài chính-Kế hoạch Gò Công Đông, khu vực nuôi trồng thủy sản phía trong đất liền tại xã Tân Thành, một số hộ có đường ống xả nước trực tiếp ra biển vẫn chưa làm thủ tục đăng ký thành lập hộ kinh doanh, hiện nay UBND xã không có báo cáo về việc xả rác, chất thải xuống biển nên Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Gò Công Đông chưa kiểm tra và xử lý vi phạm.

Một số người dân sinh sống tại đây cũng cho biết quá trình nuôi tôm yêu cầu phải thay nước thường xuyên, những trang trại này đã cho xả thải ra hồ lắng rồi chảy thẳng ra biển. Nhưng câu hỏi đặt ra là nước xả thải tại những khu vực hồ nuôi tôm này có đảm bảo theo quy định hay không thì đó vẫn đang là một câu hỏi vẫn chưa được hồi đáp?

Những gì người dân phản ánh không phải là không có cơ sở khi những nhà hàng tại đây kinh doanh không đủ điều kiện về bảo vệ môi trường, những căn nhà gỗ, nhà tạm không đảm bảo về an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn cho du khách thăm quan du lịch đã diễn ra từ nhiều năm nay. Một số hộ nuôi tôm có đường ống xả nước trực tiếp ra biển vẫn chưa làm thủ tục đăng ký thành lập hộ kinh doanh.

Từ những điều trên, đề nghị chính quyền địa phương vào cuộc kiểm tra làm rõ những vấn đề người dân phản ánh. Cũng như đề nghị UBND huyện Gò Công Đông, UBND xã Tân Thành tiếp tục giải đáp thắc mắc của người dân về các vấn đề còn tồn đọng, tránh trường hợp người dân phản ánh kéo dài, gây hoang mang, bức xúc dư luận.

Ngoài hình thức xử phạt hành chính, căn cứ theo Khoản 2 và 3 của Điều 4, Nghị Định 45/2022/NĐ-CP có quy định một số hình thức xử phạt bổ sung trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bao gồm: Tước quyền sử dụng có thời hạn giấy phép môi trường; buộc phải khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu hoặc phục hồi môi trường theo quy định; buộc khôi phục lại trạng thái ban đầu do vi phạm hành chính gây ra; buộc phá dỡ công trình, thiết bị được xây lắp trái quy định về bảo vệ môi trường để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; buộc phải phá dỡ công trình; buộc phá dỡ công trình, nhà ở trái phép.

Căn cứ theo Điều 179 của Bộ Luật Hình sự 2015, tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, trong trường hợp này là biển - tài nguyên thiên nhiên quốc gia, người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí, có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm, đồng thời bị xử phạt kịch khung từ 5 - 10 năm tù.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc…

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu