Khắc sâu tình yêu biển đảo trong đồng bào Tây Nguyên

Tạp chí Biển Việt Nam - Là đơn vị tàu mặt nước chiến đấu hiện đại nhất Quân chủng Hải quân, những năm qua, cùng với hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, Lữ đoàn 162, Vùng 4 luôn chăm lo làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo và thu hút nguồn nhân lực, tạo sức lan toả sâu rộng trong đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Lâm Đồng là tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên, có tổng diện tích tự nhiên 9.772,19 km2; dân số khoảng hơn 1,4 triệu người, với 47 dân tộc sinh sống; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 25,72%; trong đó, 78 xã có đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên chiếm khoảng 18,4%. Việc lựa chọn và cung cấp thông tin về tình hình biển, đảo; đưa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; những kết quả nổi bật trong hoạt động bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, vùng biển; giới thiệu khái quát về Hải quân nhân dân Việt Nam trên lộ trình xây dựng tiến thẳng lên hiện đại… đòi hỏi phải có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt cả về nội dung; năng lực đội ngũ báo cáo viên và sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị cùng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ.

Âm vang biển đảo Tổ quốc trên những sân trường!

Khi ban mai chiếu rọi qua từng tán lá cũng là lúc đoàn công tác chúng tôi đến thực hiện nội dung tuyên truyền biển, đảo và thu hút nguồn nhận lực tại các trường trung học phổ thông năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Thượng tá Trần Trung Dũng, phó Chính uỷ Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân, trưởng đoàn công tác cho chúng tôi biết: Theo nội dung phối hợp hiệp đồng cùng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, năm 2023, chúng tôi thực hiện 5 buổi tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng 10 điểm trường trung học phổ thông tại 5 địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng gồm: huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Bảo Lâm, thành phố Bảo Lộc và Đà Lạt.

Toàn cảnh buổi tuyên truyền tại trường THPT Bảo Lộc.

Thay vì những buổi sinh hoạt ngoại khóa thông thường, gần 10 nghìn thầy cô và học sinh tại 10 trường trung học phổ thông hào hứng chào đón các báo cáo viên Hải quân để được trực tiếp nghe kể về câu chuyện biển, đảo; về cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng từ chính những người trong cuộc.

Em Tô Hoàng Nhật Khánh, lớp 12A7, trường THPT Bảo Lộc (TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ: “Trước đây, em chỉ biết về biển, đảo qua lời thầy cô giảng và những bài học trong sách. Lần đầu tiên được gặp và nghe những người trực tiếp làm nhiệm vụ kể chuyện, em đã hiểu và cảm nhận được nỗi vất vả của các thế hệ cha anh trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ biển, đảo Tổ quốc. Em rất cảm ơn các chiến sĩ đã không quản ngại vất vả, hy sinh để bảo vệ bầu trời, vùng biển Tổ quốc, cho chúng em có cuộc sống bình yên như hôm nay.”.

Sân trường trở nên sôi động hơn khi các báo cáo viên giới thiệu khái quát về Hải quân nhân dân Việt Nam trên lộ trình xây dựng tiến thẳng lên hiện đại; cung cấp một số thông tin cơ bản về tuyển sinh quân sự năm 2023 của Học viện Hải quân; chế độ đãi ngộ và chính sách được hưởng khi trúng tuyển, học tập và sau khi tốt nghiệp ra trường trở thành sỹ quan Hải quân nhân dân Việt Nam… Nhiều bạn học sinh nữ đặt câu hỏi: “Bộ đội Hải quân có tuyển sinh quân nhân nữ không?”, “Làm thế nào để cháu được trở thành người lính biển?”… Những câu hỏi được báo cáo viên giải đáp cụ thể, chi tiết trong niềm hạnh phúc dâng trào.

Thầy Phạm Thanh Hoài, giáo viên trường THPT PRó (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) chia sẻ: “Thực tế những năm qua, phần lớn bài học về biển, đảo còn hạn chế về cập nhật thông tin trong chương trình Địa lý, Lịch sử, Giáo dục quốc phòng… nên học sinh chưa có cái nhìn toàn diện và cụ thể về các vấn đề này. Vì vậy, việc tiếp cận những thông tin bổ ích, mới nhất về tình hình biển, đảo trong sinh hoạt ngoại khóa không chỉ giúp học sinh mà cả thầy cô có thêm kiến thức để sau này nâng cao chất lượng bài giảng, cũng như có thêm định hướng cho học sinh trong tương lai.”

Đồng thuận và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân

Nét đặc trưng nổi bật qua 5 hội nghị tuyên truyền tại các địa phương đó là hơn 1200 đảng viên, công chức, viên chức, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều đến tham dự từ rất sớm. Ông Trương Văn Tùng, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Đơn Dương cho biết: “Những năm gần đây, địa phương luôn làm tốt công tác phối hợp cùng Vùng 4 Hải quân trong việc tuyên truyền biển, đảo. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, nhất là đối với hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa.”

Với đặc thù là huyện có tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 67%, ông Sử Thanh Hoài, phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương chia sẻ: “Đây là hội nghị có rất nhiều đại biểu lần đầu tiên được tiếp cận những thông tin quý báu về tình hình biển, đảo; quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về chiến lược biển Việt Nam để quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện và tuyên truyền cho nhân dân thấy được lòng tự hào đối với quê hương, đất nước; trách nhiệm của cá nhân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.”

Hội nghị tuyên truyền về biển, đảo cho cán bộ các cấp tại địa phương.

Từng gắn bó nhiều năm với công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo và thu hút nguồn nhân lực, bà Vũ Thị Thuý Ngà, phó Trưởng phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: “Những năm qua, công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo giữa Ban Tuyên giáo và Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân đã góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là học sinh, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn về vị trí chiến lược của biển, đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.”

Chào mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ, đoàn công tác chúng tôi dâng trào niềm cảm xúc bởi âm vang tình yêu biển đảo trên những sân trường. Sự trân quý với những thông tin mới nhất về tình hình trên biển, về sức mạnh của Hải quân nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền… đúc kết nên tình cảm chân thành của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số dành tặng “Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sỹ Hải quân”. Sức lan toả qua hoạt động phối hợp tuyên truyền trở thành dàn hợp xướng cho “Tình ca Tây Nguyên” hoà quyện cùng “Khúc ca biển đảo”, làm nên sức mạnh để “Nước non Việt Nam ta vững bền”.

Lê Ngọc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu