- Không chỉ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, 5 năm qua, kể từ ngày thành lập (26/4/2018 - 26/4/2023), cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân còn là người bạn đồng hành với ngư dân, làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.
Vùng biển Lữ đoàn 955 thực hiện nhiệm vụ có sự hiện diện của rất nhiều tàu thuyền của ngư dân Việt Nam khai thác hải sản. Cùng với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, thực hiện các nhiệm vụ vận tải chị viện tuyến đảo, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, trong những năm qua cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 955 luôn làm hết sức mình để bảo vệ các hoạt động kinh tế biển và giúp đỡ ngư dân vươn khơi, bám biển, nhất là ở vùng biển xa bờ.
Khi hoạt động trên biển, CBCS Lữ đoàn 955 luôn xác định, ngoài thực hiện nhiệm vụ trên giao thì nhiệm vụ, hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân là trách nhiệm; giúp ngư dân như giúp người thân của mình, cứu giúp ngư dân là mệnh lệnh từ trái tim.
Xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn 955 đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Ninh Thuận, Bình Phước trong triển khai thực hiện kế hoạch phối hợp công tác tuyên truyền biển đảo, thực hiện chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”. Coi đây là một nội dung quan trọng, thường xuyên, lâu dài, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp Nhân dân, ngư dân, sinh viên, học sinh về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta trong quản lý, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Thời gian qua, Lữ đoàn 955 lựa chọn nội dung, tập trung tuyên truyền cho ngư dân về Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật Thủy sản năm 2017, Chỉ thị số 45/CT-TTg, ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về “một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)”. Vị trí các âu tàu, làng chài, Trung tâm dịch vụ hậu cần – kỹ thuật trên biển của Hải quân. Hướng dẫn liên lạc qua các đài canh của Hải quân nhân dân Việt Nam để khi gặp sự cố ngư dân có địa chỉ liên lạc giúp đỡ. Tuyên truyền các hành vi bị cấm khi khai thác thủy, hải sản trên biển, đảm bảo an toàn, bền vững, đúng pháp luật trên các vùng biển của ta, không vi phạm các vùng biển của nước ngoài; hướng dẫn xử lý một số tình huống sơ, cấp cứu…
Thông qua đó, giúp bà con ngư dân nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo, ra khơi khai thác thủy sản bền vững, an toàn, đúng quy định pháp luật, không xâm phạm vùng biển của các nước trong khu vực.
Trong thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ các tàu của Lữ đoàn đã lồng ghép, đổi mới cách thức tiếp cận, tuyên truyền. Cùng với các buổi nói chuyện tại địa phương, tuyên truyền theo hình thức truyền thống, cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ trên biển đã tổ chức tiếp cận trực tiếp và thông qua các kênh máy nghề cá để tuyên truyền cho ngư dân, mang lại hiệu quả thiết thực.
Trong 5 năm qua, Lữ đoàn 955 đã tuyên truyền, kết hợp với phát tờ rơi “một số điều cần biết cho ngư dân”, tặng cờ Tổ quốc, áo phao, khẩu trang y tế…với hơn 350 lượt ngư dân; phát 1.000 tờ rơi, tặng 1.200 lá cờ Tổ quốc, 400 áo phao, khám và cấp thuốc miễn phí… trị giá gần 200 triệu đồng cho ngư dân tại các cảng cá, bến cá tại địa phương.
Công tác tuyên truyền đã trực tiếp góp phần nâng cao nhận thức cho ngư dân chấp hành pháp luật, các quy định, chỉ thị trong khai thác thủy hải sản an toàn, bền vững.
Bên cạnh công tác tuyên truyền biển, đảo, CBCS Lữ đoàn còn thực hiện tốt nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu ngư dân; hỗ trợ khắc phục sự cố, sửa chữa máy móc, trang thiết bị cho ngư dân trên biển và các nhu cầu về nước ngọt, thực phẩm, nhiên liệu, tàu cá gặp sự cố trên biển. Mỗi khi có tàu cá ngư dân hỏng máy, trôi dạt trên biển trong điều kiện sóng to gió lớn, tài sản và tính mạng của ngư dân bị đe dọa, CBCS được lệnh là khẩn trương xuất phát tìm kiếm, cứu nạn với tinh thần và quyết tâm cao nhất lai dắt tàu, ghe về nơi trú ẩn an toàn.
Các tàu của Lữ đoàn 955 đã thực hiện cứu kéo, giúp 17 lượt ghe, tàu đánh cá của ngư dân gặp nạn trên biển, cứu vớt gần 300 ngư dân, cấp cứu điều trị cho hơn 200 ngư dân bị nạn và ốm đau khi đánh bắt hải sản trên biển. Cấp nước ngọt, phát thuốc miễn phí được 27 lần, hỗ trợ lương thực, thực phẩm trị giá hơn 20 triệu đồng. Qua đó góp phần giữ vững hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ – Người chiến sĩ Hải quân” trong lòng Nhân dân, để bà con ngư dân yên tâm làm ăn trên biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Thực hiện tốt kế hoạch công tác tuyên truyền biển, đảo, tuyên truyền thu hút nguồn nhân lực xây dựng Quân chủng Hải quân; chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển” và hoạt động Hải quân đỡ đầu con ngư dân tại tỉnh Ninh Thuận. Lữ đoàn đã tặng quà trị giá gần 200 triệu đồng, để lại ấn tượng tốt với cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương, được thủ trưởng các cấp biểu dương, khen thưởng.
Trước tình hình Biển Đông tiếp tục có những diễn biến mới, phức tạp, đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ hoạt động của ngư dân trên vùng biển được phân công quản lý. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền các vấn đề về biển, đảo và chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Lữ đoàn 955 Vùng 4 Hải quân tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước ta về quản lý, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tình hình thực tế trên biển. Tăng cường công tác tuyên truyền thu hút nguồn nhân lực xây dựng Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại…
Thứ hai, tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp với các đơn vị và các địa phương để trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình biển, đảo; đặc biệt là khi tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp, kịp thời thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận. Nắm chắc các hoạt động của ngư dân, tàu cá của ta trên các vùng biển, đảo; tình hình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương để phục vụ công tác tuyên truyền. Quá trình thực hiện nhiệm vụ trên biển thường xuyên nắm chắc tình hình khu vực hoạt động, quán triệt và thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng trong xử lý các vấn đề trên biển.
Thứ ba, phối hợp chặt chẽ trong thực hiện tốt công tác dân vận, cứu hộ, cứu nạn; giúp đỡ Nhân dân, ngư dân; quan tâm chăm lo các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các địa phương, chính sách hậu phương Quân đội và hoạt động đền ơn, đáp nghĩa. Bám sát kế hoạch, chủ động trao đổi, phối hợp thực hiện tốt các nội dung đã ký kết, bảo đảm hoàn thành tốt kế hoạch, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo.
Thứ tư, linh hoạt, sáng tạo, đổi mới về nội dung và hình thức tuyên truyền biển, đảo. Thường xuyên cung cấp thông tin tình hình, diễn biến liên quan đến biển, đảo; quan điểm của Đảng, Nhà nước ta đối với biển, đảo. Cung cấp tài liệu tuyên truyền và định hướng thông tin, tuyên truyền về biển, đảo kịp thời, đúng định kỳ. Nội dung tuyên truyền hướng đến nhiều thành phần, nhất là học sinh, sinh viên, ngư dân, công nhân lao động trong các thành phần kinh tế, kiều bào ta ở nước ngoài. Tiếp tục chú trọng hình thức tuyên truyền miệng; đẩy mạnh tuyên truyền về biển, đảo qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Thứ năm, tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình Hải quân làm điểm tựa cho ngư dân, kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ trực chốt, tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ vùng biển, đảo, thềm lục địa với bảo vệ hoạt động hợp pháp và tính mạng, tài sản của bà con ngư dân trên biển. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngư dân bám biển, bám ngư trường để khai thác tiềm năng của biển, phát triển kinh tế.
Qua đó thể hiện tình cảm, trách nhiệm của lực lượng Hải quân, tạo niềm tin, sự an tâm cho bà con mỗi khi khai thác hải sản ngoài khơi xa, cùng các lực lượng khẳng định và bảo vệ ngư trường truyền thống, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM