Bình Phước thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp

Tạp chí Biển Việt Nam - Ngày 27/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Bình Phước tổ chức “Hội thảo thúc đẩy chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Chương trình có sự hiện diện của ông Phạm Thụy Luân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước; ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh cùng các cán bộ, lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động, tổ chức, cá nhân thuộc ngành nông nghiệp tỉnh.

Ông Phạm Thụy Luân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước và ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh.
Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Minh Quang cho biết: “Chuyển đổi số (CĐS) đang là xu thế tất yếu trên toàn cầu và là giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia, mỗi địa phương, mỗi ngành, lĩnh vực. Ý thức được tầm quan trọng của CĐS, thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã và đang tích cực đẩy mạnh CĐS ở cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số.”
Về kết quả triển khai và tiến độ thực hiện Chuyển đổi số của ngành NN&PTNT, Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Thụy Luân cho biết, thời gian qua, Sở đã tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, viên chức cũng như người dân nắm bắt những mô hình chuyển đổi số tiên phong, mang lại hiệu quả cao; nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác chuyên môn. Hình thành nền tảng dữ liệu số nông nghiệp phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, phát triển thương mại điện tử, dịch vụ nông nghiệp số trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh; xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số nông nghiệp.
Theo đó, ngành NN&PTNT tỉnh cũng đạt được kết quả tích cực, bao gồm: Cấp mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu (đã cấp được 19 mã số cơ sở với diện tích 1997,8 ha, sản lượng khoảng 223.539 tấn/năm); hỗ trợ kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm (trong năm 2022 có 84 HTX nông, lâm nghiệp tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị và cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi). Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất (toàn tỉnh có 22 HTX ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn trong và ngoài nước, trong đó có 18 hợp tác xã nông nghiệp đạt các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, RA, Organic); nhiều sản phẩm nông sản đạt chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao và hỗ trợ hộ nông dân đưa các sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử.
Toàn cảnh hội thảo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai chuyển đổi số cũng gặp không ít khó khăn liên quan đến tình trạng thiếu trang thiết bị và nguồn nhân lực chưa phục vụ mục tiêu đề ra; khả năng tiếp cận phần mềm cơ sở dữ liệu nông nghiệp, phần mềm quản lý còn hạn chế; trang bị máy tính, kết nối chưa đồng bộ khiến công tác quản lý nhà nước về nông nghiệp gặp khó khó khăn; nhận thức của người dân và HTX thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới về công tác chuyển đổi số chưa thật sự đầy đủ.
Nhằm “gỡ khó” những vấn đề tồn đọng, đại diện Sở NN&PTNT đề nghị Sở TT&TT phối hợp cùng đơn vị đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Đề xuất UBND tỉnh cấp kinh phí thực hiện công tác chuyển đổi số theo lĩnh vực ưu tiên theo Kế hoạch số 312/KH-UBND ngày 13/10/2021. Đồng thời, kiến nghị các đơn vị trực thuộc đầu tư mua sắm, nâng cấp trang bị máy chủ, máy tính cá nhân, hệ thống kết nối, phòng điều hành, phòng họp trực tuyến.
Tuấn Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu