“Chàng tiên cá” âm thầm bảo tồn rái cá

Tạp chí Biển Việt Nam - Rời bỏ những thành công rực rỡ của sự nghiệp, anh Vũ Đức Nhân (36 tuổi, biệt danh Tiun) dành trọn thời gian cho việc chăm sóc, bảo tồn rái cá hoang dã.

Rái cá tuyệt đối không phải là thú cưng

Gần 10 năm qua, bỏ lại sau lưng bao lời đàm tiếu, Tiun vẫn chuyên tâm với công việc bảo tồn rái cá mà mình đã chọn. Người ta thường dùng những từ khiếm nhã như “đồ khùng điên” để nói về anh, bởi lẽ chẳng mấy ai ở độ tuổi thanh niên trai tráng lại chọn cuộc sống nơi rừng đước hoang sơ, ngày ngày chăm sóc loài vật nơi đây. Ít người biết được rằng Tiun trước đây cũng đã tìm được chỗ đứng vô cùng vững chắc cho sự nghiệp của bản thân.

Suốt nhiều năm liền, chàng trai Tiun đã tích cực làm việc, hoạt động trong Hiệp hội Hướng dẫn viên lặn biển chuyên nghiệp (gọi tắt là PADI) – Hiệp hội thành viên lặn giải trí và đào tạo thợ lặn lớn nhất thế giới. Tiun cũng là một trong những người đầu tiên mang bộ môn bơi tiên cá về với Việt Nam. Bơi tiên cá là sở trường của anh và nhờ sở trường này, anh đã đào tạo thành công nhiều học viên trên thế giới. Tên gọi “chàng tiên cá” cũng xuất phát từ đây.

Bên cạnh việc dạy bơi lặn, Tiun còn làm nhiều công việc khác như lập trình web, youtuber, giáo viên tiếng Anh. Cuộc sống của anh vốn đã rất thành công và ổn định. Tuy vậy, anh vẫn quyết định để lại mọi thứ phía sau để tập trung vào việc bảo tồn rái cá.

“Rái cá được ví như “dũng sĩ” của rừng ngập mặn khi chúng đóng vai trò quan trọng và được xem là dấu hiệu phát triển tốt của hệ sinh thái. Loài vật này khá thông minh, não bộ của chúng phát triển tương đương với một đứa trẻ 7 tuổi. Tuy nhiên, rái cá đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao vì môi trường sinh sống ngày càng khắc nghiệt và tình trạng săn bắt, buôn bán thú hoang dã trái phép. Những lý do này đã thúc đẩy mình đến với công việc bảo tồn rái cá”, Tiun chia sẻ.

Tiun cho rái cá con tập bơi để hòa nhập với cuộc sống hoang dã về sau.

Tiun chia sẻ thêm: Thời gian trước đây, trào lưu nuôi rái cá làm thú cưng bỗng bùng lên ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Rái cá hoang dã bị săn bắt, trao đổi, mua bán khắp mọi nơi. Điều đáng nói, khi bị tách ra khỏi môi trường sống tự nhiên, người nuôi lại không biết cách chăm sóc đã xâm hại đến sự sống của rái cá, khiến chúng dễ nhiễm bệnh vì ở trên bờ quá nhiều… Đứng trước thực trạng đó, mình càng có thêm động lực mạnh mẽ để bảo tồn và kêu gọi mọi người bảo vệ rái cá. Rái cá tuyệt đối không phải là thú cưng!

Quyết tâm theo con đường đã chọn

Kể về những ngày đầu bảo tồn rái cá, Tiun gặp phải không ít khó khăn. Để bảo tồn loài rái cá hoang dã, anh không chỉ cần am hiểu về môi trường rừng ngập mặn chúng đang sinh sống mà còn phải thực sự trải nghiệm môi trường ấy. Bắt nguồn từ suy nghĩ ấy, Tiun bước vào cuộc hành trình bảo tồn rái cá ngay trong chính khu rừng ngập mặn. Cũng từ lúc này, anh phải đối mặt với sự ngăn cản, phán xét từ gia đình, bạn bè và mọi người xung quanh.

Túc trực trong khu rừng suốt 24 giờ, Tiun luôn kịp thời ngăn chặn người dân hoặc những kẻ có ý đồ săn bắt, xâm hại rái cá. Bên cạnh đó, anh có thể dễ dàng hỗ trợ bầy rái cá phát triển trong chính môi trường sống của chúng. Đối với những con rái cá đã trưởng thành, khỏe mạnh, Tiun thuận theo tự nhiên, không can thiệp đến việc sinh tồn của chúng. Tuy nhiên, một số con rái cá có khả năng sinh tồn kém, đặc biệt là rái cá con, anh thường xuyên chăm sóc, cho ăn các loại tôm cá, chờ đến khi chúng cứng cáp, tự trở về cuộc sống hoang dã.

Tiun cho rái cá con ăn cá.

“Thông thường, rái cá bố và rái cá mẹ chỉ có khả năng chăm sóc, bảo vệ tốt cho hai rái cá con cùng một lúc. Thế nhưng, có những cặp rái cá sinh đến bốn rái cá con, đồng nghĩa với việc cơ hội sống và phát triển của rái cá con bị giảm đi. Những trường hợp như vậy luôn cần đến sự hỗ trợ của mình. Thậm chí, khi đến mùa sinh nở, một số cặp rái cá còn tự mang con đến nhờ mình chăm sóc”, Tiun vui vẻ tâm sự.

Bản năng tự vệ của loài rái cá hoang dã rất cao. Chính vì vậy, trong suốt quá trình bảo tồn, những vết thương do rái cá cắn trên người Tiun là không đếm xuể. Hơn nữa, môi trường sống khác biệt đã gây cho anh không ít các căn bệnh ngoài da nhưng anh không vì thế mà bỏ cuộc. Tiun vẫn từng ngày nỗ lực, ra sức bảo vệ những cá thể rái cá đang sinh sống trong khu rừng ngập mặn.

Việc chăm sóc, bảo tồn rái cá mất khá nhiều thời gian, công sức và đòi hỏi có kinh tế ổn định. Từ ngày tập trung bảo tồn rái cá trong rừng ngập mặn, Tiun không thể làm những công việc trước kia. Tuy vậy, anh vẫn cố gắng tiếp tục công việc youtuber và nhận dạy thêm tiếng Anh, dạy bơi cho vài em nhỏ để có thêm thu nhập duy trì cho việc bảo tồn rái cá.

“Một mình mình không đủ sức nên mình đã kêu gọi sự ủng hộ của mọi người trên các trang mạng xã hội. Mọi chi phí phục vụ cho việc bảo tồn đều được mình công khai rõ ràng. Bên cạnh đó, một số bạn cũng đến, giúp mình thu gom rác trong rừng đước và chăm sóc các “bạn” rái cá hoang dã”, Tiun chia sẻ.

Tiun tâm sự thêm: “Có những người không hiểu việc mình đang làm nên họ liên tục “ném đá” nhưng mình cứ bỏ qua thôi, tiếp tục làm những điều ý nghĩa. Mình chỉ muốn truyền đi thông điệp rằng mọi người hãy chung tay bảo tồn rái cá, rái cá là loài vật giúp ích cho tự nhiên, không phải thú cưng. Dù gặp phải nhiều khó khăn nhưng mình vẫn sẽ tiếp tục công việc bảo tồn rái cá, chỉ có thể làm và làm tốt hơn, không bao giờ bỏ cuộc”.

* Vì lý do bảo tồn rái cá, chúng tôi không đề cập đến địa điểm trong bài viết này.

Tiểu Quyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu