Chống khai thác IUU ở Thanh Hóa: Gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền

Tạp chí Biển Việt Nam - Trong 9 tháng, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản 76 vụ, tổng tiền xử phạt hơn 1,5 tỷ đồng.

Thanh Hóa có 102 km chiều dài bờ biển, diện tích vùng biển là 17.000 km2. Khu vực ven biển có diện tích hơn 1.230,6 km2, với 6 huyện, thị xã, thành phố (Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Sầm Sơn, Quảng Xương và Nghi Sơn), có 7 cửa lạch, trong đó có 5 cửa lạch lớn, gồm: Lạch Sung, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Ghép và Lạch Bạng. Các cửa lạch ăn sâu vào đất liền nên thuận lợi cho việc phát triển các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, hình thành các trung tâm nghề cá kể cả nuôi trồng, khai thác, dịch vụ hậu cần và chế biến thuỷ sản.

Cảng cá Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc.
Tổng số tàu cá khai thác hải sản trong toàn tỉnh tính đến ngày 29/9/2023 là 5.946 chiếc. Trong đó, tàu có chiều dài dưới 6m là 3.627 chiếc, dài từ 6m đến dưới 12m 489 chiếc, dài từ 12m đến dưới 15m 722 chiếc; tàu có chiều dài trên 15m 1.108 chiếc.
Cơ cấu nghề khai thác thủy sản trong tỉnh rất đa dạng, từ các nghề truyền thống khai thác ven bờ đến các nghề khai thác xa bờ, cơ cấu nghề được phân bổ chủ yếu: nghề lưới kéo, lưới vây, lưới rê, nghề câu, nghề chụp, hậu cần, nghề lồng bẫy và nghề khác chiếm 42,4% tổng số tàu cá. Số lao động tham gia trực tiếp trên biển là 24.500 lao động gồm: Vùng ven bờ, vùng lộng, vùng khơi.
Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp cấp bách để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025. Phê duyệt Đề án phát triển thủy sản nhanh và bền vững gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phối hợp với các tỉnh, thành phố ven biển ký kết Quy chế phối hợp 90/QCPH-UBND ngày 05/9/2023 giữa UBND các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa và thành phố Đà Nẵng trong công tác quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển và Kế hoạch phối hợp số 1964 KH-SNNPTNT giữa sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa về việc Kiểm tra, kiểm soát tàu cá, sản lượng khai thác và chống khai thác IUU giai đoạn 2023 – 2025.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Ban Chỉ đạo tỉnh về IUU đã tổ chức 3 đợt kiểm tra về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định tại UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển và cảng cá. Kiểm tra, rà soát, xác minh tàu cá hết hạn đăng kiểm, hết hạn giấy phép khai thác thủy sản, chưa lắp thiết bị giám sát hành trình, chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tàu cá không bật thiết bị giám sát hành trình trên 6 tháng. Thực hiện xóa đăng ký cho các tàu cá bị chìm đắm, giải bản, hư hỏng hoàn toàn và bán tàu ra tỉnh khác. Đối với các tàu cá nằm bờ không tham gia khai thác tổ chức lập biên bản xác định vị trí neo đậu, phân công cụ thể cán bộ phụ trách theo dõi, cung cấp hình ảnh trong trường hợp Đoàn Thanh tra EC yêu cầu.
Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển và thành phố Thanh Hóa tổ chức nhiều Hội nghị, xây dựng chuyên mục phát sóng trên Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, phát tờ rơi, sổ tay tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động, hướng dẫn ngư dân về các quy định về chống khai thác IUU, về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, triển khai chính sách hỗ trợ thiết bị giám sát hành trình. Quán triệt và yêu cầu các chủ tàu cá cam kết lắp đặt, duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình khi đi khai thác và thực hiện nghiêm các quy định về chống khai thác IUU.
UBND tỉnh đã ban hành quyết định 1874 QĐ-UBND ban hành Quy trình xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản và các hành vi khác phát hiện qua hệ thống giám sát tàu cá trên địa bàn tỉnh. Các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại các cửa lạch, trên biển về chấp hành các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU, đặc biệt là quy định về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá trên 15m. Kết quả đã xác minh xử lý được 76 217 trường hợp, đối với các trường hợp chưa xử lý được chủ yếu là các tàu cá hoạt động tỉnh ngoài, không về địa phương.
Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản 76 vụ, tổng tiền xử phạt là 1.567.700.000 đồng. Lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU (chưa đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác, thường xuyên ngắt kết nối VM, vượt ranh giới trên biển, hoạt động sai vùng), gửi các đơn vị chức năng, các tỉnh ven biển để phối hợp theo dõi và quản lý.
Được sự quan tâm và chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thực hiện các biện pháp mạnh chống khai thác IUU, nhận thức của ngư dân, các tổ chức, cá nhân được nâng lên và đã có chuyển biến tích cực. Chủ tàu cá, thuyền trưởng và ngư dân đã cơ bản chấp hành các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhận thức được tác hại của hành vi khai thác IUU, gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến lợi ích của Quốc gia. Lắp đặt thiết bị GHT đạt 99,2% tống số tàu tham gia khai thác; các cảng cá đã từng bước khắc phục các hạn chế được chỉ ra trong các đợt kiểm tra của Tổng cục Thủy sản…
Cạnh những chuyển biến tích cực đó vẫn tồn tại, hạn chế và nguyên nhân như: Còn một số chủ tàu thuyền trưởng chưa ghi hoặc ghi chưa đầy đủ nhật ký khai thác thủy sản, thông báo giờ cập, rời cảng với Ban quản lý cảng cá theo quy định; một số tàu cá trên 15m không vào cảng cá chỉ định bốc dỡ sản phẩm, hàng hóa theo quy định và chưa thường xuyên duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động trên biển.
Nguồn lợi thủy sản vùng biển Thanh Hóa rất phong phú và đa dạng.
Nhận thức và ý thức của một bộ phận chủ tàu cá, thuyền trưởng còn hạn chế, chưa chấp hành nghiêm Luật Thủy sản, các quy định về chống khai thác IUU. Một số chủ tàu hoạt động thua lỗ, nằm bờ, chưa làm thủ tục sang tên khi chuyển nhượng và các thủ tục giấy tờ đăng kiểm, giấy phép KTTS.
Số lượng tàu cá của tỉnh Thanh Hóa lớn, vùng biển quản lý rộng, có nhiều cửa lạch, bãi ngang khó khăn cho lực lượng chức năng trong kiểm soát tàu cá đi khai thác. Một số tàu cá tỉnh hoạt động tỉnh ngoài dẫn đến khó khăn cho cơ quan chức năng khi xác minh, xử lý.
Một số doanh nghiệp cung cấp thiết bị giám sát hành trình chưa thực hiện đúng các quy định về lưu hồ sơ lắp đặt; phối hợp với cơ quan quản lý địa phương còn lỏng lẻo; hệ thống đại lý bảo hành sửa chữa thiết bị giám sát hành trình tàu cá còn rất hạn chế cả về số lượng và trình độ kỹ thuật, hầu hết các thiết bị hỏng đều phải tháo ra gửi về trung tâm bảo hành tại TP Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh mất rất nhiều thời gian, nguồn vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá chưa đáp ứng được nhu cầu.
Vì vậy, Ban Chỉ đạo về chống khai thác IUU tỉnh đề nghị các Sở, Ban, Ngành, đơn vị cấp tỉnh có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển và thành phố Thanh Hóa theo chức năng tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng ngư dân qua các hình thức thông tin trên Truyền hình, Đài phát thanh, Báo và trên các trang mục; tổ chức các lớp tập huấn về Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các quy định về chống khai thác IUU đến ngư dân, chủ tàu, các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động khai thác hải sản, duy trì hoạt động thiết bị GSHT.
Tăng cường lực lượng, phương tiện trong thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác hải sản trên biển, cửa lạch, bãi ngang, cảng cá, kiên quyết không cho các tàu cá đi hoạt động trên biển khi không đủ các thủ tục, giấy tờ, trang thiết bị theo quy định. Xử lý nghiêm tàu cá vi phạm các quy định về chống khai thác IUU.
Lập danh sách tàu cá có nguy cơ vi phạm như: tàu hết hạn đăng kiểm, giấy phép khai thác, giấy chứng nhận ATTP tàu cá và tàu cam kết nằm bờ khi chưa lắp thiết bị giám sát hành trình gửi các lực lượng chức năng trong tỉnh và 27 tỉnh, thành phố ven biển để phối hợp, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
Yêu cầu các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình khẩn trương khắc phục những tồn tại trong quá trình lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình. Phối hợp với Chi cục Thủy sản xác định nguyên nhân mất kết nối trên biển hàng ngày và có trách nhiệm hỗ trợ ngư dân kịp thời trong việc khắc phục sự cố của thiết bị do đơn vị mình cung cấp. Tổng hợp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Thủy sản các đơn vị cung cấp thiết bị sai phạm để cấp có thẩm quyền xử lý.
Gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; nhất là ở cấp xã phường/thị trấn trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ pháp luật; đồng thời thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao; kịp thời động viên, khen thưởng tấm gương điển hình và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần, trách nhiệm để xảy ra sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, công việc được giao về chống khai thác IUU.
Phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương triển khai đầu tư, nâng cấp các cảng cá chỉ định, khu neo đậu tránh trú bão được phục vụ cho công tác xác nhận, truy xuất nguồn gốc hải sản từ khai thác, chống khai thác IUU.
Tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung Kế hoạch số 279/KH-UBND; Kế hoạch 45/KH-UBND ngày 02/3/2023 về việc triển khai Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành “Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU.
Ngọc Thêm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu