40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022):

Gieo chữ nơi đảo tiền tiêu: Người thầy ở Song Tử Tây

Tạp chí Biển Việt Nam - Giữa trập trùng sóng biển Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), hằng ngày, các thầy giáo vẫn miệt mài truyền dạy những con chữ, những phép toán hay cả các bài hát, trò chơi cho các em nhỏ.

Trường Sa, nơi đầu sóng ngọn gió, là mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Khi nhắc đến 2 chữ ấy, hẳn trong mỗi chúng ta ai cũng rưng rưng xúc động. Trừ những ngư dân đánh bắt khơi xa, thì ai cũng mong được một lần đến, đặt chân lên quần đảo địa đầu.

Và thật vinh dự cho tôi khi may mắn đã làm được điều đó.

Khó có thể quên cảm giác lúc đi vào vùng biển Trường Sa, thì trên con tàu của Hải quân Nhân dân Việt Nam vang lên bài hát Nơi đảo xa. Những lời ca kèm âm hưởng du dương, hào hùng nhưng cũng rất nhẹ nhàng, sâu lặng, trập trùng như ngàn vạn con sóng biển khiến cho người nghe nghẹn lòng, tim thắt lại, bồi hồi tự hào!

Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa

Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà

Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa

Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua vượt qua.

Trường tiểu học xã Song Tử Tây nơi đầu sóng ngọn gió (Ảnh: T.L)

Niềm vinh dự, tự hào

Trường Sa là huyện đảo nằm xa đất liền nhất; hẳn nhiên cũng nhiều cách trở, gian khó nhất. Mấy năm trở lại đây, huyện đảo đã thay da đổi thịt, tàu thuyền đánh bắt của ngư dân vào ra khá tấp nập; nhưng vẫn còn đó nhiều bộn bề.

Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) xác định: “Đẩy mạnh xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước…”.

Vì nằm xa đất liền nên việc đi lại, di chuyển rất gian nan. Đến bây giờ, thầy giáo Nguyễn Hữu Phú (Trường tiểu học xã Song Tử Tây) vẫn không thể quên được cảm giác của chuyến hải trình đến đảo lần đầu tiên.

Lần đó, đi được 2 ngày thì tin báo áp thấp nhiệt đới hình thành theo hướng tàu di chuyển. Những ngày sau đó, biển nổi sóng gió, từng cơn sóng cao táp vào mạn tàu, bọt tung trắng xóa. Tàu lắc lư, chao đảo. Mọi người hầu hết bị sóng gió đánh vật. Ăn uống, đi lại rất khó khăn.

“Hành trình qua mấy đảo rồi mới đến Song Tử Tây. Thấy đảo đó rồi nhưng vẫn chưa thể lên vì sóng biển còn quá lớn, tàu phải chạy vòng quanh tránh trú. Canh lúc nào sóng giảm mới trung chuyển người lên đảo”, thầy giáo Phú kể lại.

Thầy giáo Phú đang giảng bài cho học sinh (Ảnh: T.L)

Thế mà đã gần 5 năm thầy giáo Phú gắn bó với học sinh đảo. Đối với thầy, được sinh sống, dạy học ở Trường Sa là một niềm vinh dự, tự hào lớn lao. Điều mà trước kia thầy giáo chưa từng nghĩ đến. Nó như một giấc mơ có thật!

Thầy giáo tâm sự: “Tôi sinh ra ở vùng nông thôn, trong một gia đình đông anh chị em, nên việc được đi học đối với tôi là một điều xa xỉ. Chuyện đi học đối với tôi gặp rất nhiều trắc trở. Cuối năm học lớp 8, vì nhà nghèo quá, bố mẹ định cho tôi nghỉ học để ở nhà làm nông phụ giúp gia đình nhưng cũng phân vân cho tôi học hết lớp 9 lấy cái bằng tốt nghiệp THCS đi làm công nhân. Sau đó, thấy tôi nài nỉ, mong muốn được đi học, bố mẹ tôi đắn đo rồi cho học tiếp đến hết cấp 3”.

“Sau đó, vì nhà không có tiền vào thành phố ôn luyện thi đại học như bạn bè, tôi tự ôn và dự thi nhưng thất bại. Ít lâu sau mẹ ốm rồi mất, anh chị có gia đình riêng, mình tôi chăm sóc bố bệnh nằm liệt giường, ước mơ đến giảng đường, ước mơ được cầm phấn dạy trẻ đành gác lại”.

“Trong suốt 10 năm, kể từ khi tốt nghiệp THPT năm 2000 đến năm 2010, vừa chăm mẹ, vừa chạy chữa thuốc thang cho bố, tôi vừa đi làm thuê với nhiều nghề khác nhau. Từ phụ hồ, công nhân vệ sinh khu sửa chữa tàu biển, phục vụ, giữ xe… Miễn sao có tiền chăm sóc bố mẹ. Nhiều đêm năm mơ thấy mình đang đứng trên giảng đường sư phạm”.

Thầy giáo Phú kể tiếp quãng đời gian truân của mình: “Sau khi bố mẹ qua đời, tôi một mình đến nhà thầy cô cũ dạy cấp 3 xin ôn lại 3 môn toán, lý, hóa. Vừa học, vừa làm, tôi được sự động viên của thầy cô và nỗ lực hết mình, cuối cùng tôi thi đậu vào trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, lúc đó đã ngót 30 tuổi, sau đó tôi tiếp tục học lên Đại học Huế”.

Người thầy ở Trường Sa luôn nắn nót, chỉ dạy học trò từng chi tiết cụ thể (Ảnh: T.L)

Con đường học hành trắc trở và hoàn cảnh nghèo khó đã làm cho thầy giáo Phú hiểu sâu sắc, đồng cảm với những mảnh đời khó khăn, khát khao về con chữ, mơ ước được cắp sách đến trường là như thế nào. Nên khi tốt nghiệp, thầy giáo quyết định đăng ký xung phong tình nguyện ra Trường Sa dạy học. Để giúp các em biết đọc, biết viết, biết chia sẻ, yêu thương, yêu quê hương, biển đảo Đất nước.

Tinh thần dân tộc qua từng con chữ

Trở lại với câu chuyện dạy học ở Song Tử Tây, ngoài thầy giáo Phú, còn có thầy giáo Nguyễn Bá Ngọc. Hai thầy giáo đang ngày đêm tự chăm lo bản thân mình, từ cái ăn, cái uống, để tạo dựng con đường tri thức cho các em thơ.

Cũng như nhiều đảo tiền tiêu khác, giáo viên và học sinh ở đảo gặp không ít khó khăn trong học tập. Những thông tin, sách vở tham khảo, bổ trợ cho việc học của các em vẫn còn một số hạn chế như tiếng anh, tin học. Đặc biệt, biên chế đủ giáo viên là một vấn đề gay go; có giáo viên chuyên về tin học, ngoại ngữ lại càng khó hơn. Việc dạy học các môn trên tùy thuộc hoàn toàn vào khả năng của giáo viên hiện có.

Mạng internet ở đảo rất yếu nên khó có thể cập nhật kịp thời những tin tức, tài liệu, tri thức, bài giảng, phương pháp dạy học, video hỗ trợ bài học cho chương trình sách giáo khoa cũ và mới. Đồ dùng, trang thiết học tập, sách vở mau hư hỏng vì độ nhiễm mặn cao.

Rồi việc dạy học lớp ghép (trong một lớp có nhiều khối lớp) nên công việc vất vả hơn. Giáo viên phải phân chia thời gian trong một buổi học ở các bậc lớp khác nhau sao cho hợp lý. Nhưng vì phải đi lại và nói rất nhiều làm ảnh hưởng đến việc tiếp thu của học sinh khối lớp khác, cũng như chất lượng giảng dạy.

Nhờ sự chung tay, hỗ trợ từ đất liền mà trường lớp ở Trường Sa ngày một tốt hơn (Ảnh: T.L)

“Tuy nhiên, điều đáng mừng là không vì vậy mà các em lơ là việc học, học không tốt. Hoàn cảnh đã tạo cho các em một động lực phải cố gắng rất nhiều. Ngày ngày, ngoài học bài trong sách giáo khoa trên lớp, các em tìm trên thư viện của nhà trường các loại sách liên quan với các môn học, để tự học thêm và hỏi thầy sau mỗi giờ tan học. Năm nào các em cũng đạt học lực khá, giỏi. Đặc biệt trong số đó có 2 em nỗ lực vượt trội, phấn đấu hết mình, năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh xuất sắc là 2 anh em ruột Ngô Nguyễn Thiên Long và Ngô Nguyễn Thiên Lân”, thầy giáo Nguyễn Bá Ngọc nói.

Trường học là nhà, học sinh là người thân. Không chỉ truyền dạy kiến thức, chữ nghĩa, các giáo viên còn như những người cha, người mẹ trên ghế nhà trường; chăm lo, hướng các con trẻ đến những điều tốt đẹp. Năm xưa Bác Hồ đã căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

Những nỗ lực của các giáo viên ở Song Tử Tây nói riêng và huyện đảo Trường Sa nói chung thời gian qua đã được ghi nhận khen thưởng. Hơn hết, các thầy giáo đã tạo tình cảm, chỗ đứng vững chắc trong lòng người dân, phụ huynh. Như chị Đặng Thị Báu (đảo Song Tử Tây) tấm tắc khen: “Các thầy giáo rất nhiệt tình, dạy dỗ chỉ bảo cho các cháu từng nét chữ; thường xuyên an ủi các cháu là phải cố gắng học tập. Các thầy coi các cháu như là con của mình vậy đó”.

Ở đảo, việc dặn dò, quan tâm, động viên, giúp đỡ trong cuộc sống, sinh hoạt cũng như trong học tập của Đảng ủy, chỉ huy đảo, chính quyền xã đảo và cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng trên đảo đối với các em rất kịp thời, chu đáo. Góp phần làm cho công tác dạy học hiệu quả hơn, để các em học chăm ngoan, lễ phép, kết quả tốt.

Báo cáo kết quả công tác giáo dục năm học 2021– 2022 của UBND huyện Trường Sa cho thấy, 100% học sinh hoàn thành chương trình, nhiều học sinh hoàn thành xuất sắc trong học tập và rèn luyện.

UBND huyện Trường Sa đã đề nghị: khi kết thúc chương trình tiểu học và chuyển về đất liền học tập, Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa cần có tác động tới các trường học sinh chuyển về để củng cố và phụ đạo thêm kiến thức, kỹ năng cho các em trước khi bước vào năm học mới, nhất là môn ngoại ngữ.

Mỗi học sinh, mỗi một công dân trên đảo là một lá cờ, một cột mốc sống (Ảnh: T.L)

Nhận xét về những đóng góp của công tác dạy học, ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây, cho hay: “Công tác dạy học ở đảo xa, nơi tuyến đầu của Tổ quốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và vô cùng to lớn. Thể hiện tinh thần dân tộc, xây dựng thắm tình đoàn kết quân dân đã có từ ngàn xưa. Những bài giảng của giáo viên, bài học của các cháu học sinh giúp các thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của Đất nước phát triển toàn diện. Bên cạnh đó, mỗi một công dân trên đảo là một lá cờ, một cột mốc sống để khẳng định chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng, một phần lãnh thổ của Việt Nam bất khả xâm phạm”.

Giữa giờ học, Trường tiểu học xã Song Tử Tây lại rộn vang:

Quê em ở Trường Sa

Những đảo chìm đảo nổi

Quê em có biển trời

Bốn mùa xanh bao la

Sinh ra ở Trường Sa

Em là con của biển.

Những câu từ thân thương, ngắn gọn mà đầy đủ qua tiếng các em nhỏ khiến chúng tôi cảm giác như níu Trường Sa gần hơn với đất liền. (còn tiếp)

Cao Lãng – Nguyễn Ninh


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu