Hình ảnh “vỡ đập” tại Quảng Bình gây rúng động chỉ là hồ nuôi cá

Tạp chí Biển Việt Nam - Ngoài không có việc “đập Dạ Lam tại xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình bị vỡ do mưa lũ” như nhiều cơ quan truyền thông và mạng xã hội thông tin, thì hình ảnh được các đơn vị này đăng tải và chú thích “đập Dạ Lam” lại là hồ nuôi cá của người dân địa phương dưới chân đập.

Trước đó, sáng ngày 13/6, nhiều cơ quan truyền thông, mạng xã hội đã đồng loạt đăng tải thông tin: đập Dạ Lam tại xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình bị vỡ do mưa lũ, đe dọa khu dân cư, chính quyền địa phương tổ chức ứng phó…

Trong tình thế mưa lớn, nước lũ đang dâng cao, diễn biến bất thường vào mùa hè, gây ngập nhiều nơi, thì thông tin này thực sự gây xôn xao, rúng động dư luận; nhất là người dân quanh vùng và vùng hạ du.

Vì tính chất nghiêm trọng nên ngay sau đó, các cơ quan chức năng liên quan của địa phương và trung ương đã kiểm tra, cung cấp tư liệu và thông báo không có chuyện vỡ đập.

Nhằm góp phần định hướng dư luận, Tạp chí Biển Việt Nam và một số cơ quan báo chí khác cũng đã đăng tải thông tin chính xác nói trên.

Phần đê quai bảo vệ thi công cống lấy nước trước khi chưa được tháo do mưa lũ; ngoài đê quai, còn có thêm 1 vị trí gần đó cũng được tháo để thoát nước.

Tuy nhiên, một số tác giả, đơn vị vẫn cố chấp, tiếp tục thông tin hàng hai, lập lờ về “vỡ đập”. Thậm chí có phóng viên còn đặt dấu hỏi, đăng tải lên trang mạng xã hội cá nhân của mình: “Đập có vỡ trên giấy?” (ý nói về văn bản báo cáo tình hình mưa lũ tại công trình hồ chứa nước Dạ Lam của Ban QLDA Đầu tư XD ngành Nông nghiệp và Môi trường – PV) và cho rằng: “Ông Đinh Khánh Hậu, Giám đốc Ban, bẻ lái một cú chuẩn ngược dòng. Đập không vỡ trên giấy. Mà vỡ ở thân đập!”.

Để tiếp tục rộng đường dư luận, ngày 14/6, khi nước lụt còn gây ngập nhiều nơi ở Lệ Thủy, chúng tôi đã tìm về Thái Thủy tìm hiểu sâu hơn vụ việc.

Kết quả nghiên cứu hiện trường, xác minh nhiều tài liệu, tiếp xúc nhiều nguồn nhân chứng đều cho thấy không có việc vỡ đập Dạ Lam.

Theo đó, có 3 vấn đề lớn đã bị đăng tải nhầm lẫn và cần nói lại cho rõ:

Thứ nhất, không thể gọi đó là “đập Dạ Lam”, mà phải gọi chính xác là “công trình hồ chứa nước Dạ Lam” hoặc “hồ chứa nước Dạ Lam”. Bởi vì hồ chứa nước Dạ Lam đang được thi công nâng cấp, phần thân đập đang được thi công, chưa hoàn thiện. Nhất là phần cống lấy nước đang thi công dang dở, cao trình được hạ rất thấp để thi công, đúc bệ, đặt ống. Phải đắp vòng đê quai bên trên ngăn nước thi công. Cho nên nước dễ dàng chảy qua khi tháo (hoặc vỡ) đê quai đó. Nghĩa là chưa có đập, thì nói “vỡ đập” rất không chính xác.

Thứ hai, đê quai được các nhân lực chủ động tháo dỡ để tháo nước dần, chủ động thoát lũ, hạ thấp mực nước trong hồ, nhằm đảm bảo an toàn cho hạng mục đập chính. Đê quai này rất nhỏ, dễ tháo khi nước lũ tràn lên cao. Trước khi tháo đê quai, lực lượng thi công đã dùng máy cơ giới tháo một rãnh khá lớn ở phần bên phải để thoát lũ, nhưng vì mưa lớn, nước dâng nhiều, bắt buộc phải tháo tiếp đê quai. Một người dân ở ngay vị trí đó cho biết đã chứng kiến toàn bộ diễn biến sự việc tháo dỡ, không có chuyện tự vỡ, không có chuyện vỡ đập như thông tin.

Thứ ba, hình ảnh được các cơ quan truyền thông, mạng xã hội đăng tải nhiều lần và chú thích “đập Dạ Lam” bị vỡ lại là hồ nuôi cá của người dân địa phương dưới chân đập. Theo tìm hiểu, nguyên nhân xuất phát từ việc một người địa phương chụp, đăng tải, sau đó được các trang mạng xã hội đăng lại và phóng viên lấy sử dụng mà không đến hiện trường thẩm tra, xác minh. Hồ này bị vỡ bờ chủ yếu do nước từ lối tháo thứ nhất, băng qua vườn keo tống xuống.

Trên thực tế, hình ảnh này là hồ nuôi cá dưới chân đập của người dân.

Thiết nghĩ, phòng chống thiên tai, bão lũ và an toàn hồ đập có vai trò quan trọng trong an ninh quốc phòng. Vì vậy, việc sử dụng thông tin, hình ảnh cần được xác minh, sử dụng kỹ lưỡng; nhất là trong những thời điểm đang xảy ra thiên tai.

Cao Lãng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM