Hội thảo Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa – Cuộc đời và sự nghiệp

Tạp chí Biển Việt Nam - Ngày 27/02/2023 tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội - 26/3/1983-26/3/2023), để tri ân, tôn vinh những đóng góp lớn lao của Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp hội, Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam tổ chức chương trình hội thảo khoa học: “Giáo sư, viện sỹ Trần Đại Nghĩa - Cuộc đời và sự nghiệp”.
Quang cảnh hội thảo.

Tham dự hội thảo có Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Uỷ viên BCH TW Đảng, Uỷ viên Quân uỷ TW, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; GS.TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch danh dự Liên hiệp Hội Việt Nam; TSKH. Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cùng đông đảo các Giáo sư, Tiến sỹ, các nhà khoa học và đại diện các cơ quan báo chí.

TSKH Phan Xuân Dũng phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết: Đại hội lần thứ nhất của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vào ngày 26-3-1983 đã bầu Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa làm Chủ tịch. Ông trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, tổ chức với vai trò tập hợp, phát huy sức sáng tạo và cống hiến của đội ngũ các nhà khoa học, trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam góp phần phát triển khoa học, xây dựng đất nước.

Từ những ngày đầu gian khó, Liên hiệp Hội Việt Nam chỉ có 15 thành viên, không quản ngại khó khăn, vất vả, Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa đã dành toàn bộ tâm huyết và sức lực từng bước xây dựng và phát triển tổ chức ngày càng lớn mạnh, góp phần không nhỏ trong tiến trình phát triển chính trị, xã hội, khoa học và kinh tế của Việt Nam. Ông đã được các nhà khoa học, các hội thành viên suy tôn làm Chủ tịch danh dự nhiệm kỳ II, nhiệm kỳ III và danh hiệu đó cũng đã theo ông đến cuối cuộc đời (1988-1997).

Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Uỷ viên BCH TW Đảng, Uỷ viên Quân uỷ TW, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Tại hội thảo, Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Uỷ viên BCH TW Đảng, Uỷ viên Quân uỷ TW, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: Những đóng góp và đức độ của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đối với ngành Kỹ thuật quân sự và Công nghiệp quốc phòng đất nước là niềm tự hào đối với dân tộc. Đảng, Nhà nước và Quân đội đánh giá cao những đóng góp to lớn của Giáo sư đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các nhà khoa học kỹ thuật quân sự, nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế tôn vinh Giáo sư là: “Ông phật làm súng”, “Ông vua vũ khí”… Năm 1948, đồng chí Trần Đại Nghĩa được phong quân hàm Thiếu tướng và trở thành một trong những vị tướng đầu tiên của Quân đội ta. Năm 1952, ông là một trong ba người đầu tiên được phong tặng Anh hùng Lao động. Năm 1996, ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh Đợt 1 về cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí (bazooka, súng không giật, đạn bay) trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954). Đó là phần thưởng cao quý của Giáo sư Trần Đại Nghĩa và của ngành Kỹ thuật quân sự, Công nghiệp quốc phòng Việt Nam.

PGS, TS Trần Tuấn Anh, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: Để vinh danh và ghi nhận những đóng góp quý báu của Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa, nhằm thúc đẩy công tác ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn, năm 2016, lần đầu tiên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam ban hành quy chế Giải thưởng Trần Đại Nghĩa và tổ chức trao tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa với chu kỳ 3 năm/lần. Qua 2 lần tổ chức, đã xét tặng được 6 Giải thưởng, tôn vinh 14 công trình xuất sắc về khoa học và công nghệ, trực tiếp triển khai ứng dụng các kết quả đó vào thực tiễn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

 

GS.VS Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913 tại một gai đình nhà giáo nghèo tại xã Chánh Hiệp (nay là xã Hoà Hiệp), huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Năm 2023 cũng chính là năm kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Ông. Cha Ông là Phạm Văn Mùi, một nhà nho uyên thâm, một nhà giáo giàu lòng nhân ái, thương yêu học sinh, tận tuỵ với công việc.

Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại mồ côi cha từ khi mới 7 tuổi, song với tư chất thông minh và sự chăm chỉ, chịu khó, cậu bé Phạm Quang Lễ luôn đạt kết qủa học tập xuất sắc toàn diện, nhất là toán và các môn tự nhiên.

Năm 1926, Phạm Quang Lễ thi đỗ hạng ưu vào trường Trung học đệ nhất cấp Mỹ Tho; Năm 1930 đỗ vào trường Petrus Ký (nay là Trường chuyên Lê Hồng Phong, Tp Hồ Chí Minh); Năm 1935, khi tròn 22 tuổi, Phạm Quang Lễ sang Pháp du học tại Trường Đại học Cầu đường Paris và được học bổng toàn phần của Chính phủ Pháp. Cùng thời gian đó, Ông còn học thêm ở Trường Cao đẳng Kỹ thuật Paris và Trường Đại học Sorbonne.

Năm 1940, sinh viên Phạm Quang Lễ đã nhận gần như cùng một lúc ba bằng: Kỹ sư cầu đường, Kỹ sư điện và Cử nhân Toán. Sau đó, ông còn học tiếp và nhận thêm ba bằng kỹ sư khác: Hàng không, Mỏ – Địa chất và Chế tạo máy.

Ông đã làm việc tại Hãng điện khí Thomson, Viện Nghiên cứu chế tạo máy bay và vũ khí của Pháp, làm kĩ sư trưởng Nhà máy nghiên cứu chế tạo máy bay hãng Nord Aviation (Pháp, 1944). Ông bắt đầu tham gia Hội Việt Nam ái hữu. Suốt 11 năm bền bỉ, âm thầm nghiên cứu, thông qua các mối quan hệ trong quá trình làm việc ở Pháp và Đức, Ông tìm kiếm các bí mật quân sự, các bản thiết kế vũ khí. Kết quả của sự lao động miệt mài đó là hơn 30.000 trang tài liệu ghi chép về chế tạo vũ khí, hầu hết là “tuyệt mật”.

Tháng 12/1946, Ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trọng trách: Cục trưởng Quân giới – Bộ Quốc Phòng (nay là Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam) kiêm Giám đốc Nha nghiên cứu Quân giới – Bộ Tổng Tư Lệnh Quân đội (nay là Viện KH&CN Quân sự).

Cũng từ đây, cái tên Trần Đại Nghĩa được Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh. Người nói: “Kháng chiến toàn quốc sắp tới nơi, Bác giao chú nhiệm vụ Cục trưởng Cục Quân giới. Chú lo vũ khí cho bộ đội. Đây là việc đại nghĩa, vì thế Bác đặt tên chú là Trần Đại Nghĩa. Đây là bí danh từ nay trở đi của chú, để giữ bí mật và cũng là giữ an toàn cho bà con thân thuộc của chú ở trong miền Nam. Bác tin chắc chú sẽ làm tròn nhiệm vụ.”

A Hào
Tạp chí Biển Việt Nam

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu