Quảng Bình: Trong 6 tháng đầu năm ngành thủy sản gặp nhiều khó khăn

Tạp chí Biển Việt Nam - Trong 6 tháng đầu năm 2022, do giá xăng dầu liên tục tăng cao dẫn đến hiệu quả khai thác thuỷ sản của tỉnh Quảng Bình gặp nhiều khó khăn, ngư dân khai thác cầm chừng, nhiều tàu đánh bắt xa bờ phải nằm bờ vì ra khơi thua lỗ. Trong khi đó, do có sự chuẩn bị tốt, ngành du lịch của tỉnh đang hồi phục nhanh sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, ước tính tổng sản phẩm (theo giá so sánh năm 2010) trên địa bàn tỉnh Quảngt Bình 6 tháng đầu năm 2022 đạt 13.283,6 tỷ đồng, tăng 6,96% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2.623,1 tỷ đồng, tăng 2,84%, đóng góp 0,58 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 3.421,3 tỷ đồng, tăng 12,55%, đóng góp 3,07 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ đạt 6.721,8 tỷ đồng, tăng 6,25%, đóng góp 3,19 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 517,4 tỷ đồng, tăng 2,89% so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp 0,12 điểm phần trăm trong 6,96% tăng trưởng GRDP trên địa bàn tỉnh.

Tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm nay cao hơn so với kế hoạch năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2021 (Kế hoạch năm 2022 GRDP tăng 6 – 6,5%; cùng kỳ năm 2021 tăng 5,65%). Nhờ kiểm soát tốt dịch COVID-19 nên khu vực  công nghiệp – xây dựng và khu vực dịch vụ có sự tăng trưởng khá cao. Trong đó, ngành công nghiệp tăng cao nhất nhờ sản lượng điện sản xuất tăng và dịch bệnh được kiểm soát nên doanh nghiệp có nhiều đơn hàng để sản xuất; ngành du lịch đã có sự phục hồi nhanh, nhờ đó các ngành dịch vụ liên quan đến du lịch trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng khá, như: Bán lẻ hàng hoá, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải, các dịch vụ vui chơi, giải trí,.. Tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh đạt 6,96% là kết quả tích cực. Trong 3 khu vực của nền kinh tế, chỉ có khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm gặp không ít khó khăn: Cuối vụ Đông Xuân thời tiết không thuận lợi làm nhiều diện tích lúa bị ngập, gãy đổ làm cho năng suất lúa giảm 3,7%, sản lượng lúa giảm 4,3%, kéo theo sản lượng lương thực vụ Đông Xuân năm nay giảm 3,6% so với vụ Đông Xuân năm trước; dịch bệnh trong chăn nuôi cơ bản được khống chế, tuy nhiên một số sản phẩm chăn nuôi giá bán giảm, tiêu thụ khó khăn; giá xăng, dầu tăng cao, hiệu quả khai thác thuỷ sản thấp nên ngư dân khai thác cầm chừng, nhiều tàu đánh bắt xa bờ phải nằm bờ vì ra khơi thua lỗ. Ước tính giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 (theo giá so sánh 2010) đạt 5.115,6 tỷ đồng, tăng 2,77% so với cùng kỳ năm 2021 (kế hoạch năm 2022 tăng 3,5 – 4%; cùng kỳ năm 2021 tăng 4,54%).

Cụ thể, sản xuất thủy sản 6 tháng đầu năm gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng cao; giá thức ăn cho thuỷ sản và công lao động tiếp tục tăng; thời tiết diễn biến phức tạp trong những ngày đầu tháng 4, cuối tháng 5 làm ảnh hưởng đến sản xuất thủy sản, nhất là khai thác hải sản. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá các mặt hàng hải sản đã dần ổn định, nhu cầu tiêu thụ tăng nên bà con ngư dân nỗ lực khắc phục khó khăn ra khơi bám biển. Do đó sản lượng thuỷ sản 6 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng mức tăng thấp.

Ước tính 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng thủy sản đạt 43.697,8 tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ; trong đó: sản lượng khai thác đạt 39.415,1 tấn, tăng 3,4%; sản lượng nuôi trồng đạt 4.282,7 tấn, tăng 0,5%. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản thực hiện 5.642 ha, xấp xỉ cùng kỳ năm trước. Số lượng tàu, thuyền, xuồng khai thác hải sản có động cơ là 5.463 chiếc, tăng 0,1%; tổng công suất là 742.495 CV, giảm 2,3% so với cùng kỳ.

Sau thời gian dài ngưng trệ vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, đến tháng 4/2022 du lịch Quảng Bình đã có những tín hiệu phục hồi tích cực, nhất là trong dịp nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương và nghỉ Lễ 30/4, 1/5.  Các chính sách kích cầu, phục hồi du lịch triển khai kịp thời đã phát huy hiệu quả. Nhờ đó, du lịch lữ hành, lưu trú, ăn uống 6 tháng đầu năm tăng trưởng khá, đặc biệt là trong quý II/2022 với tốc độ tăng cao so với cùng kỳ.

Du khách hòa mình với biển Nhật Lệ

Doanh thu dịch vụ lưu trú 6 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 164,4 tỷ đồng, tăng 126,8% so với cùng kỳ. Số lượt khách lưu trú 6 tháng năm 2022 ước tính đạt 483.991 lượt khách, tăng 135,9% so với cùng kỳ; trong đó số lượt khách quốc tế lưu trú đạt 7.474 lượt khách, tăng 44,2% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 117,5 tỷ đồng, tăng 102,9% so với cùng kỳ. Số lượt khách du lịch lữ hành 6 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 163.627 lượt khách, tăng 65,3% so với cùng kỳ; trong đó số lượt khách quốc tế lữ hành đạt 7.227 lượt khách, tăng 90,3% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ ăn uống 6 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 1.818,0 tỷ đồng, tăng 8,0% so với cùng kỳ.

Cùng với sự phục hồi của ngành du lịch, ngành dịch vụ khác tăng trưởng mạnh trong sáu tháng đầu năm 2022, đặc biệt trong quý II, các nhóm ngành dịch vụ đều tăng do nhu cầu tiêu dùng, vui chơi giải trí vào dịp hè sôi động hơn bởi thời gian này học sinh, sinh viên được nghỉ, cùng với thời tiết phù hợp để mọi gia đình đi du lịch, nghỉ dưỡng và sử dụng các dịch vụ khác. Doanh thu hoạt động dịch vụ khác 6 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 893,2 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ.

Ngọc Thêm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu